Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
M&A ngân hàng: Hàng chục thương vụ vẫn đang chờ bùng nổ
Thùy Liên - 10/12/2020 14:29
 
Chỉ 2 thương vụ chào bán cổ phần cho đối tác ngoại thành công trong 10 tháng năm 2020, song gần chục thương vụ đang đàm phán cho thấy, hoạt động M&A ngân hàng vẫn nhộn nhịp thời gian tới.
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đang đẩy mạnh tìm kiếm đối tác.
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đang đẩy mạnh tìm kiếm đối tác.

Những thương vụ mở màn năm 2020

Năm 2019, thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng mở đầu và kết thúc bằng thương vụ chào bán cổ phần của hai ông lớn. Đầu năm 2019, Vietcombank thông báo chào bán bằng thương vụ bán 3% cổ phiếu cho GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho Bank Ltd. Cuối năm 2019, BIDV chốt lại bằng thương vụ có giá trị cao kỷ lục: bán 15% cổ phần cho Keb Hana Bank với 876 triệu USD.

Bước sang năm 2020, thị trường M&A ngân hàng trầm lắng hơn, một phần do ảnh hưởng của Covid-19, song cũng kịp ghi nhận một số thương vụ thành công, tiêu biểu là OCB hoàn tất bán 15% cổ phần cho đối tác Aozora (Nhật Bản).

Cụ thể, ngày 17/6/2020, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc Aozora (AOZ) mua cổ phần của OCB, trở thành cổ đông nước ngoài sở hữu 15% vốn điều lệ của OCB. Việc phát hành thành công được hoàn tất vào thời điểm 29/6/2020.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị OCB cho hay, OCB đã làm việc với nhiều đối tác trước khi lựa chọn hợp tác với AOZ. Trước đó, năm 2018, cổ đông ngoại nắm 20% vốn của OCB là Tập đoàn BNP Paribas đã thoái toàn bộ vốn góp khỏi ngân hàng này.

Ngân hàng thứ hai chào bán thành công cổ phần cho đối tác ngoại là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Cụ thể, tháng 2/2020, MB phát hành thành công hơn 64,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho 8 nhà đầu tư nước ngoài với giá bán 27.000 đồng/cổ phiếu và thu ròng 1.720 tỷ đồng. Đây cũng là 8 quỹ từng mua  21,4 triệu cổ phiếu quỹ của MB vào ngày 22/1. Như vậy, tổng cộng các nhà đầu tư này đã mua 85,7 triệu cổ phiếu của MB, bao gồm cổ phiếu phát hành riêng lẻ và cổ phiếu quỹ.

HDBank - dù đang mắc kẹt bởi thương vụ M&A với PG Bank - đã có thương vụ chào bán trái phiếu chuyển đổi vào cuối tháng 9/2020 với định chế tài chính DEG của Đức. Đáng lưu ý, đây là trái phiếu chuyển đổi, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu. Bên cạnh đó, hai bên còn ký kết hợp tác chiến lược để phát triển các sản phẩm, dịch vụ, tài chính cho doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt xuất khẩu qua thị trường Đức và châu Âu. Như vậy, không loại trừ khả năng DEG có thể trở thành cổ đông chiến lược của HDBank trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực Ngân hàng HDBank khẳng định, với thương vụ này, HDBank, thành viên của Tập đoàn Sovico đã thiết lập mối quan hệ chiến lược với DEG, đồng thời mở cửa cho HDBank và Tập đoàn Sovico hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, ông Jochen Steinbuch, Giám đốc DEG khu vực châu Á - Thái Bình Dương tỏ ra rất lạc quan về tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam cũng như sức khỏe của HDBank. “Việt Nam là điểm sáng cho các nhà đầu tư nước ngoài khi nền kinh tế ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nhờ dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang tiếp tục mở rộng, nhu cầu đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng ở mức cao",  ông Jochen Steinbuch khẳng định. 

Trước đó, đầu tháng 9/2020, Hội đồng Quản trị HDBank đã quyết định phát hành 160 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, nhắm đến nhà đầu tư nước ngoài. Trái phiếu này có thể chuyển thành cổ phiếu phổ thông. 

Nhiều thương vụ ngàn tỷ vẫn đang trong quá trình đàm phán

Mặc dù số thương vụ M&A diễn ra 10 tháng đầu năm nay không nhiều, song rất nhiều thương vụ đang được đàm phán hoặc chờ hoàn tất thủ tục.

Thương vụ đầu tiên phải kể đến là HDBank sáp nhập PG Bank. Từ năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc phương án sáp nhập của hai bên, song đến nay, thủ tục sáp nhập vẫn chưa được hoàn tất. Trả lời thắc mắc của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông giữa năm nay, lãnh đạo HDBank thừa nhận, tiến độ sáp nhập chậm hơn nhiều so với dự kiến. Theo ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị HDBank, hồ sơ thương vụ đã được hoàn thiện, nộp Ngân hàng Nhà nước.

Thương vụ sáp nhập của hai ngân hàng này chưa biết bao giờ mới hoàn thành, song rất nhiều thương vụ đang "tấp nập" đàm phán hoặc trong quá trình tìm kiếm đối tác như trường hợp của Vietcombank, NCB, NamABank, LPB, MSB, VPB, SHB…

Cụ thể, "ông lớn" Vietcombank đang lên phương án phát hành riêng lẻ 6,5% cổ phần cho đối tác nước ngoài để tăng vốn. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính, bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của Vietcombank (trong đó có Mizuho), thời gian chào bán là năm 2020 - 2021. 

Tương tự, Nam A Bank đang có kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, Ngân hàng sẽ  chào bán cổ phiếu riêng lẻ 143 triệu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện room ngoại tại ngân hàng này vẫn còn nguyên 30%. Nam A Bank muốn chào bán riêng lẻ với đối tác ngoại trước năm 2020, song với tình hình thị trường hiện nay, mục tiêu trên khó thành hiện thực.

SCB nhiều lần công bố kế hoạch chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại. Tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, SCB tiếp tục đưa ra kế hoạch phát hành 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư trong và ngoài nước.  

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) từ tháng 7 - 8/2019 đã làm việc với 2 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Singapore. NCB cho biết, 2 nhà đầu tư này sẽ mua cổ phần trong đợt phát hành mới để trở thành cổ đông nước ngoài của Ngân hàng trong đợt tăng vốn điều lệ sắp tới.

Một số ngân hàng TMCP khác cũng từng công bố kế hoạch chào bán riêng lẻ cho cổ đông ngoại là LPB, MSB. Ngoài ra, 3 ngân hàng MSB, VPBank và SHB đang xúc tiến bán công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc là FCCOM, FE Credit và SHB Finance. 

Về dài hạn, còn rất nhiều ngân hàng khác sẽ tham gia vào thị trường M&A ngân hàng. Cụ thể, thời gian tới, có khả năng VietinBank sẽ được Chính phủ thí điểm nới room. Ngoài ra, Agribank đang thực hiện các bước cuối cùng để tiến hành cổ phần hóa cũng mở ra cơ hội thu hút vốn khủng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, nhu cầu bán cổ phần để tăng vốn của các ngân hàng, cộng với yếu tố kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng của khu vực và việc Chính phủ tuyên bố không cấp phép thành lập mới các ngân hàng có vốn nước ngoài đến hết năm 2020, Nhà nước giảm dần tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng quốc doanh… khiến sóng M&A ngân hàng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

M&A ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian tới, thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại, tuy nhiên, hoạt động M&A trong lĩnh vực này sẽ có nhiều thay đổi.

“Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy tiềm năng lớn của mảng ngân hàng số và ngân hàng bán lẻ của Việt Nam. Tuy nhiên, tới đây, các thương vụ M&A lớn sẽ ít đi, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng mua cổ phần các ngân hàng nhỏ hoặc công ty tài chính có nền tảng công nghệ yếu, mua cổ phần và đầu tư công nghệ để phát triển các dịch vụ ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ, đặc biệt là thanh toán điện tử, cho vay tiêu dùng, tài chính vi mô, bảo hiểm… Các đối tác quan tâm đến ngân hàng Việt chủ yếu vẫn đến từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Trung Quốc”, ông Nghĩa nói.

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2020, thị trường M&A trong lĩnh vực ngân hàng chưa thể sôi động, vì rủi ro kinh tế toàn cầu tăng lên khiến nhà đầu tư có xu hướng tăng nắm giữ tiền mặt; Covid-19 khiến việc đi lại của nhà đầu tư gặp khó khăn; dịch bệnh khiến nợ xấu tiềm ẩn của các ngân hàng Việt trở nên đáng lo và lợi nhuận ngân hàng vì vậy cũng chứa đựng các yếu tố “ảo”.

“Ngân hàng Việt vẫn hấp dẫn vì tỷ lệ người dân sử dụng tài khoản ngân hàng còn ít, thị trường tiêu dùng nhiều tiềm năng, tăng trưởng kinh tế có triển vọng…, song ở giai đoạn này thì chưa thể kỳ vọng nhà đầu tư bỏ vốn. Tuy vậy, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác, cộng với ngành ngân hàng đang thay đổi mạnh mẽ từ công nghệ đến quản trị, hy vọng sóng M&A trong lĩnh vực này sẽ tăng mạnh trở lại”, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định.

Theo ông Hiếu, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… vẫn rất quan tâm đến các ngân hàng Việt Nam, song để nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn, Chính phủ cần có biện pháp đột phá trong nới room vốn ngoại.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ Dragon Capital từng đề nghị, room ngoại của các ngân hàng trong nước cần được điều chỉnh từ mức 30% hiện nay lên 49%, tạo điều kiện cho các ngân hàng huy động vốn ngoại.

Tuy nhiên, về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khả năng Chính phủ nới room lên 49 - 51% trong ngắn hạn khó có thể xảy ra. “Thứ nhất, bản thân các ngân hàng thương mại của Việt Nam chưa ngân hàng nào muốn mở room nhiều đến mức đó. Thứ hai, vì sự an toàn của hệ thống, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa sẵn sàng mở room quá rộng cho nhà đầu tư lớn, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nghĩa phân tích.

Top 10 thương vụ M&A 2019-2020: Vietcombank và Tập đoàn FWD
Vietcombank và Tập đoàn FWD đã ký hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm 15 năm, trở thành thương vụ bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư