Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tái cơ cấu ngân hàng tiếp tục “nóng”
Vân Linh - 26/05/2018 08:34
 
Xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng cần tiếp tục đẩy mạnh và thực chất hơn.

Đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho hay, ngành ngân hàng đã và đang quyết liệt triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, bền vững của tổ chức tín dụng, từ đó tạo tiền đề vững chắc để kiềm chế lạm phát, đổi mới mô hình tăng trưởng. 

Để thực hiện có hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, NHNN đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, ban hành Chỉ thị về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14. 

.
.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), với việc ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14, nợ xấu đã được nhìn nhận là vấn đề của cả nền kinh tế, chứ không chỉ là của riêng ngành ngân hàng như trước đây. Điều này đã tạo động lực quan trọng cho VAMC và các tổ chức tín dụng chủ động xử lý nợ xấu, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự. 

Năm 2018, theo kế hoạch, VAMC sẽ mua khoảng 3.500 tỷ đồng nợ xấu. Ông Đông thông tin, từ năm nay, VAMC sẽ hạn chế việc mua nợ xấu và phát hành bằng trái phiếu đặc biệt. Thay vào đó, VAMC sẽ tổ chức phân tích, phân loại các loại khoản nợ từ 10 tỷ đồng trở lên để tiến hành mua đứt - bán đoạn; đồng thời, xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu để tiến tới mua - bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. “Như vậy, việc xử lý nợ xấu mới đi vào thực chất, mang hiệu quả tích cực, tạo nguồn lực mới cho nền kinh tế”, ông Đông nhấn mạnh. 

Thách thức trong tái cơ cấu

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính đánh giá, nền tảng tái cấu trúc ngân hàng đã hoàn thiện được một bước khá quan trọng trong năm 2017 và cần phát huy hơn nữa để đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc. Nếu không, vài ba năm tới, rất có thể, kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào chu kỳ tăng trưởng chậm lại và khi đó, ngành ngân hàng sẽ bị đẩy vào tình thế khó khăn. 

Nền tảng tái cấu trúc ngân hàng đã hoàn thiện được một bước khá quan trọng trong năm 2017 và cần phát huy hơn nữa để đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc.

Mặc dù những biện pháp đẩy mạnh xử lý đã được thực hiện, song đến nay, công tác tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện mục tiêu theo lộ trình đề ra. Đặc biệt, quá trình tái cơ cấu đối với 3 ngân hàng là Ngân hàng Đại Dương - Ocean Bank, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu - GP Bank và Ngân hàng Xây dựng (VNCB) còn chậm.

Vừa qua, cử tri tại TP.HCM đề nghị, cần xem xét làm rõ trách nhiệm đối với các ngân hàng này khi để thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, cần thiết cần xử lý trách nhiệm hình sự từng trường hợp để tránh việc kinh doanh thua lỗ rồi để NHNN gánh nợ. 

Tại công văn trả lời cử tri TP.HCM, NHNN cho biết phương án mua bắt buộc 3 ngân hàng là giải pháp nhằm mục tiêu bảo đảm sự an toàn, ổn định, trật tự của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. 

Về trách nhiệm đối với các ngân hàng khi để thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, văn bản trả lời của NHNN nêu: “Thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ được giao, NHNN đã chủ động triển khai các biện pháp quản lý, thanh tra, giám sát theo quy định của pháp luật. Căn cứ kết quả thanh tra, đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, NHNN đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh”.

Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, việc đẩy mạnh tái cơ cấu 3 ngân hàng nói trên cũng là mục tiêu được ngành đặt ra trong năm 2018. Điều đó là hết sức cần thiết, vì sau một thời gian mua về và chỉ đạo các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tham gia hỗ trợ, đến nay, NHNN cũng nên xem xét cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia mua lại nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Tái cơ cấu ngân hàng: Chờ đợi kết thúc có hậu
Từ một hệ thống mong manh về thanh khoản, đến nửa đầu năm 2017, nhiều ngân hàng đã dồn dập báo lãi hàng ngàn tỷ đồng. Đằng sau những con số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư