Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Cần phương án cụ thể về thu xếp vốn
Thanh Hương - 11/01/2023 08:52
 
Petrovietnam được đề nghị chỉ đạo Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức lựa chọn nhà thầu thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ	 ảnh: đức thanh
Việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ.         Ảnh: Đức Thanh

Giảm quy mô để hiệu quả nhanh

Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản 2579/TTg-KTN vào ngày 16/12/2014; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phê duyệt dự án tại Quyết định 9016/QĐ-DKVN ngày 22/12/2014; Ban Quản lý KKT Dung Quất cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 65201000123 ngày 24/12/2014.

Mục tiêu của dự án khi đó là nâng công suất chế biến từ 148.000 thùng/ngày (tương đương 6,5 triệu tấn/năm) lên 192.000 thùng/ngày (tương đương 8,5 triệu tấn/năm); nâng cao độ linh hoạt trong lựa chọn nguyên liệu dầu thô đầu vào và mang lại hiệu quả cho hoạt động của nhà máy; sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Euro V; đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc; đáp ứng nhu cầu các sản phẩm lọc - hóa dầu trong nước...

Tiến độ thực hiện được đưa ra là phê duyệt dự án đầu tư vào quý IV/2014, đấu thầu ký hợp đồng thực hiện thiết kế tổng thể FEED và hợp đồng bản quyền công nghệ vào quý II/2015; lựa chọn nhà thầu EPC từ quý IV/2016 đến quý III/2017, triển khai thực hiện hợp đồng từ quý IV/2017 đến quý III/2021; đưa vào vận hành trước năm 2022. Các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định hiện hành.

Sau một thời gian triển khai, tổng vốn giải ngân đến cuối tháng 11/2022 là hơn 1.660 tỷ đồng.

Petrovietnam cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho dự án được áp dụng cơ chế thuế thu nhập doanh nghiệp như dự án mới với BSR sau khi hoàn thành dự án với mức thuế 10% trong 30 năm, trong đó 4 năm đầu áp dụng mức thuế suất 0% kể từ khi có thu nhập chịu thuế, áp dụng mức thuế 5% trong 9 năm tiếp theo. 

Dẫu vậy, Dự án cũng đã được BSR xin điều chỉnh quy mô công suất, thiết kế, cấu hình công nghệ, nhằm tối ưu chi phí đầu tư, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội. 

Theo đó, do nguồn nguyên liệu đầu vào có sự thay đổi, giá gói thầu EPC tăng, làm cho tổng mức đầu tư tăng, dẫn tới đầu tư không có hiệu quả. Cũng trên cơ sở nghiên cứu cấu hình công nghệ, phương án hỗn hợp dầu thô Azeri BTC - ESPO với tỷ trọng mà BSR đưa ra sẽ giúp chi phí đầu tư thấp hơn, tăng tính khả thi trong triển khai, đảm bảo được mục tiêu nâng cấp chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn Euro V, tăng được tỷ lệ sản phẩm hóa dầu phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng.

Với công suất mới là 171.000 thùng dầu/ngày, tổng mức đầu tư cũng giảm từ 1,813 tỷ USD xuống còn 1,257 tỷ USD và nhà đầu tư cho là phù hợp với khả năng thu xếp vốn của mình.

Ở quy mô mới, tổng vốn đầu tư và cơ cấu nguồn vốn cũng có sự thay đổi. Cụ thể, tổng vốn đầu tư sẽ khoảng 31.240 tỷ đồng (24.858 đồng/USD) và nguồn vốn đầu tư cần thu xếp là 27.299 tỷ đồng, sau khi đã trừ thuế VAT được hoàn và chi phí đã thực hiện. Trong số này, vốn chủ sở hữu là 10.920 tỷ đồng, vốn vay là 16.379 tỷ đồng. Dự án điều chỉnh dự kiến đưa vào vận hành quý I/2028, sau 37 tháng thi công.

Còn nhiều câu hỏi

Trong góp ý của mình, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, năm 2017, đã cấp 7 giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cho 7 phân xưởng công nghệ bản quyền của Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất đã được phê duyệt. Vì vậy, chủ đầu tư cần làm rõ trong 7 hợp đồng chuyển giao bản quyền công nghệ này, hợp đồng nào tiếp tục triển khai hay chấm dứt không thực hiện, hoặc có thay đổi, bổ sung gì so với điều khoản đã ký kết.

Ngoài ra, các hợp đồng này được ký tầm tháng 6, tháng 7/2016 và có thời hạn là 7 năm. Như vậy, nếu các bên có gia hạn sửa đổi, bổ sung thì cần phải gửi hồ sơ để Bộ Khoa học và Công nghệ có điều chỉnh.

Ngoài ra, ở Dự án điều chỉnh sau nâng cấp mở rộng không còn sản phẩm dầu FO, trong khi lại chưa làm rõ phân xưởng sản xuất dầu FO hiện hữu sẽ giải quyết ra sao.

Ủng hộ việc điều chỉnh quy mô nâng cấp, mở rộng, nhưng Bộ Công thương đã lưu ý câu chuyện cung - cầu dầu thô trên thế giới và giá năng lượng thế giới đã có những biến động do khủng hoảng Nga - Ukraine, nên vấn đề nguồn dầu thô đầu vào cho NMLD Dung Quất hoạt động sau khi nâng cấp, mở rộng cần được đánh giá đầy đủ, thận trọng và kỹ lưỡng trên tất cả các mặt từ giá, phương thức vận chuyển, giao dịch - thanh toán lẫn bảo hiểm.

Đối với việc thu xếp vốn, từ năm 2018 (thời điểm cổ phần hóa) đến năm 2020, BSR lãi luỹ kế là 345,77 tỷ đồng (khoảng 15 triệu USD), chỉ đáp ứng khoảng 2,7% nhu cầu vốn chủ sở hữu của Dự án, dẫn tới việc thu xếp vốn không đảm bảo.

Vì vậy, Bộ Công thương cũng yêu cầu BSR làm rõ hơn phương án phân phối lợi nhuận huy động cho dự án. Với nguồn vốn vay, cần làm việc chi tiết hơn với các tổ chức tài chính để đảm bảo tính khả thi của việc cho vay vốn.

Liên quan đến việc thu xếp vốn vay, theo dự kiến của BSR, nhu cầu vốn vay cho dự án để đáp ứng tỷ lệ 60% là 658,92 triệu USD, tương đương 15.485 tỷ đồng với tỷ giá 23.500 đồng/USD. Hiện BSR đã được 4 tổ chức tín dụng trong và ngoài nước bày tỏ sự quan tâm là KooKmin Bank, BIDV, Bangkok Bank và OCBC Bank.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lưu ý, BSR cần làm việc với các tổ chức tín dụng để có văn bản chấp thuận chính thức cho vay, điều khoản về lãi suất, thời gian cho vay và nhà đầu tư cần cập nhật, chính xác hóa lại thông tin về chi phí đầu tư thực tế và các thông số có liên quan khác.

Ngoài ra, trên cơ sở cân đối dòng tiền trả nợ tổng thể của BSR trong thời gian hợp đồng tín dụng giai đoạn 2026-2036 có tỷ số dòng tiền trả nợ đạt 1,34 lần trở lên, dự án được đánh giá là có dòng tiền cân đối đủ khả năng trả nợ.

Thậm chí, với điều kiện thị trường thuận lợi của năm 2022, kết quả kinh doanh tốt càng hỗ trợ BSR tìm kiếm, đàm phán với các bên cho vay để có phương án vay phù hợp.

Rà soát chi phí

Bộ Tài chính cũng cho hay, theo báo cáo tài chính riêng lẻ đã được kiểm toán của BSR, tại thời điểm 31/12/2021, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 0,74, nhỏ hơn 1; tiền và các khoản tương đương tiền là 16.314 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn là 65.476 tỷ đồng (nợ phải trả là 27.838 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 37.638 tỷ đồng), lợi nhuận kế toán trước thuế là 7.032 tỷ đồng. Tổng các khoản đầu tư dài hạn là 20.208 tỷ đồng, bao gồm tài sản cố định là 18.849 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn là 1.203 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hạn là 156 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng nguồn lực dài hạn của BSR là 39.919 tỷ đồng (gồm nợ dài hạn là 2.281 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 37.638 tỷ đồng).

Như vậy, tại thời điểm 31/12/2021, nguồn lực dài hạn còn lại để đầu tư các dự án khác là 19.711 tỷ đồng.

Với nhu cầu vốn đầu tư dài hạn thực hiện Dự án điều chỉnh là 1.199 triệu USD (do đã khấu trừ 57,6 triệu USD thực hiện giải ngân cho dự án thời gian qua), tương đương 28.184 tỷ đồng (tỷ giá 23.500 đồng/USD), nếu thu xếp được vốn vay là 658,92 triệu USD và sử dụng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2021-2025 khả thi với số tiền 6.855 tỷ đồng, thì nguồn vốn cần thu xếp để thực hiện dự án vẫn còn thiếu khoảng 7.393 tỷ đồng. Vì vậy, rất cần có phương án cụ thể về thu xếp vốn để có thể triển khai dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư