Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Mông lung số phận Bệnh viện Giao thông Vận tải
Anh Minh - 02/07/2018 09:45
 
Việc thoái lui bất đắc dĩ và chưa từng có tiền lệ với tư cách là cổ đông chiến lược giữ vai trò chi phối của Công ty cổ phần Tập đoàn T&T chắc chắn sẽ đẩy Bệnh viện Giao thông Vận tải rơi vào vòng xoáy bất ổn.

Chưa có tiền lệ

Sau gần 1 tháng kể từ khi phát văn bản gửi các bộ: Tài chính, Giao thông - Vận tải (GTVT), Y tế và Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương xin thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT (Bệnh viện GTVT), những điều kiện cần và đủ cho cuộc “ly hôn” đáng tiếc này đã dần lộ rõ.

.
.

Trong Văn bản số 296/CV-T&T do ông Trần Đỗ Thành, thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tập đoàn T&T ký gửi các cơ quan nói trên, nhà đầu tư chiến lược tại Bệnh viện GTVT kiến nghị Nhà nước mua lại toàn bộ 5.040.000 cổ phần bán cho cổ đông chiến lược với giá đã mua là 11.000 đồng/cổ phần, tương đương 55,44 tỷ đồng, theo hợp đồng mua bán cổ phần ký kết ngày 6/10/2015. 

Bên cạnh đó, Tập đoàn T&T muốn Nhà nước mua lại toàn bộ 3.600.000 cổ phần chào bán lần đầu của Bệnh viện GTVT tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mà nhà đầu tư này trúng đấu giá với giá 26.000 đồng/cổ phần. 

Tổng giá trị của 2 lô cổ phần nói trên mà T&T muốn Nhà nước mua lại khoảng 149 tỷ đồng. Số tiền này chưa tính khoản lãi phát sinh mà các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải trả cho T&T tính từ ngày nhà đầu tư thanh toán cho bên bán cho đến ngày họ nhận được số tiền hoàn trả.

Tại điểm a, khoản 2, Điều 6, Hợp đồng Mua bán cổ phần được ký giữa Bộ GTVT và Tập đoàn T&T đã ghi rõ: “Nếu chấm dứt hợp đồng, bên bán phải hoàn trả cho bên mua số tiền đã thanh toán. Khoản tiền này sẽ được thanh toán cho bên mua trong vòng 5 ngày làm việc sau khi bên bán nhận được thông báo của bên mua rằng bên mua thực hiện các quyền hủy bỏ của mình. Lãi phát sinh sẽ được tính theo lãi suất áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn do ngân hàng nơi bên bán mở tài khoản thanh toán”.

Trong trường hợp Nhà nước chấp thuận mua lại lô cổ phần của T&T, phần vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT sẽ lên tới gần 95%.

Đề nghị nói trên của T&T là hợp tình, hợp lý, nhưng theo một lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), là đã đẩy bên bán vào tình thế lúng túng, do chưa từng có tiền lệ.

“Việc mua lại cổ phần cũng như phương thức thanh toán cho nhà đầu tư nằm ngoài thẩm quyền của Bộ GTVT”, vị lãnh đạo này cho biết.

Trước khi T&T có văn bản đề nghị nói trên, vào đầu tháng 5/2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã ký văn bản yêu cầu HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT và nhà đầu tư chiến lược khẩn trương thực hiện ngay điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán dự án ODA tòa nhà Bệnh viện theo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiến thoái lưỡng nan

Yêu cầu của Bộ GTVT được đưa ra là nhằm triển khai Công văn số 157/TB-VPCP ngày 3/5/2018 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về thực hiện phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương.

Theo tính toán, sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện và hạch toán các chi phí cổ phần hóa, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT sẽ tăng vọt từ 168 tỷ đồng lên 391,4 tỷ đồng, trong đó phần vốn của Nhà nước là khoảng 278,4 tỷ đồng, chiếm 71,12% vốn điều lệ.

Trong khi đó, Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương quy định: “Vốn điều lệ sẽ được điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng giá trị quyết toán dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, đồng thời, sẽ tiếp tục bán phần vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT là 30%”. 

Tuy nhiên, do không thực hiện thoái vốn đúng lộ trình cam kết, tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhóm cổ đông còn lại (bao gồm cả cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T), sau khi tiến hành tăng vốn điều lệ, sẽ giảm xuống chỉ còn chưa đầy 30%.

Theo ông Trần Đỗ Thành, sự thay đổi này là khác biệt với chủ trương công bố ban đầu và sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác quản trị, điều hành cũng như chiến lược phát triển Bệnh viện GTVT. Đây là lý do chính khiến T&T phải “dứt tình” với Bệnh viện GTVT, dù đã đặt rất nhiều kỳ vọng.

Cần phải nói thêm rằng, cuộc “ly hôn” này không chỉ khiến người ra đi, mà ngay Bệnh viện GTVT cũng gặp rất nhiều khó khăn khi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cụ thể, trong trường hợp Nhà nước chấp thuận mua lại lô cổ phần của T&T, phần vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT sẽ lên tới gần 95%. Số cổ phần còn lại chủ yếu được nắm giữ bởi cán bộ, nhân viên và công đoàn Bệnh viện GTVT.

 “Do không còn chỗ dựa cổ đông chiến lược, Công ty sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn để mua thuốc, trang thiết bị y tế, trả lương cho người lao động, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất… do đang lỗ lũy kế 44,6 tỷ đồng (đến thời điểm 30/6/2017) và cơ quan Bảo hiểm y tế còn nợ, chưa thanh toán kinh phí năm 2016 và 8 tháng đầu năm 2017 số tiền rất lớn”, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận. 

Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải sắp phải tăng vốn điều lệ
Việc tăng vốn điều lệ tương ứng với phần vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán dự án ODA tòa nhà bệnh viện sẽ làm đảo lộn tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư