Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 23 tháng 01 năm 2025,
M&A ngân hàng sẽ dậy sóng
Thùy Vinh - 10/06/2019 09:45
 
Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng khá trầm lắng trong hơn 3 năm qua, nhưng nhiều nhận định cho rằng, M&A ngân hàng sẽ “dậy sóng” trong thời gian tới.
Đã có một số nhà đầu tư ngoại nhòm ngó các ngân hàng, song việc đàm phán chưa thể một sớm một chiều.
Đã có một số nhà đầu tư ngoại nhòm ngó các ngân hàng, song việc đàm phán chưa thể một sớm một chiều.

Khoảng lặng

Thực tế, hơn 3 năm qua, chưa có thương vụ M&A thực sự lớn trong ngành ngân hàng Việt Nam. Nếu có thì chỉ là sự điều chỉnh chiến lược của các ngân hàng ngoại dẫn tới các thương vụ giữa các ngân hàng ngoại với nhau, như trường hợp Shinhan Bank mua mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nguyên nhân chính khiến thị trường M&A trầm lắng là thiếu vắng những nhà đầu tư nội có tiềm lực tài chính. Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại không được vay tiền để mua cổ phần của ngân hàng khác như giai đoạn trước.

Mặt khác, Thông tư số 46/2018/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác, sẽ có hiệu lực thi hành từ năm 2021.

Thông tư 46 yêu cầu tổ chức tín dụng phối hợp với cổ đông lớn rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác; tổ chức tín dụng đầu mối phối hợp với tổ chức tín dụng khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2020, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung. Chính việc mạnh tay xóa sở hữu chéo khiến M&A im ắng.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu cổ phần tại ngân hàng Việt Nam cũng không còn nhiều cơ hội. Nguyên nhân là room ngoại tại các nhà băng Việt có quy mô như Vietinbank, Techcombank, ACB đã cạn. Còn với ngân hàng quy mô nhỏ và vừa, việc  thu hút vốn ngoại không dễ. Với các ngân hàng yếu kém, phải bán lại bắt buộc (CBBank, OCeanBank, GPBank), đã có một số nhà đầu tư ngoại nhòm ngó, song việc đàm phán chưa thể một sớm một chiều. 

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, tái cơ cấu ngành ngân hàng đã vào giai đoạn II. Mặc dù có nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu của quá trình tái cơ cấu, song hệ thống ngân hàng đã tránh được đổ vỡ, rủi ro thanh khoản và hoạt động của các ngân hàng đã có sự cải thiện hơn. Đó cũng có thể là một phần lý do khiến M&A ngân hàng trầm lắng thời gian qua.

Dậy sóng

Theo TS. Trần Du Lịch, trên thế giới, không phải ngân hàng nào cũng có quy mô lớn, nhưng theo quy định, với quy mô chừng nào thì họ được thực hiện các nghiệp vụ đúng với năng lực và quy mô của mình. “Nhưng ở Việt Nam, các ngân hàng đều được thực hiện các nghiệp vụ như nhau, trong khi quy mô và năng lực lại không giống nhau”, TS. Trần Du Lịch nói và cho rằng, đối với những ngân hàng yếu kém, cần thiết phải tìm đến giải pháp M&A để gia tăng sức mạnh cộng hưởng, đáp ứng các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế.

Tới thời điểm này, hầu hết các ngân hàng có kế hoạch M&A đều có tiềm lực lớn mạnh hơn các năm trước rất nhiều. Hơn nữa, sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại tới việc nắm cổ phần của các ngân hàng trong nước cũng là cơ hội để các ngân hàng này phát hành thêm cổ phiếu và tăng vốn. Vì thế, các nhà băng trong nước và cổ đông ngoại đang tích cực đàm phán để có kết quả.

Tổng giám đốc Ngân hàng HDBank, ông Nguyễn Hữu Đặng cho hay, cuối năm 2019, sẽ hoàn thành sáp nhập PGBank vào HDBank. Phương án nhận sáp nhập đã được cổ đông thông qua từ Đại hội đồng cổ đông năm ngoái, nhưng đến nay chưa hoàn tất. 

Theo ông Đặng, đề án sáp nhập đã được NHNN chấp thuận về nguyên tắc. Hai ngân hàng đã hoàn thành hồ sơ và đang thực hiện công tác chuẩn bị để đảm bảo hoạt động tốt, hiệu quả trước thời điểm sáp nhập. Để thuận lợi cho quá trình sáp nhập và xử lý những tồn đọng tại PGBank, HDBank đã cử người tham gia quản trị điều hành của PGBank.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank cho biết, việc hoàn thành sáp nhập PGBank vào HDBank sẽ giúp mở rộng mạng lưới, hệ sinh thái khách hàng của Ngân hàng. Trước đó, HDBank đã có thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Petrolimex nhằm khai thác lợi thế của hai bên.

Một nguyên nhân khác khiến các ngân hàng hào hứng hơn với M&A, trong đó mục tiêu là các tổ chức tín dụng đang cần tái cơ cấu, là sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu ở các tổ chức tín dụng.

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 - năm 2019

Do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Diễn đàn diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 6/8/2019.

Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá/Going for breakthrough”, Diễn đàn sẽ bàn thảo các cơ hội M&A trong kỷ nguyên mới, những thay đổi cần có để thị trường M&A Việt Nam thực sự bứt phá, đem lại lợi ích cho các thành viên tham gia.

Diễn đàn có các hoạt động chính: Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; vinh danh thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 - 2019; tiệc tối kết nối đầu tư; phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 (tiếng Việt - Anh); Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.

Tái cơ cấu ngân hàng nhỏ: Thực hiện M&A nếu khó xử lý nợ xấu
Đạt được những kết quả đáng khích lệ ban đầu và tránh được sự đổ vỡ cho cả hệ thống, song tái cơ cấu ngành ngân hàng vẫn đối mặt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư