Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Năm 2023: Dịch vụ tiếp tục là bệ đỡ cho kinh tế Thành phố Đà Nẵng
Nguyễn Toàn - 29/12/2023 14:08
 
Năm 2023, khu vực dịch vụ chiếm 70,34% trong cơ cấu quy mô kinh tế của Đà Nẵng. Trong phần mở rộng 9.728 tỷ đồng so với năm 2022, khu vực dịch vụ có giá trị tăng thêm là 8.923 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng thông tin, giải đáp các số liệu thống kê.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng thông tin, giải đáp các số liệu thống kê.

Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2023, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng thông tin, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của thành phố ước tăng 2,58% so với năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn mức tăng bình quân 5,51% /năm của giai đoạn 2021-2023.

Trong mức tăng 2,58%, giá trị tăng thêm (VA) của khu vực dịch vụ tăng cao nhất với 4,10%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung; riêng khu vực công nghiệp và xây dụng giảm 2,05%, trong đó lĩnh vực xây dựng tiếp tục tăng trưởng âm 8,36% so với năm 2022.

Quy mô nền kinh tế thành phố năm 2023 (theo giá hiện hành) ước đạt hơn 134.247 tỷ đồng, mở rộng 9.728 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, phần mở rộng tập trung ở VA khu vực dịch vụ với 8.923 tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng thu hẹp 116 tỷ đồng (lĩnh vực xây dựng giảm 529 tỷ đồng).

Khu vực dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu trong quy mô kinh tế năm 2023 của TP. Đà Nẵng với 70,34%.

Cục Thống kê TP. Đà Nẵng đánh giá, khu vực dịch vụ tiếp tục là bệ đỡ cho kinh tế của thành phố, một số ngành dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá cao, cầu tiêu dùng trong dân duy trì xu hướng phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số ngành dịch vụ thị trường có dấu hiệu chững lại, đặc biệt thị trường bất động sản vẫn chưa được cải thiện.

Cụ thể, hai ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ nhưng có mức giảm khá sâu, ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung, bao gồm hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 29,28%; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy giảm hơn 5,12%.

Theo Cục Thống kê, hạn chế trên đến từ sự đóng băng của thị trường bất động sản, khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn do siết chặt cho vay của các ngân hàng, dòng tiền vốn huy động của các doanh nghiệp yếu, việc thanh tra các dự án, đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung và thanh khoản thị trường bất động sản làm cho hoạt động kinh doanh bất động sản giảm sâu. Các chính sách hỗ trợ vốn tín dụng, cắt giảm lãi suất... chưa mang lại hiệu quả cao và khó tiếp cận.

Trong giải pháp phục hồi, tăng trưởng kinh tế năm 2024, Cục Thống kê TP. Đà Nẵng cũng chỉ ra, trong cơ cấu nền kinh tế hiện nay, dịch vụ chiếm 70,34% trong GRDP. Do đó, năm 2024 rất khó để tạo sự bức phá ngoạn mục, vì vậy cần giữ vững tăng trưởng một số ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực dịch vụ như dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ hành chính và hỗ trợ…

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến ngày 15/12/2023, TP. Đà Nẵng đã cấp mới 104 dự án với vốn đăng ký đạt 151,2 triệu USD; có 42 lượt dự án điều chỉnh vốn, phần vốn tăng thêm đạt 20,2 triệu USD; có 37 lượt nhà đầu tư vốn góp mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp 10,7 triệu USD. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm sơ bộ cả năm đạt 185 triệu USD, giảm 37,8% so với năm 2022. Giai đoạn 2021 - 2023, số dự án cấp phép mới bình quân mỗi năm tăng 6,1%.

Cục Thống kê TP. Đà Nẵng đề cập, “thu hút FDI tăng về số dự án và số vốn so với cùng kỳ, chủ yếu thu hút vào Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới chậm tiến độ, chưa đàm bảo hạ tầng sẵn sàng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất”.

Cuối buổi họp báo, ông Trần Văn Vũ cho hay, năm 2023, mặc dù kinh tế TP. Đà Nẵng có tốc độ tăng tương đối thấp (xếp thứ 54/63 địa phương; tuy nhiên, TP. Đà Nẵng đạt được một số kết quả tạo tiền đề trong năm 2024.

Theo đó, về mặt pháp chế đối với các quy định đang bị vướng, Cục trưởng Cục Thống kê cho biết, TP. Đà Nẵng gần như đã tiến hành điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi tạo tiền đề về mặt pháp chế trong năm 2024-2025 triển khai thực hiện

“Vướng đầu tiên là vướng pháp chế rất khó thực hiện cho nên Thành phố đã chủ động giải quyết việc này”, ông Vũ nói.

Dự án Nhà máy điện tử Foxlink của Tập đoàn Foxlink có tổng vốn đầu tư 135 triệu USD được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ễ công bố quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Dự án Nhà máy điện tử Foxlink của Tập đoàn Foxlink có tổng vốn đầu tư 135 triệu USD được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại lễ công bố quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp đến, trong 40 dự án đầu tư được TP. Đà Nẵng ký kết, gần như các dự án này có khả năng thực hiện trong năm 2024 và 2025. Các dự án này sẽ tạo nhiều tiền đề cho việc thu hút vốn đầu tư FDI.

Ông Vũ bổ sung thêm, trong thời gian qua, bên cạnh tham mưu cho UBND TP. Đà Nẵng các giải pháp về nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu để tìm hướng tháo gỡ; các sở, ban ngành cũng đã trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu khó khăn của 5 nhóm doanh nghiệp (dệt may, da giày; thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; FDI…)

Thu hút đầu tư năm 2023 của Đà Nẵng còn khiêm tốn so với vị thế
Đại biểu HĐND Thành phố Đà Nẵng phản ánh, kết quả thu hút đầu tư của năm 2023 còn khiêm tốn so với vị thế, tiềm năng và quyết tâm của Thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư