Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nafoods Group: Đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 37% năm 2021
P.H - 29/01/2021 14:51
 
Mặc dù Covid-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ, EU - thị trường chủ lực của Nafoods, nhưng đơn hàng của Công ty không bị ảnh hưởng. Vì vậy, Nafoods đã đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh trong năm 2021.

Nguyên nhân là do dịch bệnh không thể di chuyển, nên khách hàng ưu tiên các nhà cung cấp lớn, uy tín. Vì vậy, đơn hàng của Nafoods (Mã CK: NAF) tăng lên, nếu trước đây khách hàng đặt 50 - 100 tấn, thì nay có thể đặt đơn lên đến 200 tấn.

.
Năm 2021, Nafoods Group đặt mục tiêu đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng, tăng 66% và lợi nhuận sau thuế 86 tỷ đồng, tăng 37%.

Năm 2021, kế hoạch lợi nhuận sau thuế 86 tỷ đồng

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020, ghi nhận kết quả kỷ lục, cao nhất từ khi thành lập với doanh thu thuần 1.206 tỷ đồng, tăng 16% và lợi nhuận sau thuế hơn 63 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2019. Với kết quả này, NAF hoàn thành 90% kế hoạch doanh thu và 96% kế hoạch lợi nhuận.

Điểm tích cực là công ty có sự cải thiện về dòng tiền. Tại ngày 31/12/2020, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 25,6 tỷ đồng, tăng 84% so với đầu năm. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh 118,9 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức âm 289,4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 27/1/2021 vừa qua, bà Diệp Thị Mỹ Hảo - Phó Tổng Giám đốc Nafoods Group cho biết, dựa trên cơ sở đơn hàng tăng lên và dự báo năm 2021 là năm tăng trưởng ổn định cho những mảng đã hiện hữu (chanh leo, thanh long, dứa) và có thêm phần gia tăng từ các mảng mới (xoài, dừa, và hạt dinh dưỡng đang thử nghiệm), NAF tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, doanh thu 2.000 tỷ đồng, tăng 66% và lợi nhuận sau thuế 86 tỷ đồng, tăng 37%.

Theo bà Hảo, con số kế hoạch tăng trưởng là cam kết của HĐQT, Ban Lãnh đạo cam kết với cổ đông trong giai đoạn 5 năm, doanh số sẽ cán mốc 2.000 tỷ đồng, tăng 30%, lợi nhuận khoảng 83 - 85 tỷ đồng, tăng 25%. Trong đó, mảng truyền thống vẫn là chủ chốt, chiếm 25% và các đơn hàng đã có khoảng 40 - 60% chốt ký, giờ NAF chỉ cần mua nguyên liệu và thực hiện. Nếu như trước đây, mảng truyền thống mang về 600 tỷ đồng, thì năm 2021, mảng này được NAF đặt mục tiêu tối thiểu 800 tỷ đồng, và hướng tới mốc 1.000 tỷ đồng.

Hiện Nafoods Group đang có vị thế là hàng đầu tại Việt Nam trong việc phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, đáng tự hào nhất là đơn vị xuất khẩu số 1 về chanh leo trong khu vực châu Á, dẫn dắt được cả thị trường Việt Nam đi vào chuỗi cung ứng thế giới. Vùng nguyên liệu đầu vào của NAF lên đến hơn 30.000 ha, không chỉ ở các tỉnh thành của Việt Nam, mà còn phát triển ở Lào, Campuchia. Công ty cũng vận hành 2 viện giống công nghệ cao tại Nghệ An và Gia Lai; có hai nhà máy đạt chuẩn các chứng chỉ quốc tế tại Nghệ An và Long An, và 4 nhà máy liên kết tại các tỉnh thành khác.

Hoàn thiện nền tảng dịch vụ nông nghiệp, đẩy mạnh M&A

Trong năm 2021, đối các sản phẩm công nghiệp, 70% sẽ đi từ 2 nhà máy lớn và 30% từ các nhà máy liên kết để hoàn thiện mô hình tăng trưởng mới (nền tảng dịch vụ). Theo kế hoạch của NAF, khoảng 2 năm nữa, NAF trở thành công ty dịch vụ nông nghiệp. Có nghĩa là có những nhà máy nhỏ không có năng lực thị trường, NAF sẽ cung cấp những năng lực đó và sẽ mở những mô hình chia sẻ lợi nhuận.

Ông Phạm Duy Thái, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Nông nghiệp NAF chia sẻ thêm, công ty đang có các đơn vị liên kết chưa đủ điều kiện hợp nhất vào kết quả kinh doanh như Nafoods Tây Bắc, KingFoods, Thực phẩm Nghệ An… Vào năm 2022, Nafoods Group dự định M&A các đơn vị này để được hợp nhất vào kết quả kinh doanh.

Cụ thể, tháng 6/2021, sẽ hoàn thất thương vụ M&A đầu tiên. Đến tháng 6/2022 hoàn thiện 3 phương án M&A tiếp theo - tập trung vào các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà đóng gói chanh leo và 4 loại quả chủ lực khác, thực hiện hoán đổi cổ phiếu với Nafoods Group.

Chẳng hạn, đối với mảng sấy, năm sau NAF sẽ bắt đầu giai đoạn sáp nhập chuỗi cung ứng giai đoạn 1 - tập trung sáp nhập sản xuất trước. Giai đoạn 2 là đến năm 2023 là sáp nhập những vườn trồng lớn. Đối với mảng dừa và hạt dinh dưỡng, NAF sẽ hoàn thiện chiến lược thực thi và triển khai ERP/Quản trị doanh nghiệp.

Đồng thời, NAF cũng sẽ thực hiện tái cấu trúc nguồn vốn, theo hướng hiệu quả, đưa chi phí vốn về mức bình quân 6,5%/năm.

Với những chiến lược trên, mục tiêu đến 2023, biên lợi nhuận gộp của NAF nâng lên 25% và lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 10-15%.

Nafoods Group: Phó tổng giám đốc kinh doanh bán một nửa số cổ phần
Ông Ryan Walter Galloway dự kiến sẽ bán bớt ½ số cổ phần do ông này nắm giữ tại Công ty cổ phần Nafoods (Nafoods Group, NAF, sàn HoSE).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư