Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nâng hạng thị trường chứng khoán: Ủy ban sốt ruột, doanh nghiệp thờ ơ
 
Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), cần thêm 2 năm nữa để vượt qua các vướng mắc, khó khăn nhằm hoàn tất nỗ lực nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Ngay cả khi thành công trong lên hạng, vẫn còn một vấn đề khác rất đáng quan tâm.
Nếu không có sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp trong sẵn sàng công bố thông tin bằng tiếng Anh thì nỗ lực nâng hạng sẽ khó thành công
Nếu không có sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp trong sẵn sàng công bố thông tin bằng tiếng Anh thì nỗ lực nâng hạng sẽ khó thành công

Gần 2 năm trôi qua kể từ khi UBCK khởi tạo các giải pháp nâng hạng thị trường, đến thời điểm này, nhiều tiêu chuẩn mà Công ty Morgan Stanley Capital International (MSCI) đưa ra, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng được như: quy mô, thanh khoản… Tuy nhiên, hiện còn khá nhiều tiêu chí Việt Nam đang gặp khó khăn như: mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, bán khống...

Thực tế cho thấy, trong khi các tiêu chí nằm trong tầm với của UBCK hiện đã tiến hành các bước cải cách, nên phần nhiều đáp ứng được đòi hỏi của MSCI, thì những tiêu chí chưa thỏa mãn lại đang vượt quá thẩm quyền quyết định của cơ quan này. Đơn cử như vấn đề mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, để đáp ứng yêu cầu của MSCI, đòi hỏi sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước.

Các thành viên thị trường kỳ vọng vấn đề này sẽ sớm có hướng ra, khi mới đây phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập ngành chứng khoán, trong số 6 nhóm giải pháp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Tài chính, UBCK tập trung triển khai trong thời gian tới, có yêu cầu phát triển thị trường chứng khoán phải gắn kết với phát triển thị trường tiền tệ; tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thị thị trường chứng khoán Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, đạt mục tiêu và lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam ngay trong 2 năm tới...

Để chỉ đạo trên của Thủ tướng được triển khai khẩn trương và đạt hiệu quả cao, có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy phát triển thị trường vốn, do Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực tài chính, ngân hàng đứng đầu, nhất là trong bối cảnh các nỗ lực tái cấu trúc thị trường tiền tệ và thị trường tài chính đang được thúc đẩy nhưng thiếu sự phối hợp.

Ban chỉ đạo này không chỉ tháo gỡ các khó khăn trong đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường, mà quan trọng là phân vai hợp lý hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường cổ phiếu, trái phiếu. Từ đó định hình các cơ chế mới để dịch chuyển chức năng huy động và tài trợ vốn trung và dài hạn sang vai thị trường chứng khoán như đúng chức năng, tính chất hoạt động của thị trường này, tránh tình trạng cả nguồn vốn dài và ngắn hạn đều phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng như hiện tại, gây nên những rủi ro cho chính ngành ngân hàng lẫn nền kinh tế, mà hệ quả nợ xấu đang khó xử lý là một minh chứng.

Thực ra chúng ta có thể không cần đến 2 năm để nâng hạng thành công, nhưng nếu không thực thi các bước cải cách thực chất và đi vào chiều sâu, sau khi nâng hạng thành công sẽ khó duy trì được hạng.

Nguồn cung hàng hóa trên thị trường chứng khoán đang tăng nhanh do số lượng các tập đoàn, tổng công ty đưa cổ phiếu lên sàn tăng mạnh, cộng với nhu cầu huy động vốn cho ngân sách để chi cho đầu tư phát triển ngày một tăng, trong khi sức cầu trong nước có hạn, nên yêu cầu cấp bách đang đặt ra là phải có các cơ chế và cách làm mới đủ thông thoáng và hấp dẫn trong thu hút dòng vốn ngoại.

Một khó khăn khác đang khiến Việt Nam khó đáp ứng tiêu chí nâng thị trường lên hạng mới nổi là chưa đảm bảo quyền công bằng, thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin về thị trường, doanh nghiệp, khi các công ty niêm yết chưa sẵn sàng công bố thông tin bằng tiếng Anh.

UBCK từng có ý định áp đặt quy định này buộc doanh nghiệp phải tuân thủ, nhưng các doanh nghiệp chưa đủ quyết tâm thực hiện, nên ý định này đã tạm lui lại.

Theo lãnh đạo UBCK, nếu không có sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp trong sẵn sàng công bố thông tin bằng tiếng Anh thì nỗ lực nâng hạng sẽ khó thành công. Bản thân các doanh nghiệp cần sớm thay đổi nhận thức và sẵn sàng minh bạch thông tin bằng tiếng Anh, vì chính cơ hội phát triển mới của họ, không nên coi đây là nghĩa vụ nặng nề.

“Thực ra chúng ta có thể không cần đến 2 năm để nâng hạng thành công, nhưng nếu không thực thi các bước cải cách thực chất và đi vào chiều sâu, sau khi nâng hạng thành công sẽ khó duy trì được hạng. Không giữ được hạng còn đáng ngại hơn so với khi chưa lên hạng. Do đó, điều quan trọng lúc này là các doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý cần tích cực thực thi các bước đổi mới sâu rộng và đảm bảo kết quả đạt được là bền vững, khi đó lên hạng mới có ý nghĩa lớn”, lãnh đạo UBCK chia sẻ.

Doanh nghiệp "khó" công bố thông tin bằng tiếng Anh, vì sao?
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã ban hành Quyết định số 340 về Quy chế công bố thông tin tại HOSE, thay thế cho Quyết định số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư