Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Nếu coi M&A là chiếu bạc, hãy dùng tiền vào việc khác
Vũ - Thanh - Lê - 12/08/2013 06:41
 
Trong phần lớn giao dịch thành công, công ty thâu tóm thường có những ý tưởng tạo ra giá trị cụ thể và rõ ràng, chứ không phải là những chiến lược mơ hồ như đi đánh bạc.

Tại Diễn đàn M&A 2013 do Báo Đầu tư tổ chức tuần qua tại TP.HCM, ông Volker Becker, Giám đốc dự án Ngân hàng đầu tư của Viet Capital Securities (VCS) cho hay, có 60 - 90% thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) thất bại.

Con số này khiến không ít lãnh đạo doanh nghiệp có ý định M&A lo ngại. Vậy làm thế nào để thoát khỏi nỗi ám ảnh thất bại?

Rất nhiều kinh nghiệm về mua bán, sáp nhập được chia sẻ tại
Diễn đàn M&A Việt Nam 2013

Chủ động lựa chọn

Trong lần trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cho hay, thương vụ M&A lần thứ nhất của Công ty là bên mua tự tìm đến với Mekong Capital với điểm đặc biệt là, tại thời điểm đó, Công ty chỉ có 4 cửa hàng và doanh số bán còn ở mức khiêm tốn, nhưng bên mua đã tự tìm đến ngỏ ý muốn rót vốn.

“Khi nói chuyện với những người thực hiện thương vụ này của Công ty với Mekong Capital, tôi mới được biết rằng, trước khi tìm đến với chúng tôi, các nhà môi giới của Mekong Capital đã tiếp xúc với cả trăm người có quan hệ làm ăn và biết về Thế Giới Di Động. Vì vậy, khi ngồi đàm phán, gần như họ hiểu chúng tôi đến từng chân tơ kẽ tóc”, ông Tài nói.

Cần phải nhắc lại là, do cần tiền để nhanh chóng đầu tư mở rộng quy mô, nên khi tiến hành M&A với Mekong Capital, chính ông Tài là người chủ động đưa ra các yêu cầu. Điều ông kỳ vọng vào Quỹ đầu tư này chính là việc họ rót vốn, còn các yếu tố khác mà họ hứa hẹn với ông được xem là không quá quan trọng.

“Họ nói rất nhiều về các giá trị cộng hưởng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tôi chỉ yêu cầu họ rót tiền để tôi mở rộng hệ thống và nâng tỷ suất sinh lời cho đồng vốn của họ. Tôi chỉ yêu cầu chừng đó và cũng không kỳ vọng gì nhiều hơn”, ông Tài nói.

Trường hợp khác về chủ động lựa chọn là câu chuyện của Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương. Năm 2003, công ty này được thành lập với số vốn ban đầu 32 tỷ đồng, với mục tiêu là chế biến thủy sản và đến năm 2013 đã thực hiện hàng loạt vụ mua lại như: thâu tóm Hùng Vương miền Tây, Công ty Thủy sản An Giang (AGF) và Việt Thắng để nâng số vốn đầu tư lên đến 792 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, Hùng Vương còn thực hiện hàng loạt thương vụ M&A khác để hoàn thiện quy trình hoạt động theo chuỗi giá trị, từ nuôi trồng, chế biến và phân phối thủy sản, nhắm đến mực tiêu trở thành công ty hàng đầu về lĩnh vực này. Hiện Hùng Vương sở hữu 90% tại Công ty Châu Á, 80% tại Công ty Châu Âu, 60% tại Mastaco...

Theo ông Volker Becker, Giám đốc dự án Ngân hàng đầu tư của Viet Capital Securities (VCS), đây là một trong những trường hợp điển hình trong việc chủ động lựa chọn M&A như chiến lược để tăng trưởng cả về quy mô và chuỗi giá trị.

Nhìn thấy con đường

Trong các thương vụ M&A, thiếu thông tin là khó khăn lớn nhất, cản trở bên bán, bên mua đi đến thống nhất.

Là chuyên gia có nhiều năm tư vấn các thương vụ M&A cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, ông Mastasaka “Sam” Yosida, Giám đốc Đầu tư của Công ty Recof cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam thường cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc sai lệnh, nên ngay từ những bước đầu đã dẫn các bên đến với nhau theo một con đường sai lầm, từ đó dẫn đến những rắc rối, đổ vỡ về sau.

“Ngay từ khi công ty còn khó khăn, tôi đã tìm đến với KPMG để nhờ họ kiểm toán và chỉ ra những sai lầm của mình. Việc đó giúp cho quá trình M&A lần thứ nhất với VinaCapital và Deutchse Bank nhanh chóng hoàn thành, vì không phải mất nhiều thời gian soát xét”, ông Nguyễn Hữu Tùng, nhà sáng lập Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam nghĩ một đằng, nói một nẻo. Đó chính là lý do mà đến hôm nay, ông vẫn thất bại trong việc đi mua lại các doanh nghiệp trong ngành viễn thông và công nghệ.

“Tôi chưa thành công trong bất kỳ thương vụ mua lại nào, cho dù rất muốn thực hiện điều đó”, ông Tài chia sẻ thêm.

Với ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Minh, thì bí quyết thành công của ông trong việc mua lại hệ thống Victoria Hotel là do ông nhìn thấy con đường phía trước.

“Với thương vụ đó, Thiên Minh sẽ sớm trở thành công ty dẫn đầu trong phân khúc khách sạn 4 sao tại Việt Nam”, ông Kiên nói và cho biết thêm, mỗi năm Thiên Minh thực hiện 7-8 thương vụ M&A, với quy mô giá trị từ vài chục ngàn đến vài chục triệu USD.

Nói về các thương vụ trong lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Hữu Tùng, cho biết, nhu cầu thì rất lớn, nhưng kết quả các giao dịch lại không cao. “Phần lớn những người chủ không chuẩn bị tâm thế để chuyển giao đứa con của mình cho người khác nuôi nấng, cho dù khi giữ lại đứa con đó, họ cũng không thể dạy nó thành người”, ông Tùng phân tích.

Xét từ góc độ của chuyên gia tư vấn, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, để quá trình M&A diễn ra nhanh chóng và thuận lợi, các doanh nghiệp nên chủ động minh bạch hóa thông tin, xác định mục tiêu một cách rõ ràng.

Trâu đi tìm cọc, hay cọc đi tìm trâu?

Dân gian thường có câu “trâu đi tìm cọc” để ví von khi nói về sự chủ động của phái mạnh với phái yếu trong quan hệ hôn nhân. Nếu ví bên mua là phái mạnh và bên bán là phái yếu, thì vấn đề đặt ra ở đây là ai tìm ai?

Theo ông Tài, các quỹ đầu tư luôn săn đón các doanh nghiệp. “Trong giới tài chính có rất nhiều nhà môi giới chuyên nghiệp. Họ giống như các chàng trai đang tìm kiếm cô gái để cưới làm vợ. Nếu bạn là một cô gái xinh đẹp, thông minh và giỏi giang, thì nhất định họ sẽ tìm đến bạn. Trường hợp Thế Giới Di Động đúng là như vậy”, ông Tài chia sẻ.

Liên quan vấn đề này, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, các doanh nghiệp có mục tiêu rõ ràng và phương án kinh doanh khả thi sẽ là hấp lực đối với các nhà đầu tư. Nếu công ty bạn có định hướng đúng, tài chính rõ ràng và quản trị tốt, thì chắc chắn rất nhiều nhà đầu tư sẽ tìm đến, nên bạn cũng không phải nhọc công để tìm kiếm các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, thì sự thụ động ngồi chờ liệu có đem lại kết quả?

“Chẳng ai muốn mua lại một doanh nghiệp yếu kém, không có tương lai. Việc này cũng giống như chẳng có chàng trai nào dám lấy một cô gái hư để làm vợ cả”, ông Tài nhận định.

Như vậy, có thể nói, việc chủ động hay không còn tùy thuộc vào tình hình doanh nghiệp, nhưng điều chắc chắn là, nếu coi M&A chỉ là chiếu bạc thì bạn nên dùng tiền vào chỗ khác.

Lý do là, trong phần lớn giao dịch thành công, công ty thâu tóm thường có những ý tưởng tạo ra giá trị cụ thể và rõ ràng, chứ không phải là những chiến lược mơ hồ.

Thị trường M&A hối thúc hoàn thiện khung pháp lý
Thảo luận tại Diễn đàn M&A 2013 diễn ra sáng nay, 8/8 tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng, hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư