Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Môi trường đầu tư Việt Nam lên điểm vì thuế thấp
Khánh An - 16/04/2015 09:03
 
Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá, gánh nặng thuế suất ở Việt Nam nhẹ hơn so với Trung Quốc và Philippines.

Kết quả khảo sát 1.491 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 43 quốc gia khác nhau, đang hoạt động ở 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy, Việt Nam đã rút dần khoảng cách với các nước khác trong khu vực về tính hấp dẫn của địa điểm đầu tư.

Mức độ niềm tin của doanh nghiệp FDI với môi trường kinh doanh gia tăng, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Bốn điểm mạnh của Việt Nam được chỉ ra gồm: thuế suất, rủi ro thu hồi tài sản, khả năng tác động chính sách và ổn định chính sách.

Về thuế, hiện tại, thuế giá trị gia tăng trung bình của Việt Nam 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp (22% năm 2013, 25% những năm trước) tương đồng với nhiều quốc gia cạnh tranh khác. Trung Quốc, Indonesia, Malaysia đều có thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 25%. Philippines và Myanmar có thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn một chút, 30% và thuế giá trị gia tăng là 12%. Đối với các doanh nghiệp FDI quy mô vừa và nhỏ với doanh thu hàng năm thấp hơn 952.000 USD, thì mức thuế của Việt Nam thậm chí còn hấp dẫn hơn 20%, do có sự thay đổi trong luật Thuế TNDN vào năm 2013.

Về rủi ro bị thu hồi tài sản, nhà đầu tư cảm thấy tự tin hơn nhiều nếu đầu tư tại Việt Nam so với các nước khác. 76,4% cho rằng tại Việt Nam họ ít phải đối mặt với rủi ro bị thu hồi tài sản hơn so với Trung Quốc, và ngạc nhiên hơn khi 71% doanh nghiệp xếp hạng Việt Nam cao hơn Thái Lan. Điều này phần nào phản ánh quan ngại của doanh nghiệp về rủi ro bất ổn chính trị tại nước này. Những con số này cho thấy sự nhất quán đáng kể giữa năm 2013 và 2014, và kết luận này không phải là một sự trùng hợp.

Về mức độ ảnh hưởng chính sách, doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát cho rằng tại Việt Nam, họ có “tiếng nói” hơn trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động của mình so với các quốc gia cạnh tranh, đặc biệt là hai nước láng giềng Campuchia và Lào. Điểm số này nhiều khả năng phản ánh hoạt động mạnh mẽ của các nhóm những nhà đầu tư vận động cải thiện môi trường kinh doanh và sự sẵn có của nhiều diễn đàn mở ra cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối thoại trực tiếp với chính quyền các cấp của Việt Nam.

Sự bất ổn chính sách có cải thiện so với năm 2013. Doanh nghiệp FDI đánh giá chính sách của Việt Nam ổn định và dễ đoán hơn hầu hết các quốc gia cạnh tranh. Các kết quả này rất quan trọng bởi doanh nghiệp FDI luôn coi trọng khả năng dự báo chính sách trong tương lai, để từ đó xây dựng chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao, tính ổn định chính sách còn quan trọng hơn nữa bởi tính chất của ngành công nghệ cao là thời gian sinh lợi lâu hơn và rủi ro đầu tư lớn hơn.

Đặc biệt, 94% nhà đầu tư đánh giá nền chính trị Việt Nam ổn định hơn các quốc gia cạnh tranh tiềm năng, gồm Trung Quốc (20,5% doanh nghiệp FDI chọn), Thái Lan (18%) và Campuchia (13,9%). Những tỷ lệ này đều tăng so với năm 2013. Sự gia tăng này tự thân nó là một chỉ báo quan trọng về thứ hạng của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam không còn là điểm đến được ưu ái nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007-2010, mà hiện giờ phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực (như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia) và một số nước mới nổi như Lào, Philippines.

Tuy nhiên, điểm yếu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh vẫn là tham nhũng và chi phí không chính thức, chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế và dịch vụ tiện ích) và chất lượng của cơ sở hạ tầng. Nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với các nước láng giềng Campuchia và Lào. Song ngạc nhiên hơn cả, đối với lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật, Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với hai nước này.

Có thể đây là lý do trong số nhà đầu tư cân nhắc địa điểm đầu tư, chỉ có 17% đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiến lược đầu tư đa quốc gia.

Nhà đầu tư nước ngoài rất muốn mua nợ xấu
Trả lời câu hỏi của báo Đầu tư, ông Keithe Pogson, lãnh đạo cấp cao Dịch vụ tài chính ngân hàng của Ernst & Young (EY) khu vực châu Á Thái Bình Dương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư