Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Ngân hàng kém lạc quan về lợi nhuận quý II; Bất động sản ôm hy vọng phá băng
T.T - 09/07/2023 16:05
 
Tín dụng bất động sản tăng, sự trở lại của các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ cùng động thái điều chỉnh tỷ giá và nhận định về hoạt động kinh doanh là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.
ngân hàng
Kết quả điều tra các ngân hàng cho thấy tình hình kinh doanh quý II/2023 được dự báo tiếp tục “cải thiện” chậm hơn đáng kể so với quý trước.

Dự báo lợi nhuận quý II cải thiện chậm đáng kể so với quý trước

Tuần qua, Vụ Dự báo Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quý II/2023.

Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng, trong quý II, nhân tố khách quan “Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN” và nhân tố chủ quan “Chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị” được các tổ chức tín dụng đánh giá là hai nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong quý II/2023 và dự kiến trong cả năm 2023, sau đó mới đến các nhân tố phổ biến ở các kỳ điều tra trước như “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” và “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng”; “Chính sách và năng lực quản trị rủi ro của đơn vị”.

Trong khi đó, “Sự cạnh tranh từ các tổ chức tín dụng khác” tiếp tục được đánh giá là nhân tố có thể tác động tiêu cực nhất tới tình hình kinh doanh của TCTD trong quý II/2023 và dự kiến cả năm 2023. 

Trái với dự báo tại kỳ điều tra trước về khả năng tăng nhẹ giá bình quân sản phẩm dịch vụ trong năm 2023, tại kỳ điều tra này, giá bình quân sản phẩm dịch vụ được các TCTD dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm 2023 so với năm 2022.

Tại kỳ điều tra lần này, các tổ chức tín dụng nhận định mặt bằng rủi ro khách hàng tổng thể trong quý II/2023 tăng nhanh hơn so với quý trước (với 34,2% TCTD nhận định mặt bằng rủi ro khách hàng tổng thể ở thời điểm hiện tại đang ở mức cao và 48,2% TCTD dự báo mặt bằng rủi ro khách hàng sẽ tăng trong năm 2023 so với năm 2022).

Về huy động vốn toàn hệ thống  được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý III/2023 và tăng 10,6% trong năm 2023, điều chỉnh tăng nhẹ so với mức kỳ vọng 9,2% tại kỳ điều tra trước.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,4% trong quý III/2023 và tăng 12,5% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6 điểm % so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.

Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng có biểu hiện tăng nhẹ trong quý II/2023 nhưng được kỳ vọng giảm trong quý III/2023.

Các tổ chức tín dụng nhận định, tình hình lao động, việc làm của ngành tài chính ngân hàng trong quý II/2023 mặc dù cải thiện so với quý trước nhưng chưa đạt mức kỳ vọng. Các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình lao động sẽ diễn biến khả quan hơn trong quý III/2023 và cả năm 2023.

Theo kết quả điều tra, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II/2023 tiếp tục “cải thiện” chậm hơn đáng kể so với quý trước, lợi nhuận trước thuế có tăng trưởng nhẹ nhưng thấp hơn so với mức kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. Các TCTD điều chỉnh thu hẹp đáng kể kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới.

Tín dụng bất động sản 5 tháng tăng 14%

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 (ngày 4/7), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, nửa đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước  đã theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế vĩ mô và bám sát chỉ đạo của Chính phủ để điều hành linh hoạt, duy trì thanh khoản tốt để sẵn sàng nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng cấp tín dụng. Đến ngày 27/6/2023, tín dụng tăng 4,03% và tăng 9,08% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, về cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, đáng chú ý là tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. "Như vậy cho thấy tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp, bởi vậy, việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản”, Thống đốc nói.

Bên cạnh đó, sau liên tiếp các lần hạ lãi suất điều hành vừa qua, hiện lãi suất đã trở về mức trước đại dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước cũng là một trong số ít các ngân hàng Trung ương trên thế giới giảm lãi suất trong bối cảnh các nước vẫn giữ lãi suất ở mức cao (đến 15/6, trên toàn thế giới có 101 lượt tăng lãi suất). Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục, hồ sơ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Về cơ cấu thời hạn trả nợ, đến nay đã thực hiện cơ cấu cho vay cho 2.800 khách hàng và hiện các tổ chức tín dụng đang tiếp tục triển khai. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét và sớm thông báo tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thống đốc thông tin.

Về gói cho vay cho nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 3 công văn công bố 15 dự án của các tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh và Tây Ninh. Trong đó có 5 dự án đã được cấp phép xây dựng. Ngoài ra, có 3 địa phương là Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa - Vũng Tàu đã công bố 9 dự án. Các địa phương cấp phép xây dựng các dự án cũng sẵn sàng được các tổ chức tín dụng cho vay. Đến nay đã có một số ngân hàng như BIDV, Argibank  bắt đầu cho vay trong gói tín dụng này. 

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, qua phân tích đánh giá thấy được tăng trưởng kinh tế quý II cải thiện, đóng góp của của khu vực thương mại và dịch vụ là quan trọng, cho thấy việc khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện cầu nước ngoài đang yếu là hướng đi đúng. Trong trung và dài hạn, để tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế như Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra cần tiếp tục tập trung khai thác động lực này,

Thống đốc nhấn mạnh, tăng tiếp cận tín dụng đang là vấn đề được quan tâm. Thống đốc cho biết, về phía điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp nhưng Thống đốc kiến nghị các giải pháp từ phía các cơ quan, bộ ngành khác cầ được quan tâm, chẳng hạn như giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại, khai tác thị trường trong nước, cải thiện về điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy đầu tư công để có sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Với thị trường bất động sản, cần giải quyết vấn đề pháp lý cũng như các doanh nghiệp bất động sản cần điều chỉnh giá của bất động sản.

Tại phiên họp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng lắng nghe ý kiến của một số địa phương như Bắc Giang và Cà Mau cho biết doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Thống đốc mong muốn lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành cho biết cụ thể các doanh nghiệp nào không vay được vốn, ở ngân hàng nào? Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tổ chức họp hội nghị kết nối giữa các ngân hàng và doanh nghiệp, qua đó xác định rõ nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ.

Phát hành trái phiếu tháng 6 bất ngờ tăng gấp ba so với tháng trước

Thống kê của Báo Đầu tư dựa trên thông tin của HNX cho thấy, từ đầu tháng 6 tới ngày công bố thông tin 26/6, có tới 13 đợt phát hành riêng lẻ của 10 doanh nghiệp với tổng giá trị 8.170 tỷ đồng. Trong tháng 5/2023, chỉ có 4 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của duy nhất một doanh nghiệp, tổng giá trị 2.600 tỷ đồng.

Như vậy, so với tháng trước, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 6/2023 tăng hơn 3,1 lần.

Doanh nghiệp xây dựng là nhóm dẫn đầu về lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 6, chiếm 47,5% giá trị phát hành. Trong đó, giá trị phát hành lớn nhất thuộc về Công ty TNHH Phát triển kinh doanh xây dựng 3 (XD3C) với 2.250 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này phát hành trái phiếu. Công ty cổ phần Vinam Land đứng thứ hai trong nhóm xây dựng với 1.500 tỷ đồng.

Nhóm tài chính ngân hàng sau nhiều tháng im ắng đã phát hành trở lại với tỷ lệ 39% giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành tháng 6/2023. OCB là nhà phát hành lớn nhất nhóm ngân hàng với 3 đợt phát hành, giá trị 2.000 tỷ đồng. Các nhà phát hành lớn tiếp theo là: BIDV (490 tỷ đồng), NamABank (400 tỷ đồng) và CTCP Chứng khoán kỹ thương (300 tỷ đồng).

Các doan nghiệp khác phát hành trong tháng là: Vietjet (2 đợt phát hành tổng giá trị 600 tỷ đồng), Transimex 300 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thành Thành công - Biên Hòa (200 tỷ đồng), Công ty cổ phần Tập đoàn Taseco (130 tỷ đồng).

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến 23/6, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 99.041 tỷ đồng (tăng gần 51% so với cùng kỳ năm 2022).

Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 170.302 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 87.846 tỷ đồng, chiếm 52%, theo sau là nhóm ngân hàng với 30.261 tỷ đồng, chiếm 17,8%.

Trong tháng 6, vẫn có hàng chục doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu và công bố phương án tái cơ cấu trái phiếu.

Ngày 17/5/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2023/TT-BTC hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký và giao dịch TPRL tại thị trường trong nước, hiệu lực từ 1/7/2023. Quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu riêng lẻ thứ cấp, đồng thời tăng tính minh bạch và chuẩn hóa của thị trường này.

Bên cạnh đó, theo tổng hợp ý kiến của các thành viên VBMA, quy định thời hạn 3 tháng tính từ 16/6/2023 để hoàn thành thủ tục đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch trái phiếu riêng lẻ còn dư nợ là một trong những điểm quan ngại của thành viên thị trường, cần các hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý để đảm bảo thực hiện quy định trong thực tế.

Dòng tiền bắt đầu chảy, bất động sản ôm hy vọng phá băng 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn. Thủ tướng nêu rõ, chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng hơn được thể hiện chủ yếu thông qua tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và phù hợp với thực tiễn.

Thị trường bất động sản tuy vẫn èo uột nửa đầu năm, nhưng với sự cải thiện của dòng vốn, đã có dấu hiệu chuyển biến từ tháng 6/2023. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định: “Thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đã thấy đâu đó một số dấu hiệu phục hồi. Chúng tôi dự báo đến cuối năm nay, muộn nhất là đầu năm tới, thị trường sẽ phục hồi”. 

Theo NHNN, dù tín dụng kinh doanh bất động sản tăng mạnh, song tín dụng cho tiêu dùng bất động sản (vay mua nhà) trong 5 tháng đầu năm lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để ở vẫn chưa sẵn sàng đầu tư.

Theo khảo sát của Báo Đầu tư, lãi vay mua nhà trên thị trường đang dao động ở mức 12,5-14%/năm. Nguyên nhân là các ngân hàng vẫn còn tồn dư một lượng lớn vốn huy động lãi suất cao từ cuối năm ngoái và đầu năm nay. Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, thu nhập giảm sút, với mức lãi vay này, dễ hiểu vì sao người dân chưa dám vay.

Ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Viện DXS - FERI) cho rằng, nếu lãi vay mua nhà giảm nhẹ về quanh mức 11 - 13%, giá bán nhà đi ngang, thì tỷ lệ hấp thụ bất động sản sẽ tăng 20 - 30%. Tuy nhiên, nếu lãi suất vẫn giữ ở mức 14% như hiện nay, thị trường sẽ tiếp tục gặp thách thức.

Theo các chuyên gia, hiện mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà 12 - 14% vẫn cao so với khả năng chịu đựng của nhà đầu tư. Nhà đầu tư đang có tâm lý chờ đợi. Nếu lãi vay giảm, thị trường có thể khởi sắc nhanh hơn dự báo. “Thị trường đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Dù các tín hiệu này còn ít, song cũng khiến tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn, nhiều người đang quan sát để chờ cơ hội xuống tiền. Dự báo thị trường bất động sản có sự chuyển biến tích cực vào nửa đầu năm 2024”, ông Khôi nhận định.  

Trong khi giới kinh doanh bất động sản khấp khởi mừng và kỳ vọng dòng vốn rẻ sẽ làm tan băng thị trường, thì NHNN dường như đang có nỗi lo mới - lo tiền rẻ sẽ lại chảy vào các dự án đầu cơ, tạo nên rủi ro bong bóng cho nền kinh tế. Đây là lý do NHNN vừa ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN bổ sung nhiều quy định chặt chẽ hơn về quy trình, hồ sơ, kế hoạch trả nợ với các khoản vay mua nhà.

Theo các chuyên gia phân tích của VNDirect, điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro với ngân hàng nếu có biến động mạnh xảy ra trên thị trường bất động sản, song cũng làm chậm lại tăng trưởng tín dụng nhà ở thời gian tới. Ngoài ra, Thông tư 06/2023/TT-NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tăng cường kiểm tra hoạt động cho vay với mục đích đảo nợ, hoặc phục vụ mục đích đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản…

Vàng nhích nhẹ, tỷ giá các ngân hàng tăng nhiệt

Thị trường vàng thế giới bất ngờ khởi sắc trong phiên giao dịch cuối cùng trong tuần để từ đó thiết lập tuần lễ tăng điểm đầu tiên trong vòng 4 tuần trở lại đây nhờ sự suy giảm của đồng USD và lợi suất trái phiếu.

Khép lại tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 0,73% lên 1.924,69 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2023 trên sàn Comex New York tăng 0,79% lên 1.930,5 USD/ounce.

Thông tin trực tiếp khiến giá vàng đổi chiều đến từ dữ liệu việc làm mới được công bố tại Mỹ. Ngày 7/7, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho biết, đã có thêm 209.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 6, thấp hơn ước tính của Dow Jones là 240.000 việc làm. Mặc dù tốc độ tăng trưởng việc làm trong tháng 6 của Mỹ vẫn ở mức tương đối cao nhưng đã giảm sút đáng kể so với mức tăng sau điều chỉnh của tháng 5 là 306.000 việc làm.

Mặt khác, tăng trưởng tiền lương lại mạnh lên một chút so với dự kiến. Thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ tăng lần lượt 0,4% so với tháng 5 và 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trước khi bản báo cáo chính thức được công bố, giới đầu tư đã dự đoán số liệu của Bộ Lao động Mỹ có thể cao hơn nhiều so với kết quả của ADP (hãng phân tích này cho biết khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo thêm 497.000 việc làm). Ngoài việc điều chỉnh giảm 33.000 việc làm trong tháng 5, Bộ Lao động Mỹ còn hạ số liệu của tháng 4 khoảng 77.000 xuống còn 217.000. Trung bình số việc làm phi nông nghiệp mới trong 6 tháng qua đã tụt xuống còn 278.000, giảm mạnh so với con số 399.000 của năm 2022.

Báo cáo việc làm là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như quyết định tăng/giảm lãi suất.

Mặc dù báo cáo của Bộ Lao động Mỹ khiến thị trường nghiêng về khả năng Fed có thể sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 7, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng dữ liệu này là không đủ để thay đổi lập trường của Fed về chính sách tiền tệ để qua đó có thể giúp vàng thực sự bứt phá.

Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp cuối tháng 7 này, qua đó kéo lãi suất lên phạm vi 5,25 - 5,5%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm từ mức cao nhất trong hơn 4 tháng, trong khi đồng USD giảm 0,9% xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần sau khi dữ liệu được công bố, giúp vàng trở nên hấp dẫn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 0,81% xuống 102,25 điểm; tăng 0,66 điểm so với tuần trước.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,45 - 67,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với tuần trước. Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng gần 12 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá trung tâm đóng cửa tuần đầu tiên của tháng 7 ở mức 23.833 đồng/USD, tăng 101 đồng so với tuần trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.642 - 25.024 đồng /USD. Tại Vietcombank, tỷ giá tăng 60 đồng ở cả hai chiều mua và bán, hiện đang được yết ở mức 23.470 đồng /USD (mua vào) và 23.810 đồng /USD (bán ra).

Trong tuần vừa qua, khi mà tỷ giá trung tâm tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo chiều hướng tăng lên thì tại hầu hết các ngân hàng đã hạ tỷ giá mua - bán bạc xanh phổ biến từ 30-60 đồng mỗi chiều mua - bán.

Tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro trong mở, sử dụng tài khoản thanh toán

NHNN tuần qua đã có công văn gửi các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro trong mở, sử dụng tài khoản thanh toán.  

Cụ thể, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát quy trình, quy định nội bộ về mở, sử dụng tài khoản thanh toán và chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống TCTD thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục mở tài khoản thanh toán theo quy định tại Điều 14 và khoản 1 Điều 14a Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 (đã được sửa đổi, bổ sung), không thực hiện việc mở tài khoản thanh toán theo danh sách khách hàng lập sẵn, bảo mật thông tin khảch hàng mở tài khoản.

Đối với các tài khoản thanh toán nghi ngờ nguồn tiền chuyển vào không hợp pháp, TCTD cần yêu câu khách hàng ra quầy giao dịch để xác minh lại thông tin khách hàng, dừng cung cấp dịch vụ trên Mobile banking hoặc yêu cầu xác thực giao dịch thanh toán kênh điện tử bằng yếu tố sinh trắc học hoặc sử dụng chữ ký số, dừng giao dịch nếu có đủ căn cứ xác đáng,..

Đẩy nhanh tiến độ triển khai kết nối khai thác dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác minh chính xác khách hàng theo Kế hoạch số 01/KHPH-BCA- NHNN ngày 24/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an về phối hợp triển khai Đề án 06 đảm bảo kiểm tra, đối chiếu khớp đúng thông tin khách hàng mở tài khoản thanh toán với thông tin lưu trữ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm hạn chế việc mở tài khoản thanh toán bằng giấy tờ tùy thân giả mạo, cho thuê tài khoản thanh toán,...

Trong đó, NHNN lưu ý một số nội dung. Thứ nhất, đối với trường hợp khách hàng mở tài khoản thanh toán tại chi nhánh, phòng giao dịch: Phổ biến, đào tạo đến toàn bộ cán bộ, giao dịch viên về nhận biết giấy tờ tùy thân thật, giả khi tiếp xúc kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách hàng trong quá trình mở tài khoản thanh toán; Nghiên cứu sử dụng thiết bị/ứng dụng chuyên dụng đọc thông tin trong chip của căn cước công dân (CCCD) gắn chip để xác thực thông tin, dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán tại quầy phục vụ kiểm tra, đối chiếu xác thực khách hàng trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán. Lưu trữ, bảo quản đầy đủ dữ liệu sinh trắc học của khách hàng để phục vụ kiểm tra đối chiếu xác thực khách hàng trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.

Thứ hai, đối với trường hợp khách hàng mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử: các ngân hàng thương mại phải áp dụng các biện pháp công nghệ để kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của giây tờ tùy thân của khách hàng; Nghiên cứu áp dụng các giải pháp, công nghệ thiết bị chuyên dụng kết nối khai thác dữ liệu dân cư, sử dựng CCCD gắn chip để kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của CCCD hoặc nghiên cứu kết nối Cơ sở dữ liệu quôc gia dân cư để xác minh thông tin nhận biêt khách hàng; Lưu trữ, bảo quản đầy đủ dữ liệu sinh trắc học của khách hàng để phục vụ kiểm tra đối chiếu xác thực khách hàng trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tín dụng bất động sản 5 tháng tăng 14%
Thống đốc cho hay, tín dụng vào kinh doanh bất động sản 5 tháng đầu năm 2023 tăng 14% cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư