Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Mối nguy từ thuốc kém chất lượng
Dương Ngân - 28/09/2021 06:47
 
Mua phải quần áo kém chất lượng, người dùng có thể không mặc, nhưng mua phải thuốc kém chất lượng, người dùng không dễ phát hiện ra và nếu sử dụng thì sẽ vô cùng nguy hại đến sức khỏe.
Người tiêu dùng rất khó phân biệt thuốc thật - thuốc kém chất lượng bằng mắt thường
Người tiêu dùng rất khó phân biệt thuốc thật - thuốc kém chất lượng bằng mắt thường

Thuốc nằm trong dạ dày trước khi bị thu hồi

Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông báo thu hồi trên toàn quốc sản phẩm viên nén bao đường hoạt huyết dưỡng não, số đăng ký VD-30958-18, số lô: 011120; ngày sản xuất: 2/11/2020; hạn dùng: 1/11/2023 do Công ty cổ phần Dược Phúc Vinh sản xuất, do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng, vi phạm mức độ 2.

Trước đó, cục này cũng ban hành quyết định xử phạt Công ty Zhangjiakou Kaiwei Pharmaceutical 140 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ lô thuốc

Theo thống kê của Cục Quản lý Dược, tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở Việt Nam đang ở mức khoảng 1%. Năm 2013, tỷ lệ này ở mức 2,54% và năm 2018 còn 1,32%.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua thuốc xách tay, thuốc bán trên mạng Internet. Khi mua thuốc, cần quan sát kỹ bao bì, dạng bào chế, kiểm tra hạn sử dụng để tránh dùng thuốc hết hạn, cảnh giác với những thuốc có giá thấp bất thường. Nếu có vấn đề gì nghi ngờ, nên nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn.

B-Comene, số đăng ký VN-18188-14, số lô 190811; ngày sản xuất 11/8/2019; hạn sử dụng 10/8/2022, do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Lô thuốc tiêm B-COMEN của Công ty cổ phần Dược Trung ương Mediplantex cũng bị thu hồi do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng Vitamin B1, B6, B5 theo tiêu chuẩn cơ sở.

Thời gian trước, dư luận một phen bàng hoàng khi Cục Quản lý Dược có công văn thu hồi trên toàn quốc 11 loại thuốc chứa hoạt chất ranitidine, điều trị loét dạ dày tá tràng, do chứa tạp chất

N-nitrosodimethylamine (NDMA) vượt ngưỡng cho phép có nguy cơ gây ung thư. Một vụ việc khác cũng gây chấn động là thông báo dừng sử dụng 57 loại thuốc chứa chất valsartan có nguồn gốc từ Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical do chứa tạp chất gây ung thư.

Liên tiếp các thông tin về thu hồi thuốc được cơ quan chức năng đưa ra khiến người tiêu dùng bất an, bởi khi thông báo được đưa ra, thì nhiều loại thuốc kém chất lượng đó đã nằm trên kệ thuốc tư nhân, nhà thuốc bệnh viện và ở trong dạ dày nhiều người. Nếu các bệnh nhân nặng dùng phải các loại thuốc kém chất lượng, chứa các yếu tố gây ung thư nêu trên, hậu quả sẽ khôn lường.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, thuốc kháng sinh kém chất lượng, không đủ hàm lượng hoạt chất, khi dùng không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh, vi khuẩn trở thành chủng đề kháng mà kháng sinh đã sử dụng trước đó không còn tác dụng. Điều này dẫn đến tình trạng tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng cao.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), người bệnh sẽ phải đối diện với những di chứng khó lường khi không may sử dụng phải thuốc kém chất lượng. Chẳng hạn, với một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định sử dụng thuốc hạ đường huyết, nhưng do mua phải thuốc kém chất lượng, nên đường huyết chẳng những không hạ, mà còn tăng cao, rất dễ tử vong. Ngoài việc không bảo đảm các hoạt chất như đã đăng ký, thuốc kém chất lượng còn có thể chứa các chất có tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe như gây dị ứng, nhiễm độc.

Tự cứu mình trước khi được cứu

Tác hại khủng khiếp do dùng thuốc kém chất lượng đã khá rõ, nhưng để phân biệt được thuốc thật - thuốc kém chất lượng lại không thể dùng mắt thường. Cách duy nhất là đưa đến kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, song có những loại thuốc, để hoàn thành kiểm nghiệm phải mất rất nhiều thời gian, đến khi có kết quả, thì thuốc đã… tiêu hóa xong.

Qua tìm hiểu, phóng viên Báo Đầu tư được biết, đa số các nước rất chú trọng việc xây dựng hàng rào kỹ thuật thuốc nhập khẩu; nghiên cứu giới hạn số lượng nhập khẩu theo nhu cầu, nhất là những mặt hàng đã sản xuất trong nước; tiến hành kiểm tra định kỳ nhà máy sản xuất, kiểm nghiệm sản phẩm mà chi phí do bên xuất khẩu đáp ứng. Khi kiểm tra đủ điều kiện, thì mới cho nhập thuốc.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, Cục Quản lý Dược khi cấp phép nhập khẩu thuốc chỉ dựa trên hồ sơ, giấy tờ, mà thiếu biện pháp kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa có chiến lược định hướng rõ ràng về thuốc cần ưu tiên hoặc hạn chế nhập khẩu.

Ở một khía cạnh khác, theo ý kiến của một số chuyên gia, để thuốc kém chất lượng có cơ hội tiếp cận người dùng là do sự minh bạch thông tin và giám sát việc đấu thầu các gói thầu cung cấp thuốc còn nhiều bất cập.

Để ngăn ngừa thuốc kém chất lượng tiếp cận người dùng, ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu mong đợi đạo đức kinh doanh tự nguyện của doanh nghiệp là không phù hợp, mà cần có các biện pháp để kiểm soát doanh nghiệp và chấn chỉnh ngay hệ thống giám sát thuốc trên thị trường.

Theo đó, cần thực hiện công tác tiền kiểm về điều kiện cơ sở, nhà máy sản xuất, chứ không chỉ hậu kiểm như hiện nay. Bởi, nếu chỉ hậu kiểm, khi thuốc đã lưu hành trên thị trường một thời gian mới lấy mẫu kiểm nghiệm, nếu có vấn đề xảy ra, người dân chẳng biết kêu ai vì đã trót uống hết thuốc.

“Đồng thời, người tiêu dùng phát huy quyền của mình trong việc giám sát hoạt động của Nhà nước qua các cơ quan truyền thông, các tổ chức độc lập và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng”, ông Trần Tuấn nói.

Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả công tác kiểm nghiệm thuốc. Về nguyên tắc, hầu hết các lô thuốc nhập khẩu của các nhà sản xuất có nguy cơ cao về chất lượng đã được tiền kiểm 100% trước khi lưu hành. Tuy nhiên, công tác này còn tồn tại khó khăn, khi hệ thống kiểm nghiệm có công suất hạn chế, nhưng số lượng hoạt chất, mặt hàng thuốc được lưu hành ngày càng tăng, có nhiều loại là hoạt chất mới, được bào chế sản xuất bằng công nghệ cao...

Trong khi chờ cơ quan quản lý tăng cường các biện pháp kiểm soát tốt chất lượng thuốc chữa bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo người tiêu dùng cần tự cứu mình bằng cách nâng cao nhận thức, cần khám bệnh, kê đơn, mua thuốc ở những cơ sở lớn, có tên tuổi, xem kỹ thời hạn sử dụng, ghi nhớ thông tin về những loại thuốc đã bị làm giả và kém chất lượng do cơ quan quản lý dược công bố để tránh “tiền mất tật mang”.

Rà soát sản phẩm thực phẩm quảng cáo phòng, điều trị Covid-19
Bộ Y tế yêu cầu rà soát việc tự công bố sản phẩm có thành phần xuyên tâm liên và các sản phẩm khác ghi công dụng liên quan phòng, điều trị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư