Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tái cơ cấu ngân hàng nhỏ: Thực hiện M&A nếu khó xử lý nợ xấu
Vân Linh - 02/08/2018 08:57
 
Đạt được những kết quả đáng khích lệ ban đầu và tránh được sự đổ vỡ cho cả hệ thống, song tái cơ cấu ngành ngân hàng vẫn đối mặt nhiều thách thức.
TIN LIÊN QUAN

Chưa hết lo nợ xấu

Quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, như sáp nhập, hợp nhất một số ngân hàng nhỏ, yếu kém… nhằm tránh sự đổ vỡ, tác động tích cực đến cả hệ thống. Đồng thời, nợ xấu của toàn ngành ngân hàng nói chung và từng nhà băng nói riêng được kiểm soát về dưới mức an toàn dưới 3%, thanh khoản ổn định.

.
.

TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Tập đoàn Dragon Capital nhận định, nợ xấu của ngành ngân hàng hiện không còn là mối lo lớn của nền kinh tế, dù ngành vẫn đang trong quá trình đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nhất là với các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) từ các năm trước.

Nợ xấu đã được cải thiện nhiều, tạo tiền đề và niềm tin cho những bước xử lý tiếp theo, song theo theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), kết quả này chưa như kỳ vọng do hoạt động bán nợ xấu theo giá thị trường còn rất hạn chế, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém còn chậm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng thừa nhận, dù đã có Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về việc thí điểm xử lý nợ xấu, nhưng việc phát mãi tài sản đảm bảo vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc tái cơ cấu ngành ngân hàng còn chậm, biểu hiện ở kết quả của việc xử lý nợ xấu chưa thực chất. Nghị quyết 42/2017/QH14  đưa ra cơ sở pháp lý để thành lập thị trường mua bán nợ, nhưng thị trường này vẫn chưa hoạt động tích cực.

Theo TS. Hiếu, để đạt được như kỳ vọng của Nghị Quyết 42/2017/QH14  là có thị trường mua bán nợ mở rộng, thì NHNN phải là cơ quan chủ trì để thành lập thị trường mua bán nợ. Theo đó, các doanh nghiệp, người dân cũng có thể tham gia mua bán nợ.

Thực hiện M&A nếu nợ xấu không được cải thiện

Để tái cơ cấu hiệu quả, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cả hệ thống ngân hàng phải hoạt động rất lành mạnh, minh bạch, tuân thủ nghiêm các quy định của luật pháp, đưa ra dịch vụ ngân hàng chuẩn mực. Thời gian qua, hệ thống đã xảy ra một số vụ việc khiến dư luận bức xúc, như khách hàng bị mất tiền trong tài khoản hay những vụ lừa đảo liên quan đến cán bộ, nhân viên ngân hàng… Điều đó chứng tỏ, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam còn chậm.

Để việc tái cơ cấu ngân hàng đạt hiệu quả cao, cần tập trung giải quyết nợ xấu, trên cơ sở đánh giá chính xác tình hình nợ của từng ngân hàng.

Một chuyên gia kinh tế cấp cao cho rằng, để việc tái cơ cấu ngân hàng đạt hiệu quả cao và hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, cần tập trung giải quyết nợ xấu, trên cơ sở đánh giá chính xác tình hình nợ của từng ngân hàng. Nếu không giải quyết được nợ xấu và tình trạng yếu kém ngân hàng, cần thực hiện đúng các chủ trương, quyết định đã có về việc cho phá sản hoặc mua bán - sáp nhập (M&A).

TS. Lê Anh Tuấn nhận định, ngành ngân hàng Việt Nam đã bị ảnh hưởng khá nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính 2011 - 2014. Tuy nhiên, một số ngân hàng tốt đã phục hồi từ năm 2016 về mặt lợi nhuận, chất lượng tài sản. Sau đó, sự phục hồi lan rộng từ năm 2017 và khả năng tiếp tục tăng trưởng tích cực hơn trong năm nay.

Cũng theo ông Lê Anh Tuấn, sự phục hồi của ngành có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhà băng trong hệ thống. Trong đó, ngân hàng tốt phục hồi nhanh, nhà băng yếu phục hồi chậm. Sự phục hồi của các ngân hàng sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2018 - 2019, chất lượng tài sản sẽ tốt lên và hoàn nhập được dự phòng lớn, lợi nhuận cũng được kỳ vọng ở mức tích cực hơn so với những năm trước. Tuy vậy, cũng không loại trừ khả năng một số ngân hàng nhỏ, yếu kém khó có thể phục hồi trong thời gian tới. Như vậy, có thể nói, giai đoạn 2017 - 2019 là điểm rơi mạnh của các ngân hàng. Trong đó, một số ngân hàng nhỏ khó xử lý được nợ xấu có thể phải thực hiện M&A.

“Quá trình tái cơ cấu của ngành ngân hàng Việt Nam đã có bước tiến tích cực. Tuy nhiên, để thành công thì việc tái cơ cấu sẽ còn mất một bước dài để hoàn thiện hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng có sự phân hóa mạnh mẽ, nhất là về mặt chất lượng tài sản, năng lực tài chính và sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Tuấn nói.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng đánh giá, nợ xấu của ngành ngân hàng đã xử lý được một bước quan trọng. Dù vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn hệ thống, song nợ xấu không còn là mối lo lớn. Việc xử lý các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo ông Lịch, nỗ lực xử lý nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đã thành công được hơn nửa chặng đường khi VAMC “gom” và làm sạch bản cân đối kế toán cho các ngân hàng thương mại, song khó kỳ vọng sớm xóa bỏ hoàn toàn nợ xấu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư