Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Năm 2018, Chính phủ tiếp tục thực hiện giảm chi phí cho doanh nghiệp
Như Chính - 10/02/2018 07:18
 
Tại Nghị quyết số 1/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Chính phủ tiếp tục đề ra các nhiệm vụ như: (i) Cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về chủ trương giảm chi phí cho doanh nghiệp trong năm 2018 và chiến lược khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường quan hệ với doanh nghiệp FDI, Thủ tướng cho biết, năm 2018, Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương “giảm chi phí cho doanh nghiệp”.

Về giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tháng 5/2017, chủ đề của năm 2017 được chọn là “giảm chi phí cho doanh nghiệp”. Một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị năm 2018 tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề giảm chi phí cho doanh nghiệp để tác động đối với cộng đồng doanh nghiệp sẽ rõ nét hơn và phát huy các kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã triển khai năm trong 2017.

Tại Nghị quyết số 1/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Chính phủ tiếp tục đề ra các nhiệm vụ như: (i) Cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp; (ii) cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp; (iii) triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường.

Với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01 nêu trên, có thể nói Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương “giảm chi phí cho doanh nghiệp” trong năm 2018.

Về giải pháp năm 2018 để giảm chi phí thường xuyên, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước: Cắt giảm chi phí thường xuyên, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta. Triển khai Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW, trong đó đã đề ra nhiều giải pháp, tiến độ thực hiện từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư hợp lý, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Bên cạnh đó, Chính phủ đang quyết liệt triển khai hai Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, với mục tiêu của hai Nghị quyết này bao trùm việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm chi thường xuyên trong năm 2018 và các năm tiếp theo, gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực dịch vụ hành chính sự nghiệp công lập.

Nghị quyết Chính phủ số 01/NQ-CP năm 2017 đã đề ra các giải pháp triển khai kế hoạch cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, sắp xếp các khoản chi, giảm các khoản chi thường xuyên để tăng dần cơ cấu chi đầu tư phát triển. Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018, Chính phủ tiếp tục thực hiện “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa; đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên 64,1% trong tổng chi ngân sách nhà nước; bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh theo dự toán Quốc hội giao”.

Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018 đã nêu rõ các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai Nghị quyết Trung ương 6 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành chính quyền các cấp; duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; thu gọn đầu mối bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng cục. Giảm đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2021; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế; rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế.

Giải pháp liên kết DN trong nước và DN FDI

Vấn đề về tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã được Chính phủ nhận diện từ lâu. Từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài, với nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đối với khu vực kinh tế trong nước.

Trong thời gian qua, khu vực đầu tư nước ngoài đã tạo ra những lợi ích khá rõ nét và bắt đầu có hiệu ứng lan tỏa đối với những lĩnh vực khác của nền kinh tế thông qua việc giới thiệu công nghệ và bí quyết  mới, chuẩn mực quốc tế trong sản xuất và dịch vụ, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động cũng như tạo ra việc làm trong các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành du lịch.

Kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã bước đầu đạt được kết quả khả quan. Một số doanh nghiệp FDI đã có kế hoạch hợp tác và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam để phát triển mạng lưới công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp Việt Nam đang bắt đầu thâm nhập vào chuỗi cung ứng của một số tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG, ... Nếu như năm 2014 mới có 4 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung thì đến năm 2017 đã có 29 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng trực tiếp cho Samsung và tỷ lệ nội địa hóa đã đạt 57%.

Theo kết quả điều tra về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, có khoảng 14% số doanh nghiệp tư nhân có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Từ phía các doanh nghiệp FDI, theo thống kê, có khoảng 26,6% đầu vào của doanh nghiệp FDI được mua tại Việt Nam. Tỷ lệ này chưa phải là cao song cũng là tín hiệu tích cực cho thấy dấu hiệu cải thiện mối liên kết giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước theo thời gian.

Tuy nhiên, kết quả trên còn chậm so với kỳ vọng của Chính phủ và mức độ cạnh tranh ngày càng cao trong khu vực. Một trong những nguyên nhân chính là do các chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chưa được thực thi tốt và hiệu quả. Ở cấp độ doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng còn nhiều hạn chế trong việc nâng cao năng lực đổi mới công nghệ để chủ động tham gia liên kết với khu vực doanh nghiệp FDI. Vấn đề cốt lõi là mỗi doanh nghiệp trong nước phải chủ động trong việc tận dụng các chính sách ưu đãi, lợi thế cạnh tranh để nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời phải có chiến lược tiếp cận những doanh nghiệp nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị. Chính sách đầu tư nước ngoài không tự động tạo ra liên kết và thúc đẩy việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp trong nước. Các chính sách đầu tư nước ngoài sẽ phát huy vai trò hỗ trợ, chỉ được thực hiện song hành với các chính sách khác về thương mại, phát triển và đào tạo kỹ năng lực lượng lao động cùng với hỗ trợ cải thiện khung và năng lực thể chế.

Giải pháp tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI là đẩy mạnh thực thi các chính sách, giải pháp được ban hành thời gian qua về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển đủ khả năng trở thành đối tác, nhà cung cấp cho các Tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ phát triển của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực về công nghệ, quản lý và nhân lực, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI; hình thành các cụm liên kết theo ngành lĩnh vực và có chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng.

Bên cạnh việc thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia, cần chú trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thứ cấp có năng lực cạnh tranh, có khả năng tham gia chuỗi sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao trong một số lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước còn yếu và thiếu; khuyến khích các doanh nghiệp FDI chủ động liên kết với doanh nghiệp trong nước, tìm ra mô hình hợp tác thích ứng với từng sản phẩm.

Về tăng cường khả năng xuất khẩu, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2017 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đặc biệt đưa ra các biện pháp nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu.

Giảm chi phí cho doanh nghiệp để tăng thu
Đánh giá về tốc độ thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm mới đạt 46,5% dự toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư