Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tái cơ cấu ngân hàng: Cần tăng lực cho các đầu tàu
Hà Tâm - 09/05/2018 19:31
 
Sau gần một năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn II, sức khỏe của hệ thống ngân hàng đã cải thiện. Tuy nhiên, mua bán nợ xấu vẫn thiếu thị trường và tăng vốn cho các ngân hàng lớn vẫn là yêu cầu cấp bách.

Một loạt ngân hàng đã được duyệt đề án tái cơ cấu

Sau gần 1 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn II, ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay, đến nay, hầu hết các ngân hàng đã được NHNN phê duyệt phương án tái cơ cấu.

Cụ thể, trong số 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất hệ thống, NHNN đã thẩm định, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2020 của 3 ngân hàng (Agribank, VCB và BIDV), chỉ còn VietinBank chưa được phê duyệt. 

.
Câu chuyện tăng vốn cho các đầu tàu của ngành ngân hàng lại đang vướng cả về pháp lý lẫn thực tiễn. Ảnh minh họa.

Với các ngân hàng liên doanh và ngân hàng nước ngoài, NHNN đã có văn bản phê duyệt phương án cơ cấu lại của 9 ngân hàng, chỉ còn ngân hàng liên doanh Việt - Nga chưa được phê duyệt.

Các ngân hàng TMCP cũng đã được chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh. 

Thực tế, sau một thời gian tái cơ cấu, đến nay, sức khỏe của hệ thống ngân hàng đã cải thiện rõ rệt. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho hay, nếu như năm 2017 - thời điểm mới bắt đầu thực hiện tái cơ cấu, hệ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của hệ thống chỉ đạt 6% thì hiện nay đã tăng gần gấp đôi (11%). 

Đặc biệt, tình trạng cổ đông thâu tóm, sở hữu chéo đã giảm mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tốc độ tái cơ cấu ngân hàng đang được đẩy nhanh khi hành lang pháp lý bắt đầu hoàn thiện từ đầu năm nay (Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chính thức có hiệu lực). Minh chứng là hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) ngân hàng đã lộ diện.  

Theo định hướng của NHNN, trong năm 2018, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt là 3 ngân hàng thương mại mua lại và các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Đồng thời, khẩn trương tăng vốn cho các ngân hàng thương mại quốc doanh sau khi được Thủ tướng phê duyệt, đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo... 

Thiếu thị trường mua bán nợ, khát tăng vốn 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được NHNN triển khai thời gian qua là xử lý nợ xấu. Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội ra đời, VAMC và các ngân hàng đã có nhiều thuận lợi trong xử lý nợ xấu. 

Bắt đầu từ năm 2018, VAMC sẽ đưa các khoản nợ xấu có giá trị trên 10 tỷ đồng mang ra bán, đồng thời tăng việc mua nợ theo giá thị trường.

Mặc dù xử lý nợ xấu có khả quan hơn trước, song NHNN thừa nhận, khâu phối hợp của nhiều cấp chưa đồng bộ (UBND, cơ quan công an, tòa án...). Trên thực tế, việc triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 vẫn gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong thu giữ tài sản đảm bảo. 

“Nếu không quyết liệt và đồng bộ, chúng ta sẽ không thực hiện xử lý nợ xấu kịp tiến độ đề ra, bởi Nghị quyết 42/2017/QH14 chỉ có thời hạn 5 năm, trong khi chúng ta đã trải qua gần 1 năm”, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo. 

Bên cạnh câu chuyện phối hợp, để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, các chuyên gia đề nghị, phải gấp rút xử lý một số vấn đề cấp bách, như sớm bổ sung hướng dẫn thuế chuyển nhượng tài sản, vì hiện nay, nhiều người mua tài sản nợ xấu không thể lấy được tài sản do chưa có hướng dẫn đóng thuế; khẩn trương hình thành thị trường mua bán nợ.

Một vấn đề cấp bách nữa liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước - hiện là đầu tàu của hệ thống. Tuy vậy, câu chuyện tăng vốn cho các đầu tàu này lại đang vướng cả về pháp lý lẫn thực tiễn.

“Để nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại nhà nước, vấn đề cơ bản đặt ra là phải tăng vốn cho các ngân hàng này thông qua một số hình thức như bán cổ phần cho nhà đầu tư (trong nước, ngoài nước) và sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn. Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng thương mại nhà nước chưa được sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn, trong khi tăng vốn theo hình thức bán cổ phần bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối thiểu của Nhà nước”, ông Huyền Anh cho hay. 

Theo TS. Cấn Văn Lực, nếu không khẩn trương tăng vốn cho các ngân hàng đầu tàu, sức khỏe của cả hệ thống ngân hàng tới đây sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay, tín dụng tăng 17 - 18%, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ tăng 8 - 9%, áp lực đáp ứng chỉ tiêu an toàn vốn của Hiệp ước Basel II, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) là rất khó khăn. Nếu không tìm được hướng giải quyết, cung ứng vốn của cả hệ thống cho nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Đây cũng là vấn đề được nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo tới Việt Nam thời gian qua.

Tái cơ cấu ngân hàng: Kỳ vọng những ông chủ “sạch”
Công cuộc tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II cần nguồn vốn thực cực lớn để xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém còn lại. Đã có nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư