Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Nên cho doanh nghiệp tư nhân được hành nghề công chứng
Nguyễn Lê - 01/04/2024 14:56
 
Việc không cho phép thành lập văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân đã hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề đối với công chứng viên.
.
Toàn cảnh phiên họp sáng 1/4.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) mô hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh như Luật hiện hành.

Sáng 1/4, tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Dự thảo gồm 10 chương, 79 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Ông Long nêu một số điểm mới như quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi. Đồng thời để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng thì dự thảo Luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Dự thảo cũng quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo), theo đó những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của Luật hiện hành thì phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng; bổ sung một số đối tượng được tham dự khoá đào tạo nghề công chứng 6 tháng như: Chấp hành viên trung cấp, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp…

Về mô hình văn phòng công chứng, kế thừa quy định của Luật hiện hành, khoản 1 Điều 21 của dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc không cho phép thành lập Văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân đã hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề đối với công chứng viên vì những bất cập của mô hình doanh nghiệp tư nhân do phụ thuộc vào một công chứng viên duy nhất đã được giải quyết khi Luật hiện hành và Dự thảo Luật đều quy định cho phép Văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, tạo hành lang pháp lý để Văn phòng công chứng dễ dàng tăng, giảm số lượng công chứng viên phù hợp với nhu cầu, giúp Văn phòng công chứng vận hành ổn định, bền vững.

Hơn nữa, để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì loại hình Văn phòng công chứng có quy mô nhỏ do một công chứng viên làm chủ là rất phù hợp.

Do đó, các ý kiến này đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật mô hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh như Luật hiện hành.

Loại ý kiến thứ hai tán thành kế thừa quy định về Văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh như dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng không chỉ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà còn là hoạt động bổ trợ tư pháp, công chứng viên là người phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện. Loại hình doanh nghiệp tư nhân hành nghề công chứng có những điểm không phù hợp do khi xảy ra tình huống công chứng viên duy nhất chết hoặc vì lý do sức khoẻ hoặc lý do cá nhân không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Ngô Trung Thành cho biết.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tán thành việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong Dự thảo Luật nhằm bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Đồng thời cho rằng, công chứng điện tử là sự thay đổi về phương thức thực hiện công chứng chứ không được làm thay đổi bản chất và đặc điểm của mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung, hoạt động công chứng phải bảo đảm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Theo đó, khi giao dịch dân sự được thực hiện trên môi trường điện tử, quy trình công chứng cũng cần được điều chỉnh để bảo đảm các yếu tố cốt lõi trong hoạt động công chứng nội dung, bao gồm: (1) Bảo đảm tính xác thực về nhân thân: Đúng chủ thể tham gia giao dịch; (2) Bảo đảm tính xác thực về ý chí: Đủ năng lực hành vi dân sự, tự nguyện, không bị ép buộc; (3) Bảo đảm ý chí được thể hiện đúng và đầy đủ: Nội dung giao dịch, chữ ký, điểm chỉ xác nhận; (4) Bảo đảm giấy tờ, tài liệu công chứng được đối soát chính xác, đầy đủ; (5) Bảo đảm tính xác thực về thời gian, địa điểm tiến hành giao dịch; (6) Bảo đảm nội dung của giao dịch là hợp pháp. Đồng thời, văn bản công chứng điện tử còn phải đáp ứng yêu cầu thứ (7) là: Bảo đảm tính toàn vẹn và giá trị của chứng cứ trên môi trường điện tử.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư