Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Ngân hàng đánh cược với rủi ro khi cho vay; Cân nhắc bỏ room tín dụng
T.L - 10/12/2023 08:19
 
Hội nghị Diên hồng về vốn, gỡ khó tín dụng bất động sản, áp lực đáo hạn vẫn đè nặng trên thị trường trái phiếu, lừa đảo ngân hàng gia tăng, cân nhắc bỏ room tín dụng... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Hội nghị “Diên Hồng” về vốn: Thủ tướng nhắc nhở cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp bất động sản

Sáng 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô

Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị hôm nay có tinh thần như Hội nghị "Diên Hồng" nhằm bàn việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng nêu rõ, ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Sự phát triển của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng và doanh nghiệp mới phát triển và ngược lại, ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển. Mỗi người, mỗi chủ thể phải cùng có trách nhiệm, "góp gió thành bão" để đất nước vượt qua khó khăn thì bản thân mỗi người, mỗi chủ thể mới vượt qua khó khăn được, mới có sự phát triển chung.

Ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, có lợi nhuận, vậy thì lúc khó khăn phải chia sẻ với người dân, với doanh nghiệp. Không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng có linh hoạt được không?

Về doanh nghiệp bất động sản, thời gian qua bất động sảng kêu khó tiếp cận vốn. Nhưng trong những năm qua, bất động sản tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi "một chiều" thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa? Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ" thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN 4 lần giảm lãi suất điều hành. Đến nay mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các NHTM giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022. Dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.​ NHNN cũng đã phân bổ room tín dụng 14,5% cho các ngân hàng.

Mặc dù triển khai nhiều giải pháp và đã đóng góp tích cực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa như kỳ vọng đặt ra. Đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ các năm.

Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao theo Phó thống đốc chủ yếu từ các yếu tố khách quan. Đó là đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV... chưa phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung. ​Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay.

Ngoài ra, Phó Thống đốc cho biết, qua công tác thanh tra, giám sát, khách hàng vay có tình hình tài chính kém lành mạnh, sử dụng vốn vay sai mục đích, đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến không trả được nợ vay; Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của các TCTD còn thấp so với nhu cầu của nền kinh tế. Nợ xấu có xu hướng tăng tại một số TCTD, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng. Xử lý nợ xấu còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản giữ hộ, trong đó phần lớn là nhà và đất, việc áp dụng thủ tục rút gọn theo yêu cầu của Tòa án theo Nghị quyết 42/2017/QH14 gặp khó khăn, chưa thực hiện được.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Phó thống đốc thẳng thắn chỉ ra còn có nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Đó là mặc dù lãi suất cho vay của các TCTD đã giảm đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên lãi suất cho vay ở một số NHTM còn ở mức khá cao. Một số ngân hàng thiếu mạnh dạn cấp tín dụng, còn thận trọng, lo sợ nợ xấu tăng. Việc thực hiện cơ chế TSĐB còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp. Thiếu sự kết nối của khách hàng và ngân hàng để trực tiếp trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.

Tại Hội nghị, Phó thống đốc khẳng định, trong thời gian tới, dứt khoát không có chuyện ngân hàng phải xin room tín dụng. NHNN sẽ chủ động triển khai phân bổ hạn mức mức tín dụng một cách hợp lý nhất dựa trên nhiều yếu tố. Về định hướng điều hành chính sách trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, bám sát diễn biến trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Từ nay đến cuối năm, NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời điều hòa tăng trưởng tín dụng từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu hạn mức, đảm bảo cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trong thời gian tới; Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh , lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; Đẩy mạnh công tác đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp; Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian tới, NHNN phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc tổ chức triển khai, thực hiện các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội để hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Nghiên cứu việc công bố lãi suất cho vay bình quân của các TCTD để khách hàng lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để tiếp cận vay vốn.

Đối với các TCTD, Phó thống đốc cho biết, sẽ chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; Khẩn trương rà soát các Dự án, các doanh nghiệp (đáp ứng/không đáp ứng điều kiện cho vay) để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, hiệu quả, chia sẻ hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng vay vượt qua khó khăn để tiếp tục quay vòng vốn, trả nợ; Tham gia các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và chủ động tổ chức hội nghị khách hàng để giải quyết các khó khăn; Tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục vay vốn, công khai phí, lãi suất… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của NHNN; triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu.

Tuy nhiên để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, Phó thống đốc cũng đề xuất cần triển khai đồng bộ các giải pháp mới đạt hiệu quả. Cụ thể, cần kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế,đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác thị trường nội địa; cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường TPDN; Xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, hỗ trợ TCTD trong xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản để thu hồi nợ; hỗ trợ áp dụng thủ tục rút gọn theo yêu cầu của Tòa án trong việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội.

Về phía các doanh nghiệp để nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để TCTD có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…), nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV; Xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng, trá hình kinh doanh tiền tệ bất hợp pháp (qua mạng và đòi nợ thuê)… 

Thống đốc: Sẽ cân nhắc việc bỏ room tín dụng hay không

Trao đổi về vấn đề điều hành tăng trưởng tín dụng tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô chiều 7/12, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là vấn đề khó. Lý do là bởi nội tại Việt Nam nhu cầu vốn đầu tư của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng.

Thống đốc Nguyễn
Thống đốc Nguyễn

Hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam trên 125%. Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình. Nhưng năm 2023 vốn đầu tư nền kinh tế lại gặp khó khăn. Thị trường bất động sản, trường trái phiếu doanh nghiệp ách tắc nên gần như doanh nghiệp không phát hành trái phiếu doanh nghiệp, áp lực đổ dồn lên tín dụng ngân hàng vốn đã khó lại càng khó hơn.

Trong khi đó, tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm thế nào các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống; thực hiện giải pháp ngắn hạn nhưng vẫn phải đảm bảo giải pháp căn cơ trong dài hạn.

Trong bối cảnh đặc thù như vậy, Chính phủ cũng rất quan tâm vấn đề tăng trưởng tín dụng. Về phía ngành Ngân hàng, chưa năm nào mà đến tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ hết chỉ tiêu tín dụng cả năm. Trên cơ sở đánh giá khả năng tăng trưởng tín dụng, đến cuối tháng 11/2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng với tỷ lệ lớn đối với các TCTD.

Làm rõ thêm về dư nợ tín dụng, Thống đốc cho biết, tính đến tháng 10/2023, doanh số cho vay của hệ thống đạt 17,6 triệu tỷ đồng như vậy cao hơn cả năm 2021 (17,4 triệu tỷ đồng). Chỉ còn 1 tháng nữa kết thúc năm 2023, khả năng con số này có thể đạt trên 19 triệu tỷ đồng. Đây là con số lớn nhưng tín dụng đến tháng 11/2023 chỉ tăng 9,15% chứng tỏ hệ thống ngân hàng vẫn cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, vòng quay vốn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, vướng mắc chủ yếu ở tín dụng cho vay trung, dài hạn.

Theo Thống đốc, tín dụng tăng chậm chủ yếu do yếu tố khách quan. Tín dụng của các nước trên thế giới cũng đều tăng chậm không riêng Việt Nam, nguyên nhân là do tổng cầu thế giới giảm. Cũng như các nước trên thế giới, đối với bài toán vốn trung, dài hạn tại Việt Nam cũng cần thận trọng làm sao huy động vốn ngắn hạn chỉ cho vay ngắn hạn, đảm bảo khả năng chi trả khi người dân rút tiền. 

Riêng đối với tín dụng bất động sản, Thống đốc khẳng định lần nữa, Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ cấm cho vay lĩnh vực này, mà chỉ đưa ra các quy định kiểm soát rủi ro ở đây là lo rủi ro kỳ hạn. Nếu ngân hàng tập trung cho vay dài hạn đến khi người dân rút tiền lại phải đối mặt rủi ro thanh khoản. Các ngân hàng cân đối tính khả thi Dự án, khả năng thu hồi nợ cũng như giải quyết vấn đề vướng mắc pháp lý để cho vay khách hàng.

Vấn đề cốt lõi đối với thị trường bất động sản hiện tại là phải tháo gỡ pháp lý. Khi pháp lý thông suốt chắc chắn lập tức tín dụng lập khơi thông. Do đó, bên cạnh sự đồng hành, quyết liệt triển khai giải pháp của ngành Ngân hàng, Thống đốc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cũng quan tâm tháo gỡ khó khăn vấn đề pháp lý.

Tại Hội nghị tín dụng chiều nay, hầu hết kiến nghị tập trung vào 3 nhóm vấn đề: tiếp cận vốn (điều kiện vay vốn); tài sản bảo đảm và cơ cấu lại khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Về vấn đề tài sản đảm bảo, Thống đốc khẳng định, trong hoạt động cấp tín dụng không có quy định nào bắt buộc các tổ chức tín dụng cho vay khách hàng phải có tài sản đảm bảo mà có thể vay không có tài sản đảm bảo thế chấp. Còn việc định giá tài sản đảm bảo để cho vay bao nhiêu thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Thống đốc đề nghị các ngân hàng ghi nhận ý kiến đề xuất làm sao trong quá trình cho vay vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo chặt chẽ.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chiếm tới khoảng 95% tổng số doanh nghiệp của cả nước, bình thường hạn chế khó khăn về năng lực tài chính, nay chịu tác động của dịch Covid-19 lại càng khó khăn, gần như không còn tài sản đảm bảo. Để tạo điều kiện, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, song song giải pháp của ngành ngân hàng, Thống đốc đề nghị cần đẩy mạnh vai trò, giải pháp từ các Quỹ như Quỹ Hỗ trợ DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV…

Về hành lang pháp lý, Thống đốc cho hay, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật và vẫn dựa trên nguyên tắc tháo gỡ khó khăn nhưng phải quản lý chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống. Đối với đề nghị kéo dài thời gian Thông tư 02, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét đánh giá nghiên cứu.

Đối với vấn đề điều hành tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình điều hành chỉ tiêu room tín dụng những mặt được cũng như chưa được. Trong thời gian tới, việc có tiếp tục duy trì room tín dụng hay không hoặc có lộ trình như thế nào… sẽ trên tinh thần khắc phục hạn chế tạo điều kiện đảm bảo tiêu chí kiểm soát được rủi ro tín dụng.

Còn một số ý kiến liên quan đến tổ chức tín dụng thủ tục cho vay, định giá tài sản đảm bảo, cho vay tín chấp, giảm lãi suất… Ngân hàng Nhà nước đề nghị tổ chức tín dụng cố gắng nhất có thể để tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Gánh nặng trả nợ trái phiếu vẫn đè nặng doanh nghiệp bất động sản năm 2024

Trái phiếu bất động sản đáo hạn năm 2024 là gần 155.000 tỷ đồng, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp tổ chức phát hành còn yếu, dự đoán các chủ đầu tư sẽ gặp khó trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ.

FiinGroup vừa phát hành báo cáo thị trường trái phiếu. Lũy kế 11 tháng đầu năm nay, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành (cả riêng lẻ và công chúng) là  253.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 song đã có sự phục hồi mạnh trong 6 tháng cuối năm.

Về cơ cấu phát hành, ngành ngân hàng vẫn là nhóm tổ chức phát hành lớn nhất trong 11 tháng qua với giá trị phát hành đạt 120.200 tỷ đồng, chiếm 47,5%, ngành bất động sản đứng thứ hai với gần 83.000 tỷ đồng, chiếm 32,8%, còn lại một số công ty chứng khoán, doanh nghiệp xây dựng và vật liệu; và các ngành khác.

Năm 2023, tổng lượng trái phiếu đến hạn (cả gốc và lãi) lên tới gần 380.000 tỷ đồng. Trái phiếu của tổ chức phát hành phi ngân hàng đến hạn ở mức 282.000 tỷ đồng, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm giá trị cao nhất, đạt gầm 155.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh tình hình thị trường bất động sản hiện nay và chất lượng tín dụng của các doanh nghiệp tổ chức phát hành còn yếu, các chủ đầu tư sẽ gặp khó trong việc tạo dòng tiền mới để có thể thực hiện các nghĩa vụ nợ.

Theo FiinGroup, tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu tiếp tục gia tăng. Cụ thể, tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng hiện nay ở mức 20,08% vào thời điểm 17/11/2023. Con số này chưa tính đến tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được đàm phán lại để giãn hoãn theo quy định của Nghị định 08/2023/NĐ-CP. Ngoài ra, đây là phương pháp tính có phần thận trọng bởi chỉ tính trên giá trị lô trái phiếu đã vi phạm nghĩa vụ nợ mà không tính đến các lô trái phiếu còn lãi vẫn đang lưu hành của tổ chức phát hành đó.

Riêng với trái phiếu bất động sản, tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ nợ ở mức cao hơn đang kể ở mức 22,67% vào thời điểm giữa tháng 11/2023 trong tổng số 422.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đang lưu hành (bao gồm cả riêng lẻ và công chúng).

 Dữ liệu phát hành trái phiếu của FiinGroup cho thấy thị trường đã dần khôi phục trở lại ở mức nhất định từ tháng 6- 2023, nhất là đối với các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng khá và với các Dự án đáp ứng được các yêu cầu về pháp lý dự án và thực hiện minh bạch thông tin để phát hành thành công.

Tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản đã đạt 75.400 tỷ đồng cho giai đoạn 11 tháng năm 2023 và bằng 113% so với cả năm 2022.

Bên cạnh việc phát hành trái phiếu như một phần của hoạt động tái cấu trúc lại cơ cấu nợ của doanh nghiệp, FiinGroup dự báo rằng năm 2024 sẽ vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp tục phát hành thành công khi mà các giải pháp hiện nay của Chính phủ được triển khai mạnh và rộng hơn nhất là đối với vấn đề pháp lý dự án.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động hơn trong minh bạch thông tin đến với thị trường và thực hiện tốt hơn quy định hiện nay 

CEO VPBank: Mở rộng cho vay, ngân hàng phải chấp nhận “đánh cược” với nền kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô sáng 7/12, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank đã đưa ra nhiều kiến nghị với Chính phủ và NHNN.

Theo CEO VPBank, năm 2023 là năm rất khó khăn, đặc biệt là tổng cầu kinh tế thấp do các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro. Từ đầu năm đến nay, thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN, VPBank đã đưa ra ba nhóm giải pháp.

Thứ nhất là nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. VPBank là một trong những ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao nhất 11 tháng đầu năm. “Việc tăng tín dụng lớn như vậy là rất rủi ro, là sự dũng cảm của Ban lãnh đạo ngân hàng, chúng tôi chấp nhận “5 ăn 5 thua”, rót vốn vào những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, dù đây là những lĩnh vực rủi ro cao. Hiện nợ xấu tại VPBank đã tăng 30% so với cuối năm trước, đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng thương mại”, ông Vinh cho biết.

Giải pháp thứ hai, tối ưu hóa vận hành hệ thống, giảm lãi suất cho vay, giảm phí, giảm thu nhập để hỗ trợ khách hàng. Từ đầu năm đến hết tháng 11/2023, tổng mức giảm phí, lãi suất khiến lợi nhuận ngân hàng giảm  gần 2.000 tỷ đồng.

Chúng tôi rất chia sẻ với mong muốn của các doanh nghiệp, hiệp hội là cần giảm lãi suất cho vay hơn nữa, song hiện lãi suất đã thấp lắm rồi. Thực tế hiện nay tại VPBank, mức giảm lãi suất cho vay đã lớn hơn mức giảm chi phí lãi. Doanh nghiệp muốn lãi vay giảm thêm song lãi suất huy động đầu vào vẫn cao, chúng tôi đang vay các định chế tài chính nước ngoài bằng USD với lãi suất 5-6%/năm, quy đổi ra VNĐ là trên dưới 10%/năm. Với lãi suất cho vay hiện nay (ngắn hạn 7%/năm, trung dài hạn 8-10%/năm), ngân hàng đang lỗ.

Giải pháp thứ ba, tập trung mở rộng, tạo thuận lợi về điều kiện cho vay, giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy vậy, mở rộng và tạo điều kiện cho vay thuận lợi hơn cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận rủi ro lớn hơn. Thực tế, các ngân hàng đang phải chấp nhận đánh cược với nền kinh tế. Nếu nền kinh tế xấu đi, ngân hàng là người chịu trận đầu tiên.

Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thời gian tới, CEO VPBank cho rằng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Cụ thể, với các cơ quan nhà nước, thứ nhất, ngoài thúc đẩy chính sách tiền tệ, cần có các giải pháp khác chứ riêng ngành ngân hàng không thể thúc đẩy được tổng cầu.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp. Riêng với bất động sản, nếu “gỡ” được pháp lý, giải ngân vốn trong lĩnh vực này sẽ tăng rất nhanh.

Thứ ba, hỗ trợ các ngân hàng trong xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ. Riêng VPBank cho vay tín chấp gần 100.000 tỷ đồng song rất khó khăn trong thu hồi nợ do cho vay tín chấp có nghĩa ngân hàng “nắm đằng lưỡi”, không có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thì rất khó thu hồi nợ. Đồng thời, Tổng Giám đốc VPBnak cũng đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp xử lý các hội nhóm bùng nợ đang bùng phát hiện nay

Với NHNN, lãnh đạo VPBank kiến nghị một số giải pháp gỡ khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp cũng như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng như: tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất 2%; cân nhắc cấp room tín dụng cao cho những ngân hàng có nhu cầu và có năng lực mở rộng tín dụng; hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu… 

Siết tỷ lệ sở hữu ngân hàng: Giảm động lực tham gia thị trường của nhà đầu tư ngoại

Trao đổi với Báo Đầu tư, các luật sư Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam cho rằng, siết tỷ lệ sở hữu ngân hàng là không cần thiết, ảnh hưởng đến tính ổn định của các cổ đông hiện hữu, làm giảm động lực của nhà đầu tư ngoại.

Bà Phạm Thị Thúy Vân - Luật sư cấp cao Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam
Bà Phạm Thị Thúy Vân - Luật sư cấp cao Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam

Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sẽ được trình và dự kiến thông qua tại kỳ họp Quốc hội gần nhất. Tại kỳ họp vừa qua, một trong các nội dung của dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau là việc siết giảm tỷ lệ sở hữu tổ chức tín dụng.

Trong bản Dự Thảo gần nhất, tỷ lệ sở hữu tối đa mà một cá nhân được phép sở hữu trong các tổ chức tín dụng (TCTD) là công ty cổ phần được đưa trở lại mức 5%, giống với quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng hiện hành. Riêng tỷ lệ sở hữu của tổ chức được điều chỉnh từ 15% xuống còn 10%, tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống còn 15%.

Việc đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông trong tổ chức tín dụng (TCTD) là công ty cổ phần nhằm hạn chế sự chi phối của cổ đông đối với hoạt động của TCTD, cũng như một số các công ty thành viên trong cùng một tập đoàn mà TCTD là một phần trong đó.

Theo bà Phạm Thị Thúy Vân, Luật sư cấp cao Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam và ông Nguyễn Viết Trung - Luật sư Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam, việc giảm tỷ lệ sở hữu sẽ có tác động lớn đến các cổ đông hiện hữu, đặc biệt là các cổ đông chiến lược. Cụ thể, các cổ đông sẽ phải tìm phương án để đáp ứng được quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, và vì thế tác động lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của chính cổ đông đó. Hơn nữa, việc giảm tỷ lệ sở hữu sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của các cổ đông chiến lược trong quản trị nội bộ của TCTD, các cổ đông chiến lược sẽ cần phải tìm phương án để có thể thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông của TCTD khi tiến hành biểu quyết. Xét một cách toàn diện, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần phải cân nhắc tính ổn định của các cổ đông hiện hữu, và phải được đánh giá tác động một cách tổng thể.

Trên thực tế, dù có điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong TCTD là công ty cổ phẩn, và dù Dự Thảo cũng dự liệu trường hợp một cổ đông gián tiếp sở hữu một TCTD thông qua một doanh nghiệp mà cổ đông đó có quyền chi phối, Dự Thảo cần phải xử lý câu chuyện cốt lõi là làm sao để kiểm soát được các trường hợp một cổ đông gián tiếp sở hữu một TCTD thông qua một doanh nghiệp mà cổ đông đó có quyền chi phối, hoặc một cá nhân có quyền chi phối ở một tổ chức khác. Thay vì phương án giảm tỷ lệ sở hữu, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc bổ sung thêm quy định về chi phối nhằm đánh giá toàn diện tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông, bao gồm cả cơ sơ để tính tỷ lệ sở hữu gián tiếp của cổ đông.

Việc giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cá nhân với tổ chức tín dụng ở mức 5% là phù hợp, bởi sẽ có những bất cập nếu mức tỷ lệ sở hữu bị điều chỉnh giảm xuống 3% như đề xuất tại các bản dự thảo trước đó. Cụ thể, bên cạnh vấn đề liên quan đến sở hữu gián tiếp như đề cập ở trên, đối với các ngân hàng là công ty đại chúng, công ty niêm yết theo Luật Chứng khoán 2019, mức sở hữu của một cổ đông để thực hiện nghĩa vụ báo cáo là 5%.

Trong trường hợp quy định giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 3%, việc này sẽ gián tiếp tác động tới tính minh bạch của thị trường chứng khoán, bởi lúc này, các cổ đông có thể thực hiện giao dịch mua đi bán lại ở các mốc 1% mà có thể không rơi vào trường hợp phải báo cáo giao dịch của cổ đông lớn như đang được quy định tại pháp luật về chứng khoán. Hơn nữa, việc giảm tỷ lệ sở hữu sở hữu của cổ đông cá nhân xuống 3% sẽ không cần thiết, nếu xét đến việc tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân tại Việt Nam là thấp so với một số quốc gia tại châu Á như Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Nhìn chung, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sẽ giảm động lực cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam, dẫn đến việc hạn chế nguồn vốn đầu tư cũng như việc tiếp nhận kinh nghiệm của các định chế tài chính nước ngoài có tên tuổi trên thị trường tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Viết Trung - Luật sư Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam
Ông Nguyễn Viết Trung - Luật sư Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam

Một cách tổng quát, nhằm hạn chế việc chi phối của một cổ đông đối với hoạt động của một TCTD là công ty cổ phần, như đã đề cập ở trên, cần có một cơ chế và các tiêu chí xác định mức độ chi phối của cá nhân đó trong một doanh nghiệp mà gián tiếp tác động lên hoạt động của TCTD (ví dụ, cổ đông đó sở hữu bao nhiêu phần trăm tại doanh nghiệp đang nắm cổ phần của TCTD, hoặc thẩm quyền của một cá nhân tại doanh nghiệp đó mà có thể chi phối hoạt động của doanh nghiệp đó). Ngoài ra, vai trò của NHNN là đặc biệt quan trọng trong việc ban hành các biện pháp cần thiết để giám sát, kiểm soát và hạn chế hành vi lợi dụng quyền chi phối, hoặc việc sử dụng nhiều cá nhân, pháp nhân có liên quan đến nhau (dù trực tiếp hay gián tiếp) nhằm thao túng hoạt động của các TCTD.

Cùng với vấn đề siết tỷ lệ sở hữu, giới hạn cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng là nội dung được đặc biệt quan tâm tại Dự thảo Luật, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đề xuất tại Dự thảo, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; đồng thời, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (hiện đang là 15% và 20%).

Giảm giới hạn cấp tín dụng áp dụng đối với một khách hàng, về mặt lý thuyết, sẽ hạn chế việc các ngân hàng thương mại (NHTM) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện "dồn" vốn vay quá nhiều đối với một hoặc một số cá nhân hoặc tổ chức. Vốn vay của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do đó sẽ được trải rộng ra cho các đối tượng khách hàng và tránh nguy cơ tập trung nợ xấu đến từ một khách hàng cụ thể đối với ngân hàng.

Tuy nhiên, hoạt động cho vay là hoạt động chủ yếu của gần như tất cả các NHTM. Dù sau này có nhiều hình thức huy động vốn cũng như nhiều hoạt động kinh doanh khác phát triển hơn, và mỗi ngân hàng sẽ có chiến lược riêng cho từng loại hình, thì xuất phát điểm của một NHTM vẫn là hoạt động cho vay. Việc giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ càng làm cho hoạt động của các NHTM trở nên khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh mức lãi suất ở các ngân hàng hiện vẫn đang ở mức thấp.

Hơn nữa, đứng ở góc độ bên đi vay, việc giảm giới hạn này cũng có tác động không nhỏ đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, làm sao để tính toán nguồn vốn một cách hiệu quả nhất. Đặt trong bối cảnh kể từ sau đại dịch Covid-19, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình hoạt động. Vì thế, giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ phần nào tác động đến việc huy động vốn của các doanh nghiệp/bên đi vay.

Trong trường hợp bên đi vay cần nguồn vốn vay lớn để thực hiện thực hiện các Dự án lớn, việc giảm giới hạn cấp tín dụng như quy định tại Dự thảo có thể dẫn đến các cấu trúc vay phức tạp hơn và tốn thời gian hơn, chi phí vay cao hơn thông thường để có thể thu xếp được khoản vay với sự tham gia từ các các ngân hàng khác nhau, trong đó có cả các tổ chức tài chính, ngân hàng nước ngoài.

Với một số bất cập về việc giảm giới hạn cấp tín dụng như đã nêu ở trên, và trên cơ sở tình hình kinh doanh khó khăn cũng như nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, Nhà nước nên cân nhắc một giải pháp hài hòa, ví dụ, như các Đại biểu Quốc hội đã đề xuất tại phiên họp, quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong một khoảng thời gian nhất định nhằm giảm thiểu tác động.

Mặt khác, cần nâng cao chất lượng quản lý rủi ro tín dụng bằng các cơ chế về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay, cũng sẽ góp phần đạt được một nền tín dụng an toàn, thay vì “đánh” thẳng vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, cụ thể là việc giảm giới hạn cấp tín dụng. 

Ngân hàng đề nghị giải pháp “xây đập” ngăn đường đi của luồng tiền lừa đảo

Các ngân hàng kiến nghị cần xây dựng một khung quy trình phối hợp trong trường hợp khách hàng bị lừa đảo mất tiền để cùng đưa ra các bước thực hiện, các chế tài nhằm ngăn chặn sớm nhất phát sinh, các giao dịch lừa đảo.

Hiệp hội ngân hàng Việt Nam vừa tổ chức cuộc họp nhằm thảo luận về cơ chế phối hợp trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận.

Theo đại diện Vietinbank, hiện nay các giao dịch gian lận, lừa đảo diễn ra hàng ngày, hàng giờ, đặc biệt trong 3 tháng vừa qua số lượng lừa đảo gia tăng rất nhanh, với số tiền rất lớn.

Theo thống kê, các hình thức lừa đảo, gian lận qua trung gian thanh toán phần lớn là thanh toán trực tuyến qua các ví điện tử…Bên cạnh đó sự phối hợp, kết hợp giữa các ngân hàng, trung gian thanh toán vẫn còn gặp phải vướng mắc, bất cập.

Chính vì thế cần phải xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên cũng như nghiên cứu các giải pháp để ngăn chặn các giao dịch lừa đảo, gian lận để giảm thiểu rủi ro đối với khách hàng như: Xây dựng ngưỡng và hệ thống cảnh báo ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tài chính; Có các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật để nhận diện các tài khoản có tỷ lệ gian lận lừa đảo cao; Bổ sung quy định phạt không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc cung cấp các thông tin gồm IP, tên Sub Merchant, loại hình giao dịch...

Đại diện Vietcombank cũng đưa ra kiến nghị cần xây dựng một khung quy trình phối hợp trong trường hợp khách hàng bị lừa đảo mất tiền để cùng đưa ra các bước thực hiện, các chế tài để ngăn chặn sớm nhất phát sinh, các giao dịch lừa đảo. Đồng thời cần nâng cao hơn nữa vai trò của trung gian thanh toán trong phối hợp với các ngân hàng.

Trong khi đó, đại diện ACB cho biết, cần nghiên cứu đầu tư lớn hơn về hệ thống nội bộ của ngân hàng, ngăn chặn các gian lận, tự động hóa trong nội bộ ngân hàng, tự động hóa xử lý thông tin gian lận. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo thông tin lừa đảo, gian lận chung cho các ngân hàng và NAPAS là đầu mối đại diện để các ngân hàng cùng nắm bắt tin tức nhanh chóng, kịp thời nhất.

Lãnh đạo Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam NAPAS cũng tán thành xây dựng một quy trình, quy chế phối hợp chặt chẽ trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận, phản ứng nhanh để có quy trình ngân hàng thông tin cho nhau và cuối cùng chặn những điểm nóng là đầu ngân hàng có nhiều giao dịch lừa đảo.

Đại diện NAPAS so sánh, luồng tiền giao dịch lừa đảo qua mạng như dòng suối chảy từ đỉnh núi xuống, nguồn chính là ngân hàng phát hành, dòng tiền từ trên núi xuống và đi qua những ngân hàng trung gian từ ngân hàng này sang ngân hàng kia; chân núi là đầu ngân hàng nhận nên cần có giải pháp "xây đập" ngăn chặn trên đường đi của nguồn tiền lừa đảo.

TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần có một “đường dây nóng” để các ngân hàng cung cấp thông tin lừa đảo, thông báo và triển khai tập trung tới các đơn vị và ông cho rằng NAPAS là đơn vị phù hợp nhất để tiếp nhận thông tin. Các ngân hàng tự xây dựng kế hoạch triển khai, phối kết hợp chặt chẽ với nhau, bởi  

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Hùng cũng lưu ý các ngân hàng cũng cần quán triệt tới các cán bộ, nhân viên để mọi người cùng tuân thủ, thực hiện các quy trình, quy định đã đề ra. Ông cũng mong muốn sẽ sớm ban hành bộ quy trình, quy định chung của các TCTD để đảm bảo an toàn hệ thống, nâng cao vị thế của các ngân hàng.

Đồng thời, để thống nhất trong nội bộ hệ thống các TCTD, Hiệp hội Ngân hàng sẽ thành lập tổ soạn thảo, xây dựng quy trình, phối hợp xử lý nội bộ giữa các TCTD hội viên nhằm hỗ trợ và bảo vệ khách hàng khi bị kẻ gian lừa đảo để trục lợi…. và quý I/2024 có thể ban hành quy trình.

Thị trường trái phiếu đã "hạ cánh mềm" và có khả năng tăng trưởng mạnh năm 2024

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ tài chính) cho hay, sau nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thời gian qua - đặc biệt nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP – thị trường TPDN đã có những dấu hiệu tích cực. Sau khi Nghị định 08 được ban hành, doanh nghiệp phát hành và trái chủ đã nỗ lực đàm phán.
“Chúng tôi theo dõi, có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp đến nay đã có phương án đàm phán, tỉ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023. Ngoài ra, những doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn”, ông Dương cho biết.

Theo Bộ Tài chính, nếu như quý I/2023 không có đợt phát hành TPDN nào thì từ quý II/2023, khối lượng phát hành tháng sau cao hơn tháng trước. Tính đến hết tháng 11/202, lượng TPDN riêng lẻ phát hành đã đạt 220.000 tỷ đồng. 

Đồng tình với ý kiến này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thị trường TPDN đang phục hồi. Lượng TPDN phát hành tháng 11/2023 tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước. Phát hành TPDN 5 tháng gần đây tăng gấp 5 lần so với TPDN 6 tháng đầu năm.

Trong tất cả nhóm chính sách vừa qua với thị trường TPDN, TS. Cấn Văn Lực đánh giá cao Nghị định 08. Đây là quyết sách chưa có tiền lệ và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là cơ chế giãn, hoãn nợ trái phiếu và cơ chế cho hoán đổi tiền - hàng (đổi TPDN sang bất động sản). Bên cạnh đó, việc đưa ra chính sách với thị trường TPDN cũng đồng bộ với việc tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, tín dụng ngân hàng. Việc triển khai đồng bộ các quyết sách là một trong các bài học thành công.

Việc đưa vào vận hành sàn giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung cũng giúp thị trường minh bạch hơn. Hiện nay đã có khoảng 760 mã TPDN của 200 tổ chức phát hành được đưa lên sàn, qua đó giúp thanh khoản thị trường tăng 20-30 lần so với giai đoạn trước.   

Bình luận về thị trường hiện nay, bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI cho hay, nếu như cuối năm ngoái thị trường vẫn đang lo lắng với tình trạng “bond run” (tháo chạy khỏi TPDN) thì đến thời điểm này, có thể nói thị trường TPDN đã “hạ cánh mềm”, nguyên nhân chủ yếu nhờ Nghị định 08 và sự ra mắt của sàn giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung.

“Năm 2023 đã sắp đi qua và là tiền đề để năm 2024 có sự tăng trưởng vượt bậc đối với thị trường TPDN”, bà Ngọc Anh lạc quan nhận định.  

Nghị định 08 được coi là giải pháp tháo gỡ chưa có tiền lệ giúp thị trường TPDN phục hồi trở lại. Tuy nhiên, nhiều quy định giãn hoãn theo Nghị định 08 sắp hết hiệu lực, thị trường TPDN sẽ phải quay lại tuân thủ Nghị định 65/2022/NĐ-Cp.

Theo TS. Cấn Văn Lực, việc quay lại thực hiện Nghị định 65 là cần thiết song cần có lộ trình, nhất là về vấn đề xếp hạng tín nhiệm, nguyên nhân là hiện trên thị trường mới chỉ có 3 doanh nghiệp xếp hạng tin nhiệm và các nhà phát hành chưa hình thành được văn hóa sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.  

Thứ hai, phải đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường TPDN. Hiện nay, thị trường vẫn còn thiếu vắng trái phiếu xanh, trái phiếu công trình, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững…

Thứ ba, phải đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư. Đây là cách để chúng ta thu hút nguồn lực vào thị trường TPDN.

Thứ tư, phải nâng cao hạ tầng thông tin và dữ liệu.

Thứ năm, phải đơn giản hóa quy trình thủ tục phát hành ra công chúng và tăng cường thanh tra, giám sát.

Đồng tình ý kiến này, bà Ngọc Anh cho rằng, nên xây dựng kênh giao dịch riêng cho nhà đầu tư tổ chức theo hướng thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp. Còn đối với TPDN có thể bán cho cá nhân (sơ cấp và thứ cấp), cần làm chặt chẽ và phải truyền tải thông điệp rõ ràng cho nhà đầu tư cá nhân, rằng TPDN là sản phẩm có độ rủi ro nhất định, cần đánh giá kỹ lưỡng trước khi thực hiện giao dịch.

"Để xây dựng được hệ thống nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, sự tham gia của các quỹ đầu tư vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, cơ chế để thu hút quỹ đầu tư nội tham gia còn hạn chế. Đề nghị cho phép nhà đầu tư cá nhân được ủy thác cho các quỹ để đầu tư TPDN. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, các quỹ đầu tư chỉ được đầu tư 10% vào TPDN , cần nâng tỷ lệ này lên mức 30-40% thì mới xây dựng được cơ sở nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường", bà Ngọc Anh kiến nghị. 

Thị trường trái phiếu đã "hạ cánh mềm" và có khả năng tăng trưởng mạnh năm 2024
Thùy Liên - 04/12/2023 15:31
 
Phát biểu tại Tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (4/12), các chuyên gia cho rằng, thị trường TPDN đã thành công “hạ cánh mềm”.

Phát hành TPDN tăng mạnh từng tháng, thị trường đang "hạ cánh mềm"

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ tài chính) cho hay, sau nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thời gian qua - đặc biệt nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP – thị trường TPDN đã có những dấu hiệu tích cực. Sau khi Nghị định 08 được ban hành, doanh nghiệp phát hành và trái chủ đã nỗ lực đàm phán.
“Chúng tôi theo dõi, có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp đến nay đã có phương án đàm phán, tỉ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023. Ngoài ra, những doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn”, ông Dương cho biết.

Theo Bộ Tài chính, nếu như quý I/2023 không có đợt phát hành TPDN nào thì từ quý II/2023, khối lượng phát hành tháng sau cao hơn tháng trước. Tính đến hết tháng 11/202, lượng TPDN riêng lẻ phát hành đã đạt 220.000 tỷ đồng. 

Đồng tình với ý kiến này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thị trường TPDN đang phục hồi. Lượng TPDN phát hành tháng 11/2023 tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước. Phát hành TPDN 5 tháng gần đây tăng gấp 5 lần so với TPDN 6 tháng đầu năm.

Trong tất cả nhóm chính sách vừa qua với thị trường TPDN, TS. Cấn Văn Lực đánh giá cao Nghị định 08. Đây là quyết sách chưa có tiền lệ và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là cơ chế giãn, hoãn nợ trái phiếu và cơ chế cho hoán đổi tiền - hàng (đổi TPDN sang bất động sản). Bên cạnh đó, việc đưa ra chính sách với thị trường TPDN cũng đồng bộ với việc tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, tín dụng ngân hàng. Việc triển khai đồng bộ các quyết sách là một trong các bài học thành công.

Việc đưa vào vận hành sàn giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung cũng giúp thị trường minh bạch hơn. Hiện nay đã có khoảng 760 mã TPDN của 200 tổ chức phát hành được đưa lên sàn, qua đó giúp thanh khoản thị trường tăng 20-30 lần so với giai đoạn trước.   

Bình luận về thị trường hiện nay, bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI cho hay, nếu như cuối năm ngoái thị trường vẫn đang lo lắng với tình trạng “bond run” (tháo chạy khỏi TPDN) thì đến thời điểm này, có thể nói thị trường TPDN đã “hạ cánh mềm”, nguyên nhân chủ yếu nhờ Nghị định 08 và sự ra mắt của sàn giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung.

“Năm 2023 đã sắp đi qua và là tiền đề để năm 2024 có sự tăng trưởng vượt bậc đối với thị trường TPDN”, bà Ngọc Anh lạc quan nhận định.  

Phải đa dạng cơ sở nhà đầu tư, cân nhắc “lùi” quy định xếp hạng tín nhiệm

Nghị định 08 được coi là giải pháp tháo gỡ chưa có tiền lệ giúp thị trường TPDN phục hồi trở lại. Tuy nhiên, nhiều quy định giãn hoãn theo Nghị định 08 sắp hết hiệu lực, thị trường TPDN sẽ phải quay lại tuân thủ Nghị định 65/2022/NĐ-Cp.

Theo TS. Cấn Văn Lực, việc quay lại thực hiện Nghị định 65 là cần thiết song cần có lộ trình, nhất là về vấn đề xếp hạng tín nhiệm, nguyên nhân là hiện trên thị trường mới chỉ có 3 doanh nghiệp xếp hạng tin nhiệm và các nhà phát hành chưa hình thành được văn hóa sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.  

Thứ hai, phải đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường TPDN. Hiện nay, thị trường vẫn còn thiếu vắng trái phiếu xanh, trái phiếu công trình, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững…

Thứ ba, phải đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư. Đây là cách để chúng ta thu hút nguồn lực vào thị trường TPDN.

Thứ tư, phải nâng cao hạ tầng thông tin và dữ liệu.

Thứ năm, phải đơn giản hóa quy trình thủ tục phát hành ra công chúng và tăng cường thanh tra, giám sát.

Đồng tình ý kiến này, bà Ngọc Anh cho rằng, nên xây dựng kênh giao dịch riêng cho nhà đầu tư tổ chức theo hướng thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp. Còn đối với TPDN có thể bán cho cá nhân (sơ cấp và thứ cấp), cần làm chặt chẽ và phải truyền tải thông điệp rõ ràng cho nhà đầu tư cá nhân, rằng TPDN là sản phẩm có độ rủi ro nhất định, cần đánh giá kỹ lưỡng trước khi thực hiện giao dịch.

"Để xây dựng được hệ thống nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, sự tham gia của các quỹ đầu tư vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, cơ chế để thu hút quỹ đầu tư nội tham gia còn hạn chế. Đề nghị cho phép nhà đầu tư cá nhân được ủy thác cho các quỹ để đầu tư TPDN. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, các quỹ đầu tư chỉ được đầu tư 10% vào TPDN , cần nâng tỷ lệ này lên mức 30-40% thì mới xây dựng được cơ sở nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường", bà Ngọc Anh kiến nghị. 

 
Doanh nghiệp, ngân hàng phải “góp gió thành bão”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngân hàng, doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm “góp gió thành bão” để đất nước vượt qua...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư