Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 05 năm 2024,
M&A Việt Nam: Làn sóng thứ hai không chỉ là gợn sóng
Anh Hoa - Thanh Tân - 08/08/2014 08:04
 
Những kết quả khả quan về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vừa được công bố hôm 6/7 khiến các nhà đầu tư có mặt tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 diễn ra tại TP.HCM hôm qua (7/8) thêm phần hào hứng và kỳ vọng rằng, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) thứ hai trong giai đoạn 5 năm tới sẽ không chỉ là một gợn sóng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sóng M&A chờ gió cổ phần hóa
"Nghi án" M&A ngân hàng sẽ lộ sáng vào cuối năm
Thị trường M&A: Đại gia rình rập săn cá lớn?

Báo cáo của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tại Hội nghị Họp giao ban sơ kết về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 7 tháng đầu năm diễn ra ngày 6/8 cho thấy, đến hết tháng 7/2014, cả nước đã sắp xếp được 76 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá được 55 doanh nghiệp, giải thể 2 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp. Hoạt động thoái vốn đã đạt được 2.975 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cả năm 2013.

  M&A Việt Nam: Làn sóng thứ hai không chỉ là gợn sóng  
  Hơn 400 nhà đầu tư, doanh nghiệp đã tham dự Diễn đàn M&A Việt Nam 2014. Ảnh: Lê Toàn  

Cũng đến tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt toàn bộ 20 đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. “Mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước còn lại từ nay đến hết năm 2015 có thể thực hiện được”, Báo cáo khẳng định.

Thực tế cho thấy, ở những bộ, ngành, địa phương mà lãnh đạo trực tiếp giám sát, chỉ đạo sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thì kết quả rất tích cực, như Bộ Giao thông - Vận tải, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần phải đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đồng thời thực hiện tái cơ cấu, tập trung và kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp. “Quan trọng nhất là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt. Nếu không thực hiện được kế hoạch đặt ra thì tự nguyện từ chức”, Thủ tướng yêu cầu.

Cùng với những thông tin trên, các nhà đầu tư có mặt tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 càng thêm hào hứng và tăng kỳ vọng về một làn sóng M&A thứ hai trong giai đoạn 5 năm tới, khi Tập đoàn bán lẻ Berli Jucker (BJC) của tỷ phú Thái Lan Dhanin Chearavanont, sau hơn 1 năm theo đuổi, đã đạt được bước tiến mới trong thỏa thuận mua chuỗi 19 đại siêu thị Cash & Carry Việt Nam (Metro Group - Đức), với giá 500 triệu USD.

Trên thực tế, hoạt động M&A tại Việt Nam tăng mạnh từ năm 2008, nhưng bắt đầu suy giảm vào năm 2013. Ông John Ditty, Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng, tình hình chưa chắc được cải thiện trong năm nay, do chất lượng các thương vụ thấp, niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm, môi trường pháp luật thiếu nhất quán và điều kiện cơ sở hạ tầng kém. Song những trở ngại này không làm ông mất tự tin về sự bùng nổ trở lại các thương vụ M&A vào năm 2015, khi bên bán có những kỳ vọng thực tế hơn và tính minh bạch cao hơn.

Đối với ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital (chuyên đi săn các khoản đầu tư vào các công ty đang chuẩn bị cổ phần hóa), mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước rất tham vọng, nhưng hoàn toàn khả thi nếu Chỉnh phủ có quyết tâm cao, chiến lược hợp lý và các điều kiện thuận lợi khác.

Trong khi đó, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao Công ty Recof, chuyên về tư vấn M&A tại Nhật Bản lại đưa ra một viễn cảnh về vị thế tốt đẹp của Việt Nam đối với nhà đầu tư đến từ quốc gia này.

Theo ông Masataka “Sam” Yoshida, khi nhu cầu đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển của các công ty Nhật Bản không thay đổi, các điều kiện kinh tế nội địa vẫn được duy trì vững chắc dưới Chính sách Abenomic và câu hỏi về điểm đến hấp dẫn vẫn còn bỏ ngỏ, thì các công ty Nhật Bản sẽ tập trung vào thị trường ASEAN, trong đó Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn so với các nước còn lại.

Theo số liệu của Recof, số lượng các thương vụ M&A giữa các công ty Việt Nam và Nhật Bản từ giữa năm 2011 đến 2013 là 18 thương vụ/năm, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay chỉ có 4 thương vụ, thấp hơn con số 9 thương vụ của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cùng với các thương vụ đang được thực hiện, đại diện Recof cho biết, sẽ không ngạc nhiên, nếu số lượng các thương vụ sẽ đạt mức 30 hoặc hơn vào năm 2016.   

Dĩ nhiên, bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự lạc quan, các nhà đầu tư cũng đưa ra những yếu tố cần thiết để đảm bảo rằng, làn sóng M&A thứ hai tại thị trường Việt Nam sẽ không chỉ là một gợn sóng. Ông John Ditty cho rằng, trong khi chờ Chính phủ thúc đẩy việc thực hiện các chính sách đã công bố như làn sóng cổ phần hóa, thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…, thì những yếu kém trong quản trị doanh nghiệp cần phải được xử lý.

Tỷ phú Thái thâu tóm Metro Việt Nam giàu cỡ nào? Tỷ phú Thái thâu tóm Metro Việt Nam giàu cỡ nào?

Là tỷ phú giàu nhất Thái Lan và từng thực hiện nhiều thương vụ đình đám khắp châu Á, trong đó có vụ mua 15,6% cổ phần tại tập đoàn bảo hiểm Ping An của Trung Quốc với giá hơn 9 tỷ USD, với ông Chearavanont, thâu tóm Metro Việt Nam chỉ là “chuyện nhỏ”.

Cụ thể, tính minh bạch và trung thực cần được cải thiện; các kỳ vọng định giá/thẩm định giá cần phải hợp lý và có thể chứng minh được trên thực tế; bên bán cần có sự chuẩn bị tốt và hiểu rõ nhu cầu của bên mua tiềm năng nhằm đảm bảo một quy trình giao dịch hiệu quả; các bên cần thuê các nhà tư vấn giàu kinh nghiệm (về thương mại, pháp lý, tài chính, thuế...) hỗ trợ quy trình giao dịch; hệ thống ngân hàng và tài chính cần phải hỗ trợ một cách phù hợp và đáng tin cậy hoạt động M&A.

Tỏ rõ sự hào hứng về việc cổ phần hóa đã đạt được bước tiến tới, những cam kết mới từ phía Chính phủ, nhưng ông Andy Ho cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp phải những thử thách lớn trong việc tìm kiếm các công ty chất lượng tốt, thiếu thông tin về định giá, thời hạn bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), các cam kết và hỗ trợ/khuyến khích trong quản lý doanh nghiệp.

M&A là cách nhanh nhất để nhà đầu tư có được những tài sản cần thiết mang tính cạnh tranh cao, nhất là trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), dược phẩm, nông nghiệp và bán lẻ (trong dài hạn nhờ yếu tố nhân khẩu học thuận lợi). Do đó, các nhà đầu tư ngày càng tìm cách nắm quyền kiểm soát các công ty mục tiêu, như trường hợp BJC đang theo đuổi mua chuỗi đại siêu thị Cash & Carry Việt Nam nêu trên.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư có mặt tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 cho rằng, sau những thương vụ thất bại trong quá khứ, các nhà đầu tư đều nhận ra rằng, vấn đề quan trọng trong M&A là tăng cường sự thịnh vượng lâu dài cho tất cả các bên liên quan và hoạt động M&A không nên chỉ nhằm mục đích thu lợi trước mắt.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế.

  Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  
     

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

5 năm tới là giai đoạn Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Trong quá trình đó, nhiều đạo luật quan trọng đã và đang được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Phá sản, Luật Chứng khoán… Chính phủ cũng đã thông qua chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với hơn 400 doanh nghiệp quy mô lớn sẽ được cổ phần hóa trong 2 năm tới. 

Đây cũng là giai đoạn Việt Nam hội nhập toàn diện và mạnh mẽ hơn với kinh tế thế giới thông qua việc đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU, Hàn Quốc; Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do với Liên minh Hải quan Nga, Balarus, Kazakhstan và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015.n

Cơ hội phát triển mạnh mẽ.

  rưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2014  
     

- TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 

Hoạt động M&A tại Việt Nam đã diễn ra sôi động trong 5 năm qua và đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Sự phục hồi của nền kinh tế, quá trình cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính ngân hàng cùng với chủ trương hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và xu hướng gia tăng hoạt động M&A trên phạm vi toàn cầu là những yếu tố quan trọng tạo nên một làn sóng M&A mới tại Việt Nam.

Mặt khác, sự gia tăng hoạt động M&A sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đó cũng chính là lý do mà Ban tổ chức quyết định chọn chủ đề cho Diễn đàn năm nay là “M&A trước làn sóng thứ hai” nhằm trao đổi, đánh giá sâu về cơ hội và triển vọng M&A trong 5 năm tới.

Công tác chỉ đạo cổ phần hóa có ý nghĩa quyết định.

  Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp  
     

- Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Các bộ, ngành, địa phương có kết quả tái cơ cấu còn thấp, chưa đạt yêu cầu như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Công thương, TP.HCM, Hải Phòng, Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam… cần nghiêm túc xem xét, làm rõ trách nhiệm của mình, và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có biện pháp xử lý trong những tháng cuối năm 2014.

Thực tế cho thấy, nơi nào được Thủ tướng quan tâm sâu sát, ráo riết vào cuộc thì nơi đó đạt kết quả khá. Nơi nào khoán trắng cho bên dưới, viện dẫn khó khăn, thiếu quyết liệt, sâu sát thì kết quả kém.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư