Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 01 năm 2025,
Ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn hoành hành
D.Ngân - 11/03/2021 17:24
 
An toàn thực phẩm vẫn luôn là vấn đề nóng nhận được nhiều quan tâm của dư luận hiện nay, đòi hỏi cơ quan quản lý phải quyết liệt thực hiện.

Nêu ra các nguy cơ liên quan tới việc bảo đảm an toàn thực phẩm thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thừa nhận, còn rất nhiều điều đáng lo.

Caption ảnh

Theo đó, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư vẫn khó khăn; tỉ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm vi sinh vật vẫn còn tồn tại.

Qua báo cáo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy giữa năm 2020 cơ quan này đã kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm 19 cơ sở giết mổ và 19 cơ sở kinh doanh thịt lợn, thịt gà tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, TP. HCM và Long An.

Tại các đợt kiểm tra, Cục Thú y lấy mẫu thịt lợn, thịt gà tại các cơ sở nêu trên để kiểm tra các chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư kháng sinh.

Kết quả giám sát cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt lợn, thịt gà tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh không đạt yêu cầu đối với chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật vẫn còn cao (26,31%).

Đặc biệt, tỷ lệ mẫu ô nhiễm vi sinh vật tại cơ sở giết mổ, kinh doanh tại Hà Nội, Hà Nam chiếm tỷ lệ rất cao (54,54%, tương ứng với 98 trong tổng số 180 lượt mẫu) không đạt yêu cầu đối với các chỉ tiêu kiểm tra (gồm vi sinh vật tổng số, Salmonella, E.coli).

Ngoài tình trạng thực phẩm nhiễm vi sinh, kháng sinh vượt ngưỡng, theo ông Phong, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã có kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao.

Đặc biệt, thông tin từ Cục An toàn thực phẩm cũng nêu ra bức tranh về vấn nạn ngộ độc rượu do Methanol diễn biến phức tạp làm tăng số ca tử vong trong năm 2020.

Thống kê chưa đầy đủ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm 2020 đã xảy ra hàng chục vụ ngộ độc rượu khiến 3 bệnh nhân tử vong.

Trước đó, từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8/2020, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận và điều trị cho 7 bệnh nhân ngộ độc methanol trong tình trạng rất nặng. Như vậy, chỉ trong 5 tháng, từ tháng 7 đến tháng 11/2020 cơ sở này đã tiếp nhận gần 20 bệnh nhân ngộ độc rượu được cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng.

Chưa kể, theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật, đặc biệt là trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.

Trước thực tế trên theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thời gian qua cơ quan này đã yêu cầu các Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố tăng cường công tác hậu thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm đưa tới người tiêu dùng những sản phẩm thực phẩm chất lượng.

Trong năm 2021, để giúp người dân được sử dụng thực phẩm an toàn, theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm chọn chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 là: “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”.

Mục tiêu của Tháng hành động này nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu nhằm nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn.

Ông Phong cũng cho hay, Tháng hành động được triển khai nhằm nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm (nếu xảy ra trên địa bàn quản lý).

Được biết, thời gian thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 kéo dài từ ngày 15/4 đến 15/5/2021.

Đà Nẵng thông tin về 133 người nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm
Sáng 8/5, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) TP Đà Nẵng cho biết, đang gửi các mẫu thực phẩm để xét nghiệm,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư