Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 23 tháng 08 năm 2024,
Nâng cao việc chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công
Huệ Nguyễn - 23/08/2024 17:57
 
Hội Luật gia Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo “Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công”, nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực.

Ngày 23/8, tại trụ sở Hội Luật gia Việt Nam diễn ra Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công”, dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và TS. Trần Công Phàn, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký.

Hội thảo này nằm trong chuỗi sự kiện, chương trình phối hợp công tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường về xây dựng chính sách, nghiên cứu khoa học pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

Đặc biệt, Hội thảo diễn ra trong bối cảnh triển khai khung chính sách pháp lý mới về đất đai và nhu cầu thực tiễn cần rà soát, tăng cường các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai, chống lãng phí, thất thoát và vi phạm trong sử dụng đất công.

Từ đó, Hội thảo tập trung nghiên cứu, làm rõ chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất công trong Luật Đất đai 2024 và các văn bản pháp luật liên quan; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công; làm rõ những vướng mắc, bất cập và đề xuất các giải pháp tháo gỡ góp phần giúp các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ cơ sở để tham khảo, thực thi chính sách, pháp luật.

Kỳ vọng vào nhiều chính sách của Luật Đất đai 2024

Theo ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ quan, người có thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai.

Một trong những điểm mới là Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về hành vi bị nghiêm cấm. Đối với cơ quan, người có thẩm quyền, ngoài nghiêm cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai, không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác... thì đã bổ sung nghiêm cấm đối với các hành vi: không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật; không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

Đặc biệt, Luật Đất đai 2024 còn làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai; phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; trách nhiệm và những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất…

Ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đánh giá, Luật Đất đai năm 2024 cũng được kỳ vọng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Sỹ, có nhiều nguyên nhân đẫn đến cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước những năm gần đây diễn ra chậm, nhưng chủ yếu đến từ những khó khăn trong xác định giá trị quyền sử dụng đất.

Điển hình như việc phân định thành các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất; giao đất không thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất trả tiền một lần và cho thuê đất trả tiền hằng năm, sau đó quy định việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khác nhau đối với các trường hợp nói trên khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là rất phức tạp, khó khả thi. Đặc biệt là các trường hợp phải xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp.

Một vướng mắc rất lớn khác, đó là khi doanh nghiệp cổ phần hóa phải xây dựng phương án sử dụng đất và phê duyệt phương án sử dụng đất mà giá trị quyền sử dụng đất phải tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa chậm hoặc không cổ phần hóa được đều do bị tắc ở khâu phê duyệt phương án sử dụng đất. Chưa kể, nhiều quy định chưa thực sự rõ ràng, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà, kéo dài quá trình cổ phần hóa.

“Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung cơ chế xác định giá trị quyền sử dụng đất - cơ chế được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa”, ông Sỹ đánh giá.

Tuy nhiên, ông Sỹ cũng cho rằng, các quy định hiện hành về xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp vãn còn bất cập, vướng mắc, nhiều quy định trong các nghị định chưa thực sự rõ ràng. Do đó, để thúc đẩy quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước nhanh hơn, hiệu quả hơn thì cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; thậm chí có thể cả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Vi phạm trong quản lý đất công thường do người có chức vụ quyền hạn, trình độ

Trình bày quan điểm về vấn đề trên, GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Hội Luật gia Việt Nam; Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá, nội hàm về đất công giữa Luật Đất đai năm 2024 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 vẫn còn một số điểm vướng mắc cần nhận diện, khắc phục.

Theo ông Hạnh, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có đến 112 lần dùng đến khái niệm “đất”; trong khi đó Luật Đất đai năm 2024 chỉ có 20 lần đề cập đến “tài sản công”. Như vậy, việc quản lý, tài sản công hàm chứa nhiều khía cạnh liên quan đến đất đai hơn.

GS. TS. Lê Hồng Hạnh trình bày tham luận.

Vậy cần xác định nội hàm đất công là gì? Theo ông Hạnh, đất công trong một số trường hợp là đất; ví dụ đất chưa khai thác ở một vùng nào đó và đưa vào quỹ đất chẳng hạn thì đó là đất công đúng nghĩa. Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp là quyền sử dụng đất, vì tài sản đã trao cho các pháp nhân công lập, khi đó pháp nhân sẽ có quyền định đoạt.

Dẫn chứng về việc phát sinh nhiều khó khăn vướng mắc và tồn tại, vi phạm trong việc thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước, Ths. Khổng Vũ Hà cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng đất công còn nhiều kẽ hở được cơ quan chức năng phát hiện, dẫn đến nguy cơ ngân sách Nhà nước chịu tổn thất nặng nề, thất thu hàng nghìn tỷ đồng.

Đơn cử như tại khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 phố Hai Bà Trưng, quận 1, TP. HCM, được sắp xếp giao cho Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao với điều kiện không được thành lập pháp nhân mới.

Tuy nhiên, Sabeco vẫn thực hiện liên doanh, liên kết và thành lập Công ty Sabeco Pearl rồi chuyển quyền sử dụng đất sang công ty này và thực hiện thoái 100% vốn, khiến lô đất này hiện nay thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh.

Một trường hợp khác là lô đất 30.927,7 m2 của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) tại số 152 Trần Phú, phường 4, quận 5, TP. HCM. Theo đó, sau khi được giao thực hiện dự án Cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ, Vinataba đã góp vốn bằng lô đất trên khi liên danh cùng Công ty TNHH Đô Thành Việt và Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Căn nhà mơ ước (DRH Holdings), lập ra Công ty TNHH Vina Alliance (Vina Alliance).

Đến năm 2017, Vinataba thoái vốn tại Vina Alliance và chuyển vốn góp của mình sang cho Công ty TNHH Sơn Đông. Từ thời điểm này, khu đất tại số 152 Trần Phú chính thức đổi chủ sang doanh nghiệp tư nhân khác.

Cũng theo bà Hà, kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2022 đã xác định, Vinataba đã vi phạm quy định về quản lý tài sản, làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng đất không xin phép Thủ tướng, không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Đến nay, lô đất này gặp nhiều vướng mắc pháp lý, chưa thể thu hồi được.

Thạc sỹ Võ Văn Tài, Trưởng khoa Kiểm sát Hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP. HCM.

Trình bày quan điểm pháp lý về các vấn đề trên, Thạc sỹ Võ Văn Tài, Trưởng khoa Kiểm sát Hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP. HCM cho hay, thời gian qua đã có nhiều vi phạm trong việc cổ phần hóa, thoái vốn đã bị xử lý. Điển hình là vụ án liên quan khu đất số 8 - 12 đường Lê Duẩn, TP. HCM, có tổng diện tích hơn 4.800 m2.

Theo đó, quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại, cựu Phó chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Tài đã ký nhiều văn bản cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn; giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định, không qua đấu giá quyền sử dụng đất, dẫn đến đất của Nhà nước chuyển sang tư nhân sở hữu, gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước hơn 1.927 tỷ đồng.

Ông Tài đánh giá, một trong những khó khăn trong việc xử lý sai phạm liên quan đến đất công là định giá đất công. Có quan điểm cho rằng giá đất phải tính tại thời điểm cán bộ, doanh nghiệp thực hiện hành vi phạm, để làm căn cứ yêu cầu cầu bồi thường, thu hồi tài sản thất thoát. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng giá ở thời điểm thực hiện hành vi chỉ để tham khảo, mà phải tính theo giá đất tại thời điểm thanh tra, khởi tố, điều tra thì mới tính hết thiệt hại của Nhà nước do hành vi phạm tội gây ra. Chưa kể, việc xác đinh giá trị đất rất quan trọng trong việc xác định trách nhiệm của người thực hiện hành vi vi phạm.

Thêm vào đó, việc phân tích, làm rõ hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai có phải là tội phạm hay không là việc làm rất khó khăn. Người thực hiện hành vi vi phạm thường có trình độ chuyên môn cao, có chức vụ, quyền hạn, nên đa số họ biết vận dụng các quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai và tình hình thực tiễn của địa phương để lý giải về sự hợp lý của quyết định, hành vi mà họ đã thực hiện.

Để khắc phục những bất cập này, theo ông Tài, việc phân tích, làm rõ những dấu hiệu pháp lý hình sự của tội phạm liên quan lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai là rất cần thiết, giúp cho quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, không làm oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Bịt “lỗ hổng” đấu giá tài sản công
Ô tô công, đất công được đấu giá cả gói, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, đó đều là “lỗ hổng” trong đấu giá tài sản công cần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư