Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Nắn dòng tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn
Vân Linh - 15/02/2017 14:08
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra Dự thảo Hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm nắn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, siết chặt dư nợ bất động sản...

Vốn đổ vào nông nghiệp còn khiêm tốn

Theo đó, các biện pháp hỗ trợ TCTD cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn gồm: tái cấp vốn cho TCTD; áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng tiền Việt (VND) thấp hơn so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường, tương ứng với từng loại tiền gửi. Đối với TCTD có tỷ trọng dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng bình quân từ 40% đến dưới 70%, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng một phần năm (1/5) tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường; còn tỷ trọng từ 70% trở lên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng một phần hai mươi (1/20) tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường.

Trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017 vừa ban hành, thêm một lần nữa, NHNN nhấn mạnh tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

ngân hàng Nhà nước đang hướng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Khu trồng rau an toàn của Công ty VinEco (Tam Đảo). Ảnh: Chí Cường
Ngân hàng Nhà nước đang hướng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Khu trồng rau an toàn của Công ty VinEco (Tam Đảo). Ảnh: Chí Cường

Theo số liệu của NHNN, tổng dư nợ tín dụng với nền kinh tế năm 2016 (tính đến thời điểm cuối tháng 11) là hơn 5,35 triệu tỷ đồng, tăng 14,93% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan quản lý phân loại tín dụng ra 4 nhóm chính gồm: nhóm nông, lâm nghiệp và thủy sản; nhóm công nghiệp và xây dựng; nhóm hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông; nhóm các hoạt động dịch vụ khác. Trong đó, tín dụng đối với các hoạt động dịch vụ khác tăng mạnh nhất, với 19,64%. Tín dụng đổ vào nông, lâm, thủy sản và thương mại, vận tải, viễn thông cùng mức tăng trưởng khoảng 16%. Nhưng xét theo nhóm nhỏ, thì tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực vận tải và viễn thông là mạnh nhất, với 22,63%.

Xét về tỷ trọng, cho vay đối với các dịch vụ khác chiếm nhiều nhất, với khoảng 37%, tức 2 triệu tỷ đồng. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cũng đáng chú ý với tỷ trọng khoảng 31% (hơn 1,67 triệu tỷ đồng), trong khi dư nợ đối với nhóm nông, lâm, thủy sản là lĩnh vực ưu tiên chú trọng lại chỉ chiếm khoảng 10%, với dư nợ 540.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vẫn chiếm thị phần lớn nhất về cho vay nông nghiệp. Năm vừa qua, ngân hàng này có 70% tổng dư nợ là cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn, trong khi cho vay hộ sản xuất và cá nhân chiếm khoảng 23%. Dư nợ đối với nông nghiệp của Agribank hiện cũng chiếm khoảng 50% tổng dư nợ của toàn ngành đối với lĩnh vực này.

Trong khi đó, ở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho vay sản xuất và gia công chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất, với khoảng 30%. Tiếp đến là thương mại - dịch vụ với 25,6%. Còn cho vay đối với hoạt động xây dựng năm qua khoảng 24.900 tỷ đồng, gấp đôi so với lượng vốn đổ vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, năm 2017, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tín dụng theo hướng kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý, an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Định hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).

Việc nâng gói hỗ trợ từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng là một trong những giải pháp quan trọng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

 

Đó cũng chính là lý do để các nhà băng ngoài khối cổ phần có vốn nhà nước đẩy mạnh vốn cho nông nghiệp thời gian gần đây. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) liên kết với Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn (DCRD), Trung tâm Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa miền Nam (Socencoop) ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện, qua đó triển khai các giải pháp tài chính hỗ trợ mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp khép kín theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng cao.

Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) cũng vừa dành 400 tỷ đồng cho tín dụng nông nghiệp, lãi suất chỉ từ 7,8%/năm. Khách hàng cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, cung cấp vật tư, máy móc và thiết bị đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, hoặc có hoạt động sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank cho biết, định hướng của Ngân hàng là tiếp tục tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, DNVVN, tiểu thương buôn bán, sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng rất quan tâm đến các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, thông qua nguồn vốn tín dụng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại... có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, giúp phát huy thế mạnh của vùng.

Chỉ thị đầu năm của NHNN: Tiếp tục cảnh báo tín dụng bất động sản, giao thông
Trong Chỉ thị đầu tiên của năm 2017, Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại thường xuyên rà soát, đánh giá việc cho vay đối với các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư