Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Mượn giấy phép xuất khẩu lao động, phạt 200 triệu đồng
Phan Long - 29/08/2013 12:58
 
Đây là mức phạt cao nhất được quy định tại Nghị định số 95/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
(minh họa: Ngọc Diệp)
Sẽ phạt tối đa 200 triệu đồng nếu doanh nghiệp mượn giấy phép xuất khẩu lao động của đơn vị khác để đưa người đi làm việc ở nước ngoài
(Hình minh họa: Ngọc Diệp/Dân trí)

Theo đó, mức phạt cao nhất là 200 triệu đồng nếu doanh nghiệp sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp khác để tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Mức phạt này cũng được áp dụng đối với các hành vi không hoàn trả các khoản chi phí mà người lao động đã nộp khi không đưa được họ đi làm việc ở nước ngoài; thu, quản lý, sử dụng tiền ký quỹ của người lao động không đúng quy định; không nộp bổ sung đủ, đúng hạn số tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tư vấn, tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động hoặc để tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài không đúng quy định; đưa người lao động đi làm việc ở khu vực, ngành, nghề và công việc bị cấm hoặc không được nước tiếp nhận người lao động cho phép….

Nghị định cũng quy định các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động với mức thấp nhất là 500 nghìn đồng; cao nhất là 150 triệu đồng.

Mức cao nhất này áp dụng cho hành vi thực hiện hoạt động kiểm định nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định hoặc giấy chứng nhận này đã hết hiệu lực; sử dụng hồ sơ, tài liệu giả mạo, sai sự thật để đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.

Theo quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, hoặc đóng không đúng mức quy định, không đủ số người thuộc diện tham gia bị phạt tiền từ 12% - 15% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2013.

Xuất khẩu lao động: “Cò” lừa, doanh nghiệp cũng lừa
Tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động ngày càng gia tăng, đẩy nhiều lao động nghèo khó vào cảnh nợ nần, tán gia bại sản. >> 
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư