Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Masan huy động gần 1.150 tỷ đồng từ 1.070 nhà đầu tư cá nhân
Thanh Thủy - 11/03/2020 12:55
 
Trong chưa đầy một tháng, Masan đã hoàn tất phát hành lượng trái phiếu trị giá 3.000 tỷ đồng như kế hoạch đề ra. Đã có 1.070 nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu của Masan, với giá trị mua bình quân 1,07 tỷ đồng/người.

CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) cho biết đã hoàn tất đợt phát hành trái phiếu đầu tiên trong năm 2020.

Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm tài sản, không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành. Masan sẽ chi trả lãi trái phiếu mỗi 6 tháng, áp dụng mức cố định 9,3%/năm cho năm đầu tiên và lãi suất thả nổi cộng biên độ 2,5%/năm ở các kỳ tiếp theo.

Phương thức phát hành là chào bán ra công chúng. Trong thời gian chưa đến một tháng, từ ngày 17/2 đến 8/3, Masan đã hoàn tất phân phối 30 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.

Để tham gia đợt phát hành này, các nhà đầu tư phải chi ít nhất 50 triệu đồng. Theo báo cáo kết quả phát hành, 1.070 nhà đầu tư cá nhân mua vào 38,25% lượng trái phiếu, trị giá gần 1.147 tỷ đồng. Đa phần là các cá nhân trong nước, chỉ có hai trái chủ là người nước ngoài. Số tiền bình quân mỗi cá nhân chi ra là 1,07 tỷ đồng. Còn lại 6 tổ chức trong nước đã chi 1.853 tỷ đồng.

Đây là đợt trái phiếu nằm trong kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng được doanh nghiệp này cuối tháng 12/2019. Số tiền huy động được dự kiến dùng để tăng quy mô vốn hoạt động nhằm thực hiện dự án đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh bằng việc góp thêm vốn vào vốn điều lệ của công ty con, cho vay các công ty con và thanh toán các khoản nợ (bao gồm các khoản vay nội bộ). Dự kiến sẽ còn 3 đợt phát hành khác được thực hiện ngay trong nửa đầu năm 2020.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ của Masan, doanh nghiệp này cũng đang vay nợ thông qua kênh trái phiếu với giá trị huy động 1.500 tỷ đồng. Cũng tương tự đợt phát hành 10.000 tỷ đồng lần này, số trái phiếu 1.500 tỷ đồng trên không có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, các khoản trái phiếu của công ty con đều có tài sản thế chấp.

Cùng các đơn vị thành viên, “nhà” Masan đang nợ 13.820 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Tính đến cuối năm 2019, tổng các khoản vay nợ ngân hàng và trái phiếu của Masan và các công ty con xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Tỷ trọng vay qua kênh trái phiếu đã giảm đáng kể trong ba năm qua. Tỷ lệ nợ/tổng tài sản của Masan hai năm gần đây đã giảm về quanh 47%, thấp hơn nhiều so với hồi năm 2017 (68,16%).

Masan mua lại VinCommerce: Ẩn số tỷ lệ hoán đổi, đưa đồ tươi sống chiếm 35% kệ hàng Vinmart+
Dù dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm cửa hàng, VinCommerce sẽ mở rộng chọn lọc, loại bỏ các cửa hàng không phù hợp. Tỷ trọng mặt hàng tươi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư