Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Mừng vì Ngày Doanh nhân Việt Nam đã có thể nói về các kế hoạch kinh doanh mới
Khánh An - 12/10/2021 19:50
 
Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VCAC) chia sẻ nhân Ngày Doanh nhân 13/10/2021.
.
Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình, Chủ tịch VCAC (đứng)

Thưa ông, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đón Ngày Doanh nhân Việt Nam đặc biệt, khi mà Covid-19, khó khăn, khủng hoảng đang là những từ được nhắc đến nhiều hơn cả vào lúc này. Ông có thể chia sẻ gì vào thời điểm này?

Đúng là năm 2021 sẽ là một năm doanh nghiệp gặp phải muôn vàn khó khăn.

Cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đã phải gánh chịu rất nhiều áp lực, nhiều khó khăn thử thách.

Nói thì như vậy, nhưng thực sự để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa lo duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 cực kỳ khó. Khó vì dịch bệnh phức tạp, khó lường; khó vì các quy định phòng chống dịch không nhất quán, gây ra các hệ lụy, ùn tắc làm khủng hoảng cung cầu.

Ví dụ với doanh nghiệp nông nghiệp như chúng tôi, nông sản không tiêu thụ được, đầu vào thức ăn gia súc, gia cầm tăng vọt, đầu ra mất giá vì hệ thống lưu thông, giết mổ, chế biến bị đình trệ, đóng cửa, chi phí vận tải tăng đột biến...

Tất nhiên, cho đến giờ, khó khăn nhất đã gần qua. Nhiều tín hiệu tích cực đã bắt đầu trở lại. Chính phủ đã có những thay đổi chính sách phù hợp.

Các doanh nghiệp đã phải cố gắng, linh hoạt, sáng tạo và có nhiều giải pháp để thích nghi với hoàn cảnh. Dù nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng, đóng cửa, nhưng đa phần doanh nghiệp vẫn đang cố gắng trụ lại…

Đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam chúng tôi đã có thể bắt đầu nói về các kế hoạch, chương trình trở lại.

Với doanh nhân, trên thương trường, khó khăn, thử thách luôn thường trực. Nhưng Covid-19 thực sự đã làm đảo lộn nhiều hoạt động của cả nền kinh tế, cả doanh nghiệp…

Nhưng cũng lại cơ hội để chúng tôi tự đánh giá, nhìn nhận lại mình.  Nếu không có giai đoạn Covid-19, có lẽ tôi cũng không nghĩ đến việc đánh giá khả năng chống chịu của danh nghiệp, chưa thúc đẩy nhanh các kế hoạch hợp tác, kinh doanh để tập hợp nguồn lực, lợi thế của nhau.

Ngay thời điểm này, khi dòng lao động đang dịch chuyển mạnh từ các đô thị, khu công nghiệp ở khu vực phía Nam về các địa phương, chúng tôi cũng tính tới cơ hội có thêm nguồn lực lao động đã qua đào tạo, từ đó phát triển các kế hoạch kinh doanh mới tại địa phương.

Trong ngành nông nghiệp, nguồn lao động được đào tạo, được thử thách trong môi trường công nghiệp rất quý, vì chúng tôi đang phát triển công nghiệp nông nghiệp trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bảo quản sau thu hoạch theo xu hướng của kinh tế tuần hoàn.

Cho đến thời điểm này, theo ông cần có những hỗ trợ chính sách, giải pháp gì từ Chính phủ để thúc đẩy doanh nghiệp trở lại, phục hồi?

Vẫn là những khuyến nghị mà nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã từng kiến nghị. Điều mong mỏi của chúng tôi là các vấn đề này được xử lý càng nhanh, càng tốt.

Một là, thống nhất phương pháp, nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. Khi Chính phủ đã xác định sống chung với Covid-19, yêu cầu sản xuất an toàn, thì các kế hoạch, kịch bản, phương án của các địa phương, các bộ, ngành phải tuân thủ, thống nhất, đảm bảo doanh nghiệp an tâm trở lại hoạt động, an tâm thực hiện các kế hoạch kinh doanh tới đây.

Đặc biệt, là tạo điều kiện tốt nhất cho lưu thông hàng hóa, bãi bỏ tất cả các quy định như giấy phép con đang làm khó hoạt động vận tải.

Hai là, khẩn trương tiêm phủ vắc-xin  cho người lao động trong doanh nghiệp. Liên quan đến nội dung này, chúng tôi đề nghị nghiên cứu kỹ để các quy định liên quan đến xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho những lao động đã hoàn tất 2 mũi tiêm, về tần xuất thực hiện, cách thức thực hiện, tránh test diện rộng, rất lãng phí, tiêu hao nguồn lực của doanh nghiệp.

Ba là, đề nghị các gói hỗ trợ doanh nghiệp phải thật sự dễ tiếp cận. Khi doanh nghiệp cần hỗ trợ, có nghĩa là thực sự cần, nếu thủ tục quá phiền hà, đòi hỏi quá nhiều giấy tờ, có thể làm mất đi cơ hội phục hồi một doanh nghiệp. Từng doanh nghiệp đều có những cố gắng, nỗ lực

Các hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng nên cân nhắc trong bối cảnh khó khăn lớn, doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng để có mức độ phù hợp.

Từng doanh nhân, doanh nghiệp đều có những kế hoạch, cách thức để điều hành doanh nghiệp của mình trong bối cảnh khó khăn này, nhưng nếu có sự hỗ trợ phù hợp, đặc biệt có quy định, khung khổ pháp lý thuận lợi, rõ ràng, doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh, tự làm mới mình cho phù hợp với tình hình mới, thay vì loay hoay tìm hiểu cách thực hiện các quy định thế nào cho đúng…

Nhân dịp này, chúng tôi xin được trân trọng cảm ơn sự đồng hành, chia sẻ khó khăn của cả hệ thống chính trị đối với cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua

Doanh nhân Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel: Covid-19 mang đến khoảng lặng quý giá
Với doanh nhân Phạm Duy Nghĩa, gần 2 năm khủng hoảng vì Covid-19 của ngành kinh tế xanh là khoảng lặng để hoàn thiện hệ sinh thái lữ hành, định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư