Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Mỹ và đồng minh tặng "món quà" 1 tỷ liều vaccine cho châu Á
Lê Quân - 14/03/2021 10:33
 
Mỹ và ba đồng minh thận cận cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho châu Á vào cuối năm 2022, trong một nỗ lực đối phó sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo
Các nhà lãnh đạo "bộ tứ kim cương" nhất trí thành lập nhóm chuyên gia hỗ trợ phân phối vaccine Covid-19. Ảnh: Shutterstock

Sẽ có nhóm chuyên gia phân phối vaccine

Mỹ và ba đồng minh thân cận tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm: Australia, Ấn Độ và Nhật Bản (hay còn gọi là "bộ tứ kim cương"), đưa ra cam kết trên tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra trực tuyến hôm 12/3, nhằm đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hợp tác trên biển, an ninh kinh tế và an ninh mạng, và những vấn đề quan trọng đối với "bộ tứ" trước thách thức từ Bắc Kinh. 

"Chúng tôi đang làm mới các cam kết của mình nhằm đảm bảo rằng khu vực của chúng tôi được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế, cam kết duy trì các giá trị phổ quát và không bị ép buộc", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với lãnh đạo của ba nước đồng minh tại hội nghị, nhưng không chỉ đích danh Trung Quốc.

Hãng tin Reuters dẫn đánh giá của Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden rằng hội nghị thượng đỉnh lần này của "bộ tứ" là một ngày quan trọng đối với ngoại giao Mỹ, khi Washington tìm cách hồi sinh các liên minh của mình và tiếp cận Bắc Kinh từ một vị thế mạnh trước thềm cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung vào tuần tới.

"Bốn nhà lãnh đạo đã thảo luận về những thách thức mà Trung Quốc đặt ra, và họ khẳng định rõ rằng không ai trong số họ có bất kỳ ảo tưởng nào về Trung Quốc", ông Sullivan cho biết. Vị cố vấn cũng nhấn mạnh, bốn nhà lãnh đạo đều tin rằng dân chủ có thể cạnh tranh với "chế độ chuyên quyền".

Cố vấn Sullivan nêu ra một loạt thách thức, từ tự do hàng hải ở Biển Đông (South China Sea) và Biển Hoa Đông (East China Sea), các cuộc tấn công mạng gần đây và an ninh chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, cùng với vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên, chính biến và "đàn áp bạo lực" ở Myanmar.

Trong một tuyên bố chung của "bộ tứ", Tổng thống Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và Thủ tướng Australia Scott Morrison, cam kết hợp tác chặt chẽ trong phân phối vaccine Covid-19, các vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh.

"Chúng tôi nỗ lực vì một khu vực (Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - BTV) tự do, rộng mở, bao trùm, lành mạnh, được gắn kết bởi các giá trị dân chủ và không bị hạn chế bởi sự ép buộc. Các nhà lãnh đạo "bộ tứ kim cương" nhất trí thành lập một nhóm chuyên gia hỗ trợ phân phối vaccine Covid-19, các nhóm công tác về biến đổi khí hậu, tiêu chuẩn công nghệ và phát triển các công nghệ mới nổi. Họ cho biết hội nghị thượng đỉnh trực tuyến sắp tới sẽ được tổ chức vào cuối năm.

Thiết lập cấp độ hợp tác mới

Thủ tướng Nhật Bản Suga nói với các phóng viên rằng ông đã phản đối mạnh mẽ đối với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở khu vực, trong khi Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định tại hội nghị rằng "bộ tứ" đã "đến tuổi trưởng thành" và "hiện sẽ vẫn là một trụ cột quan trọng cho sự ổn định ở khu vực".

Còn Thủ tướng Australia Morrison ví hội nghị thượng đỉnh lần này là "bình minh mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", đồng thời kêu gọi: "hãy để quan hệ đối tác của chúng ta là động lực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng".

Đương đầu với Trung Quốc là vấn đề hiếm hoi có được sự đồng thuận nhất trí của các thành viên của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ. Trong một tuyên bố mới đây, thành viên đứng đầu đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Michael McCaul, cho biết ông rất hài lòng về hội nghị thượng đỉnh của "bộ tứ".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho hay, hội nghị thượng đỉnh lần này đã nhất trí rằng vaccine Covid-19 của Mỹ sẽ được sản xuất tại Ấn Độ, đúng như mong muốn của New Delhi nhằm chống lại chính sách ngoại giao vaccine đang mở rộng của Bắc Kinh.

Thông cáo của "bộ tứ" cũng nêu rõ, Washington, thông qua Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC), sẽ phối hợp tài trợ cho hãng dược Ấn Độ Biological E để sản xuất ít nhất 1 tỷ liều vaccine Covid-19 vào cuối năm 2022. Còn phía Nhật Bản đang thảo luận cung cấp các khoản vay ưu đãi bằng đồng yên cho Ấn Độ để mở rộng sản xuất vaccine Covid-19 cho xuất khẩu.

Cố vấn an ninh Sullivan tiết lộ, vaccine Covid-19 sẽ được phân phối đến các nước Đông Nam Á, những nơi khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hơn thế nữa.

Trước đó, chính quyền Biden cho biết, Mỹ và Nhật Bản sẽ cùng tài trợ cho các công ty Ấn Độ để sản xuất vaccine cho các hãng dược Mỹ, gồm: Novavax và Johnson & Johnson (J&J).

Một nhà ngoại giao châu Á cho rằng, các quốc gia Đông Nam Á, nơi Trung Quốc đang cạnh tranh mạnh mẽ để giành ảnh hưởng, đã "tuyệt vọng" về vaccine khi mốc thời gian cuối năm 2022 vẫn còn rất xa. Vị này băn khoăn: "Câu hỏi đặt ra là họ ("bộ tứ kim cương" - BTV) có thể cho chúng (vaccine Covid-19) ra lò nhanh chóng ra sao".

Ấn Độ, Australia, và Nhật Bản đều đã phải đối mặt với những thách thức an ninh từ Trung Quốc, và các quốc gia này đã dành nhiều sự quan tâm đến "bộ tứ kim cương" - một cơ chế hợp tác được bắt đầu từ việc chung tay ứng phó với trận động đất và sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004.

Cơ chế hợp tác của "bộ tứ kim cương" được hồi sinh dưới thời chính quyền Trump khi Washington coi đây là công cụ để đẩy lùi Trung Quốc. Bằng chứng là Mỹ đã tổ chức một cuộc họp ngoại trưởng vào năm 2019, sau đó là một cuộc họp khác ở Nhật Bản vào năm 2020, và gần đây là một phiên họp trực tuyến vào tháng 2 vừa qua.

Hội nghị thượng đỉnh của "bộ tứ kim cương" hôm 12/3 diễn ra trùng lắp với những nỗ lực ngoại giao lớn của Mỹ nhằm củng cố các liên minh ở châu Á và châu Âu để đối phó Trung Quốc, trong đó có các chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới.

Ngoại trưởng Blinken sẽ dừng chân ở Alaska khi trở về tham dự cuộc họp với ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì, và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị. Đây là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai nước dưới thời Tổng thống Biden.

Washington cho biết họ sẽ không kiềm chế những lời chỉ trích Bắc Kinh về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Hong Kong và cuộc đàn áp đối với những người Hồi giáo thiểu số tại Trung Quốc.

Cố vấn an ninh Sullivan, người sẽ tham dự cuộc họp với các quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc sắp tới, cho biết ông không mong đợi các chi tiết về thuế quan hoặc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sẽ là chủ đề chính của cuộc họp.

Tuy nhiên, "chúng tôi sẽ thông báo rằng Mỹ sẽ thực hiện các bước liên quan đến những gì chúng tôi làm về công nghệ để đảm bảo rằng công nghệ của chúng tôi không được sử dụng theo những cách không phù hợp với giá trị của chúng tôi hoặc bất lợi cho an ninh của chúng tôi", ông Sullivan cho biết thêm.

Thượng nghị sĩ Dân chủ chấp thuận đưa trợ cấp thất nghiệp vào gói cứu trợ
Các thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ vừa hóa giải những bất đồng về khoản trợ cấp thất nghiệp trong gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD mà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư