Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên: Giúp nhiều hộ dân giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững
Hà An - 08/05/2023 13:13
 
Tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh mới đây, bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Trưởng ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh đã nêu bật hiệu quả của chương trình tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Người nghèo và các đối tượng chính sách ở Phú Yên làm thủ tục, nhận vốn vay ngay tại điểm giao dịch xã

Tính đến hết tháng 3/2023, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh Phú Yên để cho vay là 272,3 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh là 168,6 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện là 103,7 tỷ đồng.

Có thể nói, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn cho NHCSXH đã được cải thiện đáng kể. Cộng hưởng từ nguồn vốn ủy thác của địa phương đã đưa tổng nguồn vốn đến hết tháng 3/2023 tại Phú Yên là 3.977 tỷ đồng, tăng hơn 35 lần so với khi thành lập NHCSXH (năm 2002), tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm.

Từ khi thành lập cho đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã bao phủ 100% thôn (buôn, khu phố) của 110 xã (phường, thị trấn), trong đó tập trung ưu tiên cho vay các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng nông thôn, với trên 620.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng doanh số cho vay đạt 12.459 tỷ đồng.

Nguồn vốn của ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ dân tại Phú Yên thoát nghèo. Ngoài ra, còn góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp trên 84.000 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 74.000 lao động, giúp hơn 54.000 lượt hộ vùng khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; hơn 65.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 240.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 3.443 căn nhà ở cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách, 392 căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung và 538 căn nhà ở xã hội cho khách hàng có thu nhập thấp...

Tín dụng chính sách cũng đã làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2001 - 2005 từ 15,32%, xuống 5,12%. Giai đoạn 2005 - 2010 từ 19,31%, xuống 9,05%. Giai đoạn 2011 - 2015 từ 19,46%, xuống 9,73%. Giai đoạn 2016 - 2021 từ 12,62%, xuống 2,17% và giảm 0,87% trong năm 2022.

Ngoài ra, còn góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Phú Yên có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 15 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 3 đơn vị cấp huyện: TP. Tuy Hòa, huyện Tây Hòa và huyện Phú Hòa đạt 100% xã nông thôn mới.

Đến hết tháng 3/2023, chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên đang cho hơn 89.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với tổng dư nợ đạt 3.968 tỷ đồng, tăng gấp hơn 35 lần so với 20 năm trước (năm 2002), chiếm hơn 34% tổng số hộ toàn tỉnh, góp phần hỗ trợ tỉnh thực hiện mục tiêu theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo và giảm 1/3 hộ cận nghèo so với đầu kỳ (giai đoạn 2022 - 2025); phấn đấu 50% hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, con số 34% số hộ dân của tỉnh là khách hàng của NHCSXH và tỷ lệ nghèo đa chiều qua rà soát năm 2022 (gồm hộ nghèo và hộ cận nghèo) là 12,12% cho thấy, công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững của Phú Yên vẫn còn là một thách thức. Bên cạnh đó, hàng năm, nhân dân tỉnh Phú Yên chịu tác động của biến đổi khí hậu, bão lũ bất thường, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tiềm ẩn rủi ro. Nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người lao động trên địa bàn. Lượng người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh rất ít so với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Ghi nhận về hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của tỉnh Phú Yên đã tạo điều kiện tốt nhất cho chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng cam kết, NHCSXH sẽ đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo các chương trình của Chính phủ. Tuy nhiên, do nguồn lực ngân sách Trung ương có hạn và dành cho các chương trình tín dụng ưu tiên, nên đối với nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, tinh thần là Trung ương và địa phương cùng làm theo phương thức đối ứng.

Phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 5/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư