Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Mùa đông lãi lớn của Everon
Thanh Thủy - 04/02/2022 14:12
 
Riêng trong quý IV, Everpia – ông chủ hãng chăn ga gối nệm Everon thu về 44,6 tỷ đồng lãi ròng, góp 75% tổng lợi nhuận năm. Đây cũng là quý mang về khoản lãi lớn nhất 6 năm.

Lợi nhuận cao nhất từ quý I/2016, cả năm hoàn thành % kế hoạch

Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có tính chất mùa vụ, quý IV hàng năm vẫn là điểm rơi lợi nhuận của Công ty cổ phần Everpia - ông chủ hãng chăn ga gối nệm Everon. Tuy nhiên, trong năm 2021, kết quả kinh doanh quý IV không chỉ đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào lợi nhuận cả năm. Đây còn là quý đạt mức lợi nhuận cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

Cụ thể, riêng trong quý IV, Everpia thu về 297,3 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào sự cải thiện đáng kể của mảng kinh doanh Chăn ga. Trong khi đó, chi phí sản xuất được cải thiện đáng kể trong quý nhờ kiên trì thực hiện các hoạt động cải tổ nhà máy, cùng đó đánh giá hiệu quả kinh doanh theo bộ phận, thay thế các hình thức quảng cáo truyền thống bằng các phương tiện truyền thông trực tuyến đã giảm đáng kể tỷ trọng chi phí bán hàng/doanh thu. Lợi nhuận sau thuế quý IV tăng trưởng 45% lên 44,6 tỷ đồng.

Nhờ kết quả kinh doanh quý IV, doanh thu cả năm 2021 lấy lại tăng trưởng, đạt 866,5 tỷ đồng, tăng 1% (gần 11 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cả năm tăng từ 30,6% lên hơn 34%, chi phí quản lý doanh nghiệp cùng giảm đáng kể. Nhờ vậy, dù tăng chi phí bán hàng và lãi vay, lợi nhuận sau thuế năm 2021 vẫn tăng trưởng 41,8% so với cùng kỳ, đạt 59,7 tỷ đồng. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu đạt 1.570 đồng.

Tuy nhiên, so với kế hoạch doanh thu 1.060 tỷ đồng và lợi nhuận 75 tỷ đồng, Everpia mới chỉ hoàn thành khoảng 80% mục tiêu. Kết quả kinh doanh của công ty cũng chưa trở về giai đoạn trước đại dịch.

Phía công ty cho biết đã trải qua hai tháng giãn cách xã hội khiến cho việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Toàn bộ hệ thống showroom và các cửa hàng đại lý của Công ty hoạt động cầm chừng. Nhân viên công ty tại các chi nhánh sản xuất đã phải thực hiện 3 tại chỗ. Chi phí để hoạt động của công ty diễn ra trong thời gian giẫn cách Covid đã tăng hơn so với cùng kỳ.

“Các chính sách điều chỉnh về quản lý sản xuất, thay đổi lại tư duy của người lao động, hoạt động cải tổ doanh nghiệp cải tổ sản xuất đã bắt đầu mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc kinh doanh của công ty con bên Hàn Quốc tuy chưa mang tới lợi nhuận nhưng cũng không không còn lỗ nên Công ty không bị ảnh hưởng từ các khoản lỗ cuả công ty này”, ông Lee Jae Eun – Tổng giám đốc Everpia cho hay.

Cả năm 2021, sản phẩm chăn ga đệm tiếp tục mang về nguồn thu lớn nhất (591 tỷ đồng) và cũng là động lực tăng trưởng chính cho doanh thu với mức tăng 6,5%.


Mảng chăn ga đệm đóng góp lớn nhất trong tổng doanh thu của Everpia- Nguồn: BCTC

Trở thành F0 chứng khoán, doanh thu tài chính vẫn hụt hơi

Trong làn sóng mạnh mẽ gia nhập thị trường chứng khoán với hơn 1,5 triệu tài khoản mở mới của năm 2021, Everpia cũng lần đầu tiên ghi nhận việc dành một phần vốn để đầu tư cổ phiếu. Hai năm trước, doanh nghiệp sản xuất này đã đầu tư vào chứng khoán nhưng đều là mua trái phiếu (do Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam phát hành). Tại thời điểm cuối quý IV, danh mục đầu tư chứng khoán của công ty xấp xỉ 114 tỷ đồng, trong đó đã trích dự phòng gần nửa tỷ đồng. Công ty đầu tư nhiều nhất vào trái phiếu (gần 93,4 tỷ đồng) và cổ phiếu Hoà Phát (12 tỷ đồng). Cổ phiếu HPG cũng là khoản đầu tư đang phải trích lập nhiều nhất do giá chứng khoán giảm(hơn 445 triệu đồng). Ngoài ra, công ty còn đầu tư vào cổ phiếu chứng khoán gồm  (6,2 tỷ đồng) và SSI (2,2 tỷ đồng). Cuối quý III, danh mục chứng khoán của Everpia còn có cổ phiếu VNM nhưng đã bán toàn bộ trong quý vừa qua.

Giá trị các khoản chứng khoán đầu tư chiếm khoảng 8,9% tổng tài sản của Everpia. Lãi kinh doanh chứng khoán cả năm 2021 đạt 8,2 tỷ đồng, gấp hơn hai lần năm trước (3,86 tỷ đồng). Tuy nhiên, nguồn thu tăng lên trên vẫn chưa đủ bù cho khoản lãi tiền gửi đã “teo tóp” tới 1/3 trong năm vừa qua, một phần do xu hướng giảm lãi suất huy động và một phần do lượng tiền gửi ngân hàng đã giảm gần một nửa. Doanh thu tài chính do vậy vẫn giảm 3 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt hơn 45 tỷ đồng.

Giá trị các khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chỉ còn chiếm khoảng 25% tổng tài sản. Cơ cấu tài sản có sự thay đổi trong năm ngoài việc dành ra một phần vốn để đầu tư chứng khoán còn bởi Everpia phải tất toán sớm khoản trái phiếu chuyển đổi 10,1 triệu USD. Lô trái phiếu chuyển đổi trên phát hành ngày 06/09/2018, có kỳ hạn 5 năm với lãi suất ưu đãi 1%/năm nhưng đã được Everpia mua lại từ trái chủ hồi tháng 09/2021.

Trong năm 2021, công ty còn thoái vốn tại công ty liên kết Hyoung Soft Tech và đầu tư mới vào nhà mát tại Khu công nghiệp Giang Điền, tỉn Đồng Nai để thay thế cho nhà máy tại khu công nghiệp Biên Hoà 1 đã đến hạn hoàn trả mặt bằng vào cuối năm 2022. Tổng đầu tư cho nhà máy khoảng 200 tỷ đồng. Giá trị đầu tư xây dựng cơ bản dở dang trong năm 202 là hơn 55 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của công ty đạt 1.268 tỷ đồng, giảm 6,2% so với thời điểm đầu năm. Vốn điều lệ vẫn duy trì ở mức gần 420 tỷ đồng. Quy mô vốn chủ sở hữu tăng lên nhờ tích luỹ thêm lợi nhuận.

Kienlongbank: Lợi nhuận tăng gấp 6 lần nhờ tất toán khoản nợ thế chấp cổ phiếu STB
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, UPCoM: KLB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, với lợi nhuận trước thuế cả năm qua đạt hơn 1.000...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư