Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Ngân hàng đua phòng thủ thanh khoản
Thùy Liên - 07/11/2022 09:12
 
Làn sóng chạy đua tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn, đặc biệt ở khối ngân hàng nhỏ, buộc nhiều ngân hàng lớn cũng phải tăng lãi suất để phòng thủ thanh khoản.
Với việc chạy đua tăng lãi suất huy động, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đã gần chạm mức 9%/năm. Ảnh: Đ.T

Thanh khoản tiếp tục căng

Tuần qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng vọt sau khi hạ nhiệt đôi chút vào tuần trước đó. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vọt lên trên 7,1%/năm. Trước tình hình “căng” của lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạm dừng phát hành tín phiếu hút tiền về, liên tục bơm ròng ra thị trường.

Trên thị trường 1 (thị trường dân cư), lãi suất huy động cũng được các nhà băng điều chỉnh từng tuần. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đã gần chạm mức 9%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn dài nhất đã lên trên 10%/năm.

Làn sóng chạy đua lãi suất huy động cho thấy, thanh khoản thị trường đang rất căng thẳng. Báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy, hàng chục ngân hàng có Tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) vượt trần cho phép (85%).

Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động tăng chậm khiến nhiều ngân hàng phải chạy đua tăng lãi suất, huy động vốn để bù đắp nguồn vốn cho phần đã cho vay “quá tay” trong 9 tháng đầu năm.

Bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank cho rằng, một số nguyên nhân dẫn tới thanh khoản ngân hàng căng, huy động vốn tăng chậm là do NHNN hút tiền đồng về qua kênh tín phiếu, room tín dụng hạn hẹp, nên người dân và doanh nghiệp buộc phải trang trải bằng vốn tự có…

Ngoài ra, theo các chuyên gia, sự cố liên quan tới SCB và Vạn Thịnh Phát cũng ảnh hưởng đáng kể tới thanh khoản hệ thống và niềm tin của nhà đầu tư.

Mặc dù NHNN đã tăng lãi suất điều hành liên tiếp 2 lần với tổng mức tăng 2%, song có vẻ cơn khát thanh khoản vẫn chưa thể giải tỏa. Phát biểu tại họp báo Chính phủ mới đây, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà thừa nhận, việc tăng trưởng huy động vốn chỉ bằng gần 1/3 tốc độ tăng tín dụng đang đặt ra nhiều thách thức với hệ số an toàn vốn của hệ thống ngân hàng cũng như gây quan ngại về tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. “Việc tăng lãi suất điều hành là nhằm tăng khả năng huy động vốn cho các tổ chức tín dụng”, ông Hà nói.

Phòng thủ thanh khoản, mối quan tâm hàng đầu của hệ thống

Thị trường bất động sản, tài chính, ngân hàng có sự liên thông rất chặt chẽ. Do đó, những diễn biến bất lợi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và sự cố xảy ra với một ngân hàng gần đây buộc toàn hệ thống phải tăng sức phòng thủ, kể cả các ngân hàng không thiếu thanh khoản.

Bà Lưu Thị Thảo cho hay, mặc dù Tỷ lệ LDR tại VPBank mới 76%, song VPBank vẫn xác định ưu tiên hàng đầu giai đoạn hiện nay là bảo vệ thanh khoản, thay vì tăng trưởng lợi nhuận.

Phòng thủ thanh khoản cũng là mối quan tâm hàng đầu của toàn hệ thống hiện nay. Trả lời trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, trọng tâm chính sách tiền tệ thời điểm này là phải đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng. Đây cũng là lý do mà NHNN tăng lãi suất điều hành thời gian qua.

Bên cạnh linh hoạt hơn về lãi suất, NHNN cũng đang rất mạnh tay siết chặt tín dụng bất động sản sân sau. NHNN đã yêu cầu một số tổ chức tín dụng có biểu hiện cho vay tập trung một số dự án, doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp bất động sản lớn phải báo cáo danh mục cho vay.

Chia lửa với Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại phiên chất vấn tuần qua, Thống đốc nhấn mạnh một lần nữa về sự an toàn của các tổ chức tín dụng và một lần nữa giải thích rủi ro của tín dụng bất động sản, chủ yếu là rủi ro kỳ hạn, gây mất cân đối vốn cho các ngân hàng.

“Yêu cầu tín dụng bất động sản thường là dài hạn với số tiền huy động lớn, trong khi đặc tính huy động vốn của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn. Cho nên, nếu cấp tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản, các tổ chức tín dụng không kiểm soát tốt sẽ đối diện với rủi ro thanh khoản, khi người dân đến rút tiền thì các tổ chức tín dụng sẽ khó khăn về chi trả”, Thống đốc giải thích thêm.

Thừa nhận tăng lãi suất sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, song Thống đốc cho rằng, ổn định vĩ mô là quan trọng nhất, bởi khi đã giữ được ổn định vĩ mô thì doanh nghiệp sẽ tăng tốc sau.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, NHNN tăng lãi suất vừa để giữ chân dòng vốn ngoại, vừa để đảm bảo thanh khoản hệ thống. Bởi nếu lãi suất quá thấp, ngân hàng không huy động được vốn thì thanh khoản sẽ gặp khó khăn, đồng thời sẽ nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật như chi trả lãi ngoài. Tất nhiên, tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến phục hồi, tăng trưởng kinh tế, song trong bối cảnh thế giới hiện nay, chúng ta không thể vừa ổn định vĩ mô, vừa tăng trưởng kinh tế cao. Theo tôi, lãi suất sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, nên doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để ứng phó.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM
Lãi suất cho vay có tăng theo lãi suất huy động?
Chi phí đầu vào tăng theo xu hướng lãi suất huy động tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh lãi suất điều hành, áp lực lên lãi suất cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư