Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
M&A công nghệ thông tin phát sốt với đối tác ngoại
Hữu Tuấn - 26/07/2013 14:58
 
Hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực công nghệ thông tin thời gian gần đây cho thấy, sức nóng của thị trường này do các nhà đầu tư nước ngoài châm lửa.
TIN LIÊN QUAN

Điểm danh các thương vụ

Thị trường M&A Việt Nam 6 tháng đầu năm nay đã chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A trong ngành công nghệ thông tin. Thông tin mới nhất từ đại gia SamsungVina cho biết, Samsung Electronics (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần TIE (Việt Nam) đã ký hợp đồng mua - bán phần vốn góp của TIE, tương đương 20% vốn điều lệ, tại Công ty TNHH Điện tử SamsungVina vào trung tuần tháng 7/2013.

Được biết, phần vốn góp của TIE tại SamsungVina có giá trị tương đương 3,492 triệu USD. Và giá trị chuyển nhượng được thống nhất ước đạt 96,15 tỷ đồng. Như vậy, với việc bỏ thêm hơn 96 tỷ đồng, SamsungVina sẽ trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc SamsungVina, trong tuần này, SamsungVina sẽ nộp hồ sơ xin chuyển đổi pháp nhân lên cơ quan chức năng Việt Nam, để hoàn thiện thủ tục cho thương vụ trên.

Cùng thời gian trên, Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh đã bán lại 10% cổ phần cho Tập đoàn Nojima (Nhật Bản), thương vụ có giá trị 64 tỷ đồng.

Với nguồn tài chính mới, Trần Anh sẽ sử dụng để mở rộng hệ thống, trở thành doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị điện máy - máy tính - mobile có quy mô hàng đầu Việt Nam.

Tháng 4/2013, lĩnh vực công nghệ thông tin cũng ghi nhận 2 thương vụ đình đám. Đó là thương vụ Công ty cổ phần Giải pháp Phần mềm Hòa Bình (Peacesoft) bán 50% vốn của Ngân Lượng cho MOL Access Portal Sdn. Bhd (MOL) và Navigos (sở hữu VietnamWorks và Navigos Search) bán 89,8% vốn cho En-Japan, với giá trị 22 triệu USD.

Trước đó (tháng 2/3013), Vietnam Online Network (sở hữu kiemviec.com, HRvietnam.com) cũng đã bán sản phẩm Yume cho MJGroup, sau đó bán toàn bộ công ty cho CareerBuilder. Mekong Capital cũng thực hiện việc thoái 6,7% vốn cổ phần tại Công ty cổ phần Thế giới di động cho một nhà đầu tư tài chính với giá lên tới 110 triệu USD…

M&A lĩnh vực công nghệ thông tin đang nóng

Có thể thấy rằng, xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang nóng dần. Các tập đoàn nước ngoài đang kỳ vọng vào sự tăng trưởng của lĩnh vực này tại Việt Nam, bởi Việt Nam đang là “điểm dừng chân” của hàng loạt tập đoàn công nghệ, điện tử nổi tiếng thế giới, như Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc), Canon (Nhật Bản), Nokia (Phần Lan)…

Bên cạnh các khoản đầu tư trực tiếp này, nhiều nhà đầu tư khác cũng tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghệ (sản xuất lẫn cung cấp dịch vụ) ở Việt Nam thông qua việc mua lại cổ phần, đầu tư vốn như cách của các quỹ mạo hiểm, hoặc mua lại toàn bộ một doanh nghiệp tại chỗ. Mục tiêu của họ không chỉ dừng ở lợi nhuận, mà còn nhằm tạo điểm xuất phát nhanh nhất khi bước vào thị trường mới.

“Nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn vào thị trường Việt Nam, nhưng nếu tự đầu tư xây dựng từ đầu, chưa chắc đã hiệu quả bằng việc mua lại các doanh nghiệp bản địa đang có sẵn. Vì vậy, họ mua lại cổ phần của doanh nghiệp số 1 thị trường, dù giá mua cao, nhưng lợi ích lâu dài là lớn”, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc Peacesoft nhận xét.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung, hiện có nhiều công ty công nghệ thông tin và phát triển phần mềm nước ngoài có ý định mở rộng quy mô, hoặc tìm kiếm đối tác đầu tư là các doanh nghiệp phần mềm tại Việt Nam. Chính vì thế, con đường M&A là không thể tránh khỏi.

Các chuyên gia nhận định, thời gian tới, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao tại Việt Nam. Nguyên nhân là do các công ty nước ngoài muốn tăng thị phần, gia nhập thị trường mới, R&D hoặc tiếp nhận tài sản nhân lực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư