Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 01 tháng 02 năm 2025,
Một lượng lớn vốn đổ vào các lĩnh vực không ưu tiên, tín dụng có lệch pha?
Hà tâm - 29/05/2018 08:00
 
Nhìn vào dòng chảy của tín dụng, có thể thấy, vẫn có một lượng lớn vốn đổ vào các lĩnh vực không ưu tiên.

Bất ngờ tăng trưởng tín dụng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư cuối tuần qua, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay, theo số liệu cập nhật mới nhất của NHNN, tín dụng đã tăng trưởng trên 5%. Đáng chú ý là, tín dụng nông nghiệp tăng với tốc độ rất mạnh. 

.
.

“Tín dụng nông nghiệp hiện đạt tổng dư nợ trên 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 5,8%, trong khi tín dụng công nghiệp chỉ tăng 3,75%. Hiện tại, tín dụng nông nghiệp chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ nền kinh tế. Tới đây, nếu Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung, chắc chắn tín dụng nông nghiệp sẽ còn tăng rất mạnh”, ông Hùng nói. 

So tốc độ tăng trưởng tín dụng năm ngoái, tín dụng năm nay có tốc độ tăng chậm hơn, song không đáng kể. Điểm chung của tăng trưởng tín dụng trong vài năm gần đây là tăng đều trong các tháng, nên mục tiêu tăng trưởng 17% năm nay là khả thi. 

NHNN khẳng định, tín dụng tăng trưởng tốt và đồng đều, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực ưu tiên, nên đã hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất được giữ ổn định đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh. 

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết, tuy tăng trưởng không quá mạnh, nhưng đồng vốn được sử dụng hiệu quả hơn, hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế. 

TS. Lực cho rằng, NHNN cần tiếp tục chú trọng chất lượng tăng trưởng tín dụng, chứ không nên tìm mọi cách đạt được con số mục tiêu này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải thúc đẩy các giải pháp phát triển thị trường vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng. 

Hiện nay, tỷ lệ tín dụng/GDP ở nước ta là 130%, khá cao so với khu vực và thế giới. Đây cũng là lý do khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị Việt Nam thận trọng hơn trong tăng trưởng tín dụng, nhất là khi hoạt động tăng vốn của các ngân hàng vẫn còn hạn chế. Việc tín dụng tăng cao liên tiếp nhiều năm qua, trong khi vốn chủ sở hữu tăng chậm, đã khiến nhiều ngân hàng bị sụt giảm hệ số an toàn vốn và khó đáp ứng các yêu cầu của Hiệp ước Basel II.

Lãi suất còn cao, vốn vẫn âm thầm chảy vào bất động sản

Về cơ bản, tín dụng hiện nay đã được “nắn” vào những lĩnh vực ưu tiên. Đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN liên tục cảnh báo các tổ chức tín dụng quan tâm để bảo đảm chất lượng tín dụng. 

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản chỉ khoảng 8%, chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, trên thực tế, dòng vốn chảy vào lĩnh vực này vẫn khá lớn.

Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, xét về tốc độ tăng trưởng, tín dụng bất động sản giảm so với trước đây. Song thực tế, các ngân hàng vẫn hướng vào cho vay bất động sản, kể cả cho vay mua nhà lẫn cho vay chủ đầu tư.

Tín dụng bất động sản có thể “ẩn nấp” trong nhiều cái tên khác, như tín dụng xây dựng, tín dụng tiêu dùng, các dịch vụ khác…

Theo giải thích của các chuyên gia, việc ngân hàng vẫn muốn cho vay bất động sản là dễ hiểu, bởi đây là phân khúc tín dụng sinh lời tốt. Hơn nữa, thị trường bất động sản tăng thì ngân hàng cũng thuận lợi hơn trong xử lý nợ xấu. Dù vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo, một số phân khúc của thị trường bất động sản đang có dấu hiệu bong bóng hoặc cung vượt cầu, rủi ro tăng. Do đó, nhà băng cần dè chừng khi rót vốn vào thị trường này, đặc biệt, việc rót vốn qua kênh tín dụng tiêu dùng hiện nay khá khó kiểm soát.

Số liệu thống kê của NHNN cho biết, tín dụng bất động sản chưa đến 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, tín dụng bất động sản có thể “ẩn nấp” trong nhiều cái tên khác, như tín dụng xây dựng, tín dụng tiêu dùng, các dịch vụ khác… 

Theo thông tin của Báo Đầu tư, không chỉ tín dụng bất động sản, mà tín dụng cho các dự án BOT cũng có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trong những tháng đầu năm nay. Điều này giải thích vì sao tín dụng trung và dài hạn tăng trở lại từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, lãi suất đối với kỳ hạn dài cũng có dấu hiệu tăng lên. 

Đầu năm nay, Chính phủ đã yêu cầu NHNN tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, dù lãi suất cho vay của Việt Nam tương đối cao với khu vực, song việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như xử lý nợ xấu, kiểm soát lạm phát, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, chống lãng phí…

Đặc biệt, nếu một lượng lớn tín dụng vẫn chảy vào chứng khoán, bất động sản, BOT…, thì lãi suất sẽ càng khó giảm. Chính vì vậy, NHNN cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dòng vốn này, đảm bảo kinh tế phát triển bền vững.

Cần cơ chế nuôi dưỡng tín dụng tiêu dùng
Tại Tọa đàm “Tài chính tiêu dùng: An toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 22/5 tại Hà Nội, các chuyên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư