Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Nâng tầm thương hiệu quốc gia qua các sự kiện văn hóa
Thế Hải thực hiện - 25/03/2024 07:18
 
“Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa cho một quốc gia không chỉ dựa vào nội lực, mà trong thời đại toàn cầu hóa, cần phải dựa vào yếu tố bên ngoài làm đòn bẩy để nâng tầm thương hiệu quốc gia thông qua các sự kiện văn hóa”. Chuyên gia thương hiệu Trần Tuệ Tri chia sẻ sau khi trở về từ Singapore, thưởng thức “bữa tiệc” âm nhạc của Taylor Swift.
Bà Trần Tuệ Tri, chuyên gia thương hiệu trao đổi về nâng tầm thương hiệu quốc gia qua các sự kiện văn hóa
Bà Trần Tuệ Tri, chuyên gia thương hiệu trao đổi về nâng tầm thương hiệu quốc gia qua các sự kiện văn hóa

Bà đã từng đi xem show diễn nào của Taylor Swift chưa? Tại sao lại là Taylor Swift mà không phải một gương mặt giải trí nào khác?

Tôi không phải là fan của Taylor Swift, nhưng đã đi xem vài show của cô ấy. Tôi nghe nhạc của Taylor Swift vì con gái tôi từng có thời gian rất mê. Tôi đã xem cô ấy diễn ở 2 show trước đó khi còn sinh sống tại Singapore và đây là lần thứ 3.  Đi xem về, cảm giác của tôi là thật sự ngưỡng mộ. Tôi muốn chia sẻ góc nhìn của mình về cách làm văn hóa, đưa thương hiệu quốc gia đi lên theo cách thế giới đang làm.

Và bà muốn kể lại điều gì sau concert đầu tiên của Taylor Swift tại Singapore kết thúc?

Nếu nói về thương hiệu cá nhân, thì Taylor Swift đã làm được một câu chuyện thương hiệu cực kỳ đặc biệt. Qua đó, có thể học được rất nhiều cho chính bản thân mình và giới làm nghệ thuật ở Việt Nam.

Tại sao tôi nói như vậy, vì Taylor Swift đã xây dựng được một thương hiệu rất chân thật. Ai đã từng nghe nhạc của cô ấy sẽ thấy không có gì là cao siêu, khi cô kể chuyện hàng ngày, từ thành công đến thất bại, có người yêu rồi chia tay. Rất đời thường và chân thật.

Trong toàn chương trình kéo dài 4 tiếng 15 phút, ngoài 1 khách mời, Taylor Swift đã biểu diễn 3 tiếng 15 phút với 44 bài liên tục.

Thú thực, tôi chưa từng xem một show nào mà dài như vậy. Nể hơn là giọng không hề bị xuống, âm thanh tuyệt đỉnh. Vừa hát hay, vừa nhảy điêu luyện, duy trì được độ nóng; vừa đàn piano, ghita, thể hiện được tài năng tổng lực, thì đó là chất lượng đỉnh cao đã làm nên thương hiệu Taylor Swift.

Cô ấy đã khẳng định được vị trí của mình, lý giải cho câu chuyện vì sao “ẵm” tới 13 giải Grammy và trở thành tỷ phú.

Yếu tố nữa rất quan trọng mà tôi nhận thấy là, Taylor Swift đã chứng minh cho mọi người rằng, một ca sỹ có thể làm giàu bằng việc tập trung vào âm nhạc. Cô ấy là một trong số ít ca sỹ kiếm tiền thuần tuý từ viết nhạc, biểu diễn, bán đĩa nhạc, chứ không phải từ các nhãn hàng tài trợ.

Và Taylor Swift đã xây dựng được thương hiệu cá nhân với giá trị cực lớn, theo hướng tập trung, nhất quán nhiều năm nay, đi từ thành công này đến thành công khác.

Từ việc xây dựng thành công thương hiệu cá nhân của một nghệ sỹ ở phạm vi toàn cầu, bà muốn nói điều gì tới việc xây dựng thương hiệu quốc gia của Việt Nam?

Việc xây dựng thương hiệu cá nhân của Taylor Swift thực sự là một bài học lớn.

Taylor Swift đã tạo được đòn bẩy cho ngành công nghiệp giải trí hay ngành công nghiệp văn hóa của Mỹ, ước tính giá trị mà cô ấy đem lại là 5,7 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ sau tour lưu diễn Eras.

Tôi nghĩ, cần phải nhìn thấy giá trị kinh tế và tiếng vang cho thương hiệu của một đất nước. Điều tôi muốn nhấn mạnh, một đất nước không phải là nơi Taylor Swift sinh ra, nhưng nếu biết cách tận dụng thương hiệu cá nhân của cô ấy, hoàn toàn có thể xây dựng, củng cố thương hiệu cho quốc gia, đó chính là bài học của Singapore.

Nghĩa là, tìm một thương hiệu cá nhân mà cùng định vị giống với hướng đi của đất nước mình để cộng hưởng sức mạnh về thương hiệu. Nhìn ở góc độ này, rõ ràng, Singapore đã rất chủ động và thành công. Đưa Taylor Swift đến Singapore biểu diễn 6 đêm đã giúp tên tuổi của quốc đảo này nổi như cồn trên truyền thông thế giới, với giá trị kinh tế thu về ước gần nửa tỷ USD.

Singapore nhận thấy Taylor Swift là hình tượng của văn hóa thế giới, nên họ đã chủ động mời bằng được. Khi Singapore hướng tới là một điểm đến về văn hóa của châu Á và thế giới, thì họ phải có những sự kiện với chủ thể như vậy để sớm nâng tầm quốc gia mình lên thông qua các sự kiện văn hoá giải trí tầm cỡ. Không  nhất thiết là cứ phải tìm tài năng trong quốc gia của họ.

Bởi thế, nếu nói xây dựng thương hiệu quốc gia cho Việt Nam, chúng ta không chỉ lấy nội lực, mà hoàn toàn có thể vận dụng ngoại lực để kéo mình đi lên. Đây là ý tưởng cực kỳ quan trọng mà tôi muốn chia sẻ.

Lấy thêm ví dụ về giáo dục, Singapore kết nối với các trường đại học hàng đầu của Mỹ để mở chi nhánh hoặc liên kết với các trường của Singapore. Làm được điều này giúp nâng tầm giáo dục của quốc gia này lên một đẳng cấp khác.

Một quốc gia hoàn toàn có thể kết nối các động lực bên ngoài, quan trọng là mình phải nắm bắt được xu hướng của nhịp thở thế giới để chọn đối tác có cùng thông điệp, cùng phối kết hợp.

Bà có tin Việt Nam sẽ làm được theo cách này và làm hiệu quả?

Tôi tin Việt Nam sẽ làm được. Chúng ta cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt, biết mình cần gì và nhận thấy xu hướng của thế giới để tìm những gương mặt đại diện, sản phẩm dịch vụ để cộng hưởng.

Tôi muốn nhấn mạnh, công nghệ sáng tạo, công nghệ văn hóa đóng vai trò cực lớn trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia, mình phải rất chủ động và tập trung.

Cần làm thống nhất, chuyên nghiệp để phát triển công nghiệp giải trí của Việt Nam. Chúng ta phải xây dựng được tài năng có chất lượng thật sự, mang tính biểu tượng của Việt Nam và đầu tư xứng tầm, chứ không dựa vào mạng xã hội để đi lên.

Khi mình mời những nhân vật tầm cỡ, có nghĩa đã mang thế giới về Việt Nam, thì sẽ tạo sự cạnh tranh từ chính trong nước. Thêm nữa, các ca sỹ, người làm nghệ thuật trong nước cũng phải đi ra bên ngoài, tạo ra cạnh tranh để nâng tầm.

Ngoài ra, tôi cũng muốn nói thêm, sự kiện Taylor Swift mà Singapore tổ chức, khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Thái Lan… đứng ngồi không yên. Nhưng phải hiểu, để giành được cơ hội này, Singapore đã rất nhanh nhạy. Ngay từ tháng 3 năm ngoái, họ thấy Taylor Swift biểu diễn thành công ở Mỹ, thế là họ tìm cách tiếp xúc để mời về, với hợp đồng rất chặt chẽ như không được nhận lời biểu diễn ở quốc gia Đông Nam Á nào khác, ngoài họ.

Muốn làm được như Singapore, chúng ta cần có đội ngũ tư vấn giỏi về xu hướng văn hóa thế giới, nắm bắt kịp thời các sự kiện và chớp thời cơ, nếu không đối thủ khác sẽ giành mất.

Chuyến lưu diễn của Taylor Swiff tại Singapore đem lại lợi nhuận lớn cho nước này
Chuyến lưu diễn của Taylor Swiff tại Singapore đem lại lợi nhuận lớn cho nước này

 

Theo bà, Việt Nam có thể copy mô hình mà Singapore đang làm hay không?

Hoàn toàn làm được và rất nên. Ví dụ, chúng ta xác định một vài sự kiện hay lĩnh vực nào đó mà mình coi là mũi nhọn, muốn cạnh tranh với thế giới, mình chủ động tìm hiểu, đàm phán để mang về Việt Nam.

Đơn cử, Việt Nam đang muốn trở thành một quốc gia phát triển về công nghệ, thì nên tìm hiểu có những sự kiện lớn trên toàn cầu về công nghệ để đưa về tổ chức tại Việt Nam.

Chẳng hạn, Mỹ có Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES) hàng năm, là nơi các công ty công nghệ toàn cầu mang đến ý tưởng cũng như sản phẩm mới nhất, báo hiệu những xu hướng công nghệ của năm.Hay Tuần lễ Sáng tạo và Công nghệ Singapore - Singapore Week of Innovation & Technology (SWITCH) giúp nước này là điểm đến của nhiều ông lớn toàn cầu về công nghệ.

Tôi cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được mô hình như vậy. Dĩ nhiên, cần đội ngũ quản lý thạo nghề để thực hiện. Có thể tìm đối tác trong lĩnh vực này kết giao để họ giúp ta đưa về Việt Nam, đồng hành cùng tổ chức ở quy mô lớn, chuyên nghiệp.

Có nghĩa, chúng ta sẽ chọn ra một vài mũi nhọn để tập trung. Nếu nói về công nghệ văn hóa thì không chỉ là khôi phục văn hóa bên trong, mà bắt buộc phải có sự du nhập văn hóa từ bên ngoài. Khi họ vào sẽ giúp chúng ta học hỏi được rất nhiều điều, nhất là bối cảnh thế giới phẳng như hiện nay.

Tôi khẳng định lại một lần nữa, Việt Nam có đủ điều kiện tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Lấy thí dụ, Chương trình Xuân quê hương 2024 ở TP.HCM, tôi thấy rất hay, chất lượng tuyệt vời, ánh sáng, âm thanh tốt, sản xuất không thua gì nước ngoài. Đây có thể coi là show đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Sự kiện mời ban nhạc BlackPink đến Hà Nội hồi năm ngoái, bà thấy có thành công không và thành công ở mức nào?

Đó là thành công bước đầu khi chúng ta gửi được thông điệp cho thế giới là, Việt Nam có thể làm được chủ nhà những show quốc tế ngay sau đại dịch. Tín hiệu lớn đã được đưa ra.

Tôi được biết, lợi ích của việc mời ban nhạc BlackPink mang về cho Hà Nội khoảng 630 tỷ đồng, góp phần đưa tên tuổi Việt Nam ra thế giới cực kỳ hiệu quả. Dù vậy, để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, ngoài kế hoạch dài hạn, còn rất cần đầu tư hạ tầng. Nếu không có nhà hát với âm thanh, ánh sáng hiện đại nhất, sân vận động đủ tiêu chuẩn… thì có muốn tổ chức những sự kiện lớn cũng không được.

Hiện ở Việt Nam, những thiết chế văn hóa này rất thiếu.

Hơn 1 năm nữa là kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mong muốn của bà là sẽ có hoạt động văn hóa gì để lan tỏa sự kiện này?

Tôi mong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, chúng ta sẽ có một chương trình lớn, không chỉ là kỷ niệm, mà là kích cầu văn hóa, giống như cách Singapore làm.

TP.HCM hãy tạo ra hiệu ứng để mọi người tự hào, không phải chỉ một ngày 30/4, mà là 365 ngày và hơn thế nữa, đem lại lợi ích kinh tế. Cần có một chương trình trong cả năm về hoạt động giải trí mang tầm quốc tế để khách du lịch nước ngoài được biết. Rất mong TP.HCM có kế hoạch dài hơi và chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Hai năm trước, Dubai tổ chức sự kiện Expo Dubai 2020, ngay cả trong đại dịch Covid-19, khách vẫn đến khá đông và họ làm trong 3 tháng liên tục. TP.HCM muốn định vị là thành phố du lịch thì phải có hoạt động giải trí tầm cỡ.

Người châu Á ồ ạt mở thẻ ngân hàng tại Singapore để mua vé xem Taylor Swift
Người hâm mộ khắp châu Á, trong đó có Việt Nam, đang đổ xô đi đăng ký thẻ tín dụng tại Singapore, với mong muốn sớm mua được vé cho buổi hòa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư