Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Mô hình hợp tác xã gia vị hữu cơ tham gia thị trường tỷ đô
D.Ngân - 16/07/2024 14:14
 
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), thị trường gia vị hữu cơ thế giới có quy mô khá lớn và dự báo đến năm 2026, quy mô thị trường gia vị hữu cơ toàn cầu là gần 20 tỷ euro.

Miếng bánh tỷ đô

Ước tính của các chuyên gia, thị trường gia vị toàn cầu lên đến gần 20 tỷ euro/năm, với tốc độ tăng trưởng 15-20%. Tại Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê, nhưng ngành chế biến gia vị cũng mang lại hàng chục triệu USD cho doanh nghiệp khi sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước, mà còn xuất khẩu khắp thế giới.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, thị trường gia vị hữu cơ thế giới có quy mô khá lớn và dự báo đến 2026, quy mô thị trường gia vị hữu cơ toàn cầu là gần 20 tỷ euro.

Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Hoàng Thị Liên nhận định, ngành hồ tiêu và gia vị cần tập trung xây dựng vùng sản xuất, mở rộng mô hình sản xuất theo chuỗi, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu.

“Đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gia vị bền vững, đa gia vị chứ không chỉ dừng ở cây tiêu và quế, qua đó định vị quốc gia cây gia vị trên thị trường thế giới, xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD trong 3 năm tới là mục tiêu của toàn ngành”, bà Liên khẳng định.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng gia vị hữu cơ và các loại gia vị có các chứng nhận bền vững đang tăng trên toàn cầu. Nếu như châu Á là khu vực thị trường nhập khẩu gia vị nói chung lớn nhất thế giới, thì Bắc Mỹ và EU lại là 2 thị trường nhập khẩu gia vị hữu cơ lớn nhất.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, tại châu Âu, các quốc gia như Thụy Sỹ, Hà Lan, Đức, Pháp, Italy… là những thị trường nhập khẩu lớn về gia vị. Trong đó, các loại gia vị có chứng nhận tiêu chuẩn bền vững (hữu cơ, Fairtrade, RA) có tiềm năng xuất khẩu lớn vào thị trường này.

Hiện tại, thị phần các loại gia vị và hương liệu được sản xuất bền vững ở châu Âu rất thấp (dưới 1%), nhưng đang tăng lên. Tại châu Âu, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ gia vị hữu cơ được dự báo sẽ đặc biệt cao ở Thụy Điển và Anh với mức tăng hơn 5,5%/năm trong 7 năm tới.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, thập kỷ tiếp theo dự kiến ​​được đánh dấu bằng sự tăng trưởng ấn tượng của các loại gia vị và hương liệu hữu cơ, phù hợp với xu hướng thực phẩm hữu cơ đang phát triển nhanh chóng.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững (trong đó có sản xuất hữu cơ), có nguồn gốc mới cũng như mối quan tâm ngày càng tăng về lợi ích sức khỏe của gia vị và việc sử dụng gia vị, hương liệu trong ẩm thực quốc tế là những xu hướng hàng đầu mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Để nắm bắt cơ hội thị trường, trong thời gian qua, nhiều công ty trong ngành gia vị đang đẩy mạnh làm chứng nhận hữu cơ hoặc các chứng nhận bền vững cho các loại gia vị có tiềm năng xuất khẩu.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Phúc Thịnh (PTEXIM) kết hợp cùng một số hợp tác xã và nhiều hộ nông dân xây dựng được 35,4 ha hồ tiêu hữu cơ ở huyện Đăk Song (tỉnh Đăk Nông); 90 ha quế hữu cơ tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Ngoài ra, PTEXIM còn có vùng nguyên liệu hoa hồi hữu cơ 35,4 ha tại xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Năm 2023, PTEXIM đã được cấp chứng nhận hữu cơ cho vùng nguyên liệu quế với diện tích 78 ha. Bên cạnh đó, PTEXIM đã lựa chọn áp dụng và chứng nhận tiêu chuẩn UEBT/RA để tăng cường cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của thị trường EU.

Nông dân sản xuất các loại gia vị có chứng nhận hữu cơ, hoặc áp dụng phương pháp hữu cơ và có sự liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu hiện đều đang có đầu ra ổn định.

Chuyển đổi theo xu thế

Nắm bắt được xu thế của người tiêu dùng và miếng bánh thị trường, hiện nay, các hợp tác xã cũng đang chuyển đổi theo mô hình  canh tác gia vị hữu cơ.

Ông Đặng Dương Minh Hoàng, chủ trang trại Thiên Nông ở xã Phú Văn (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho biết, trang trại có 8 ha hồ tiêu, đều đã được cấp chứng nhận hữu cơ của Mỹ.

Nhờ chứng nhận này, những năm qua, toàn bộ hạt tiêu của Thiên Nông đều được bao tiêu với giá tốt bởi Nespice Việt Nam - một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hồ tiêu Việt Nam. Hạt tiêu hữu cơ của Thiên Nông đang được xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính.

Thành lập từ năm 2015 với 12 thành viên ban đầu, đến nay Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã liên kết 1.000 thành viên khắp các tỉnh thành để phát triển nông nghiệp, trong đó đẩy mạnh phát triển cây hồ tiêu từ giống tiêu Bầu Mây.

Đây là giống tiêu do chính anh Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây là sáng tạo, đã thực nghiệm, nghiên cứu tìm tòi, chọn tạo hơn 20 năm.

Giống tiêu Bầu Mây có bộ rễ to khỏe gấp nhiều lần giống khác, cắt dây giống ở đâu ra rễ ở đó, tiêu trưởng thành phân bổ mầm đều, chịu được hạn, kháng bệnh tốt, cho năng suất rất cao từ 10 đến 12 tấn/ha, ổn định qua các năm.

Nhận thấy Bà Rịa - Vũng Tàu có khí hậu, thổ nhưỡng tốt để phát triển cây hồ tiêu nhưng nông dân cứ trồng rồi lại chặt, lại trồng, quy trình canh tác mạnh ai nấy làm, đặc biệt việc sử dụng thuốc hóa học, thuốc trừ cỏ đã tác động đến đất, nước và môi trường nên ngay từ khi thành lập Hợp tác xã, anh Lâm Ngọc Nhâm đã xây dựng quy trình canh tác hữu cơ để có thể đạt được chứng nhận hữu cơ của Việt Nam và quốc tế, từ đó thuyết phục bà con làm theo.

“Phương pháp canh tác hữu cơ gia truyền thực tế cũng chỉ dựa trên những cái ông cha ta đã làm trước đây khi phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật chưa thịnh hành mà thôi chứ thực chất không có gì xa lạ”, anh Nhâm nói.

Theo anh Nhâm, canh tác hữu cơ phải nói không với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, kết hợp với áp dụng thêm các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất cây trồng như đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hệ thống châm phân nhỏ giọt, ủ phân từ phụ phẩm trong vườn…

Anh Nhâm cho biết, ban đầu khi thành lập Hợp tác xã, để thuyết phục bà con chuyển đổi sang canh tác hữu cơ thay cho phương pháp canh tác truyền thống quả thực không dễ.

Khi chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, năng suất sẽ không đạt như trước đây. Vì vậy, nhiều người đã bỏ cuộc. Để thuyết phục được bà con làm nông nghiệp hữu cơ, anh Nhâm phải đưa ra những dẫn chứng để họ thấy được đất đai khi canh tác hữu cơ ngày càng phì nhiêu; sức khỏe bản thân và gia đình họ được đảm bảo khi không sử dụng hóa chất trong sản xuất.

Nhiều người làm nhà trong vườn, nhưng lại sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Trước mắt có thể chưa thấy, nhưng lâu dần sức khỏe của chính gia đình họ bị ảnh hưởng. Khi nghe phân tích, bà con cũng đã thay đổi và chuyển đổi dần sang canh tác hữu cơ.

Các hộ nông dân tham gia liên kết trong Hợp tác xã đã bắt đầu thuần thục với phương pháp canh tác hữu cơ, vì vậy, chất lượng hồ tiêu cung ứng ra thị trường được đảm bảo.

Thu nhập bình quân của nhiều hợp tác xã nông nghiệp có xu hướng tăng
Tại một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ các hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng có xu hướng tăng lên, tạo ra cơ hội xuất khẩu cho hợp tác xã,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư