Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Mời gọi nhà làm phim nước ngoài quảng bá du lịch
Hồ Hạ - 06/03/2021 07:30
 
Các tác phẩm điện ảnh được kỳ vọng sẽ là đại diện tiêu biểu tiếp tục góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Những cảnh quay đẹp mê mẩn trên các tác phẩm điện ảnh sau khi công chiếu đã giúp một số điểm đến của Việt Nam nổi như cồn. Thế nhưng, hiệu quả quảng bá du lịch qua điện ảnh vẫn khá mờ nhạt, khi chính sách thu hút, mời gọi đầu tư sản xuất phim tại Việt Nam còn hạn chế.

Phim trường “Kong: Đảo đầu lâu” từng là điểm đến hút khách tại Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình )
Phim trường “Kong: Đảo đầu lâu” từng là điểm đến hút khách tại Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình )

Ghim vẻ đẹp vào lòng công chúng

Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, thực tế chứng minh các hoạt động điện ảnh đã tác động tích cực đến nhiều điểm du lịch. Những bộ phim thành công đã góp phần giúp địa điểm quay phim tỏa sáng thành những điểm đến hấp dẫn.

Minh chứng, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ ra rạp năm 2015, đã giúp Phú Yên trở thành điểm du lịch hấp dẫn đến tận bây giờ với cái tên thơ mộng “Xứ sở hoa vàng cỏ xanh”. Lượng khách đến Phú Yên kể từ đó tăng 25 - 30%/năm, thay vì 12 - 13% trước đây.

Để tạo ra các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các đoàn phim nước ngoài, theo Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam, trước hết, ngành du lịch và điện ảnh cần chủ động liên kết, học tập kinh nghiệm các nước đi trước để có các giải pháp hữu hiệu trong điều kiện cho phép.

Việt Nam cần đầu tư ngân sách và quan tâm xứng đáng hơn cho vấn đề này, mà xuất phát không chỉ bởi ngành du lịch hay ngành điện ảnh mà cần cả sự ủng hộ của những ngành, lĩnh vực khác và các địa phương vì mục tiêu chung.

Lại nhớ, 4 năm trước, vào tháng 2/2017, bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” khi ra mắt đã giới thiệu với thế giới nhiều bối cảnh quay tuyệt đẹp tại Ninh Bình, Quảng Bình và Hạ Long. Kong còn mang lại hiệu ứng tích cực lâu dài với ngành du lịch Việt Nam. Đạo diễn phim Jordan Vogt-Roberts được bổ nhiệm làm Đại sứ du lịch, dàn diễn viên nổi tiếng Holywood mỗi khi được truyền thông quốc tế phỏng vấn đều chia sẻ những trải nghiệm tốt đẹp tại Việt Nam. Phim trường “Kong: Đảo đầu lâu” ở Ninh Bình cũng trở thành điểm đến hút khách.

Mới đây nhất, khán giả lại có dịp ngây ngất với cảnh đẹp ở Huế trong bộ phim “Mắt biếc” cũng của đạo diễn Victor Vũ. Đồi Thiên An với rừng thông xanh được điểm tô bởi những bụi hoa sim tím mộng mơ, đồi Vọng Cảnh nhìn xuống sông Hương, khu phố cổ Bao Vinh (thị xã Hương Trà)... đã trở thành nơi check-in không thể bỏ qua của hầu hết du khách khi đến Huế. Từ đó, Victor Vũ được mệnh danh là “đạo diễn phù thủy” khi khơi dậy tiềm năng du lịch của một vùng đất qua tác phẩm điện ảnh.

Còn nhớ, các tác phẩm nổi tiếng trước kia như: “Người tình” (1991), “Đông Dương” (1992), “Người Mỹ trầm lặng” (2002)... cũng được coi là đại diện tiêu biểu góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới ở giai đoạn trước.

Nhiều điểm đến trên thế giới cũng có lượng khách tăng đột biến sau khi các bộ phim “bom tấn” của Hollywood lựa chọn làm bối cảnh quay như: Campuchia với “Bí mật ngôi mộ cổ”; Thái Lan với “Điệp viên 007”, “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, “Nhiệm vụ bất khả thi”; New Zealand với “Chúa tể của những chiếc nhẫn 3”, “Người Hobbit"…

Điển hình và thành công nhất phải kể đến chiến lược sử dụng điện ảnh để quảng bá văn hóa, du lịch của Hàn Quốc với sự lan tỏa, tầm ảnh hưởng rộng lớn, bền bỉ và mạnh mẽ. Tổng cục Du lịch Hàn Quốc cho biết, khoảng hơn 50% lượng du khách châu Á đến với “xứ sở kim chi” lần đầu sau khi xem những bộ phim truyền hình của Hàn Quốc.

Hỗ trợ các nhà sản xuất “phù thủy”

Riêng với các nhà làm phim nước ngoài, Hàn Quốc tài trợ khoảng 20% chi phí làm phim khi quay tại đây. Ngành điện ảnh nước này còn chủ động cử các đoàn khảo sát tới các nước để giới thiệu và tìm kiếm cơ hội thu hút các đoàn làm phim.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy sức ảnh hưởng của điện ảnh đối với việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và phát triển du lịch. Sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch được các cơ quan chức năng nước này coi trọng và đặt trong chiến lược đầu tư. Việc sản xuất và phát hành phim có chiến lược rõ ràng và sự huy động hiệu quả về thu hút đầu tư từ khối doanh nghiệp, cũng như sự bền bỉ theo đuổi và thâm nhập thị trường, đón đầu xu hướng và tạo ra trào lưu.

Trong khi đó, Việt Nam sở hữu kho tài nguyên thiên nhiên hùng vỹ, trác tuyệt như vịnh Hạ Long, hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, núi non Tây Bắc, các bãi biển và đảo ven bờ hoang sơ thuần khiết… lý tưởng cho các nhà làm phim trong nước và quốc tế, nhưng lại thiếu chính sách đủ hấp dẫn các nhà sản xuất, “đạo diễn phù thủy”. Thế nên, sau 4 năm kể từ khi “Kong: Đảo đầu lâu” công chiếu, không còn thấy bộ phim “bom tấn” nào được quay tại Việt Nam.

TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam cho biết, năm 2019, đơn vị này đã giới thiệu môi trường làm phim Việt Nam cho các nhà làm phim nước ngoài tại Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc) và Liên hoan phim quốc tế Tokyo (Nhật Bản).

“Các bạn đều nói, Việt Nam có rất nhiều lợi thế về phong cảnh, nhưng khi đến quay phim lại không được ưu đãi gì. Trong khi Thái Lan, Philippines hay nhiều quốc gia khác tại châu Á lại có nhiều ưu đãi. Theo tôi biết, nhiều nước xung quanh chúng ta hoàn thuế đến 20-25%, thậm chí có những bang của nước Mỹ còn hoàn thuế lên đến 35% cho các đoàn phim nước ngoài ngay tại sân bay khi họ rời đi”, bà Ngô Phương Lan chia sẻ.

Theo bà Lan, những chính sách như vậy rất cần triển khai, bởi đó là xu thế, hướng đi chung của điện ảnh thế giới. “Hoàn thuế tưởng là thiệt thòi, nhưng lợi ích khi bộ phim công chiếu trên toàn cầu lại vô cùng lớn, có thể thu lợi nhuận gấp hàng trăm lần số tiền ưu đãi cho đoàn phim”, bà Lan nhấn mạnh.

Vietnam Airlines hợp tác với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Saigontourist quảng bá du lịch
Các thỏa thuận hợp tác được ký kết nhằm thống nhất, tăng cường sự phối hợp giữa Vietnam Airlines với các đối tác, qua đó góp phần quảng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư