Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng không dễ thực thi yêu cầu tăng vốn
Thùy Vinh - 27/08/2016 14:36
 
Kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng vẫn không dễ thực hiện, đặc biệt là ở những ngân hàng quy mô nhỏ, do giá cổ phiếu kém hấp dẫn nhà đầu tư, trong khi áp lực tái cơ cấu lớn.
.
Dự kiến trong năm 2016, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) sẽ tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng

Tổng giám đốc một ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng cho biết, yêu cầu tăng vốn được đặt ra từ 2 năm trước, song đến nay, ngân hàng này chưa thực hiện được do thị trường khó khăn, cổ phiếu ngân hàng giảm, nên cổ đông không mấy mặn mà. Việc tăng vốn bằng nguồn thặng dư, cổ tức lại càng khó khăn hơn đối với ngân hàng nhỏ, khi lợi nhuận làm ra trong những năm qua chủ yếu tập trung cho trích dự phòng rủi ro. Vì vậy, HĐQT ngân hàng này đành phải chờ đợi thêm, nếu điều kiện thị trường cho phép thì sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Mặc dù đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận việc tăng vốn từ mức 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, nhưng trong năm 2015, một ngân hàng có trụ sở chính tại TP.HCM đã không thể hoàn tất kế hoạch trên, khi chỉ huy động được 21 tỷ đồng trên tổng 1.000 tỷ đồng vốn cần huy động từ cổ đông hiện hữu. Vì vậy, vốn pháp định của nhà băng này hiện chỉ nhích hơn mức 3.000 tỷ đồng, trong khi mục tiêu đặt ra là tăng lên 4.000-4.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2015-2016.

HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Sài Gòn (Saigonbank) cũng cho hay, mục tiêu của Ngân hàng trong năm 2016 là tiếp tục tăng cường năng lực tài chính, quy mô hoạt động trên cơ sở đảm bảo an toàn. Trong đó, vốn điều lệ sẽ được nâng từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua và đã được NHNN chấp thuận. Nhưng đến nay, khi năm tài chính 2016 gần đi qua, kế hoạch này của Saigonbank vẫn chưa có động tĩnh gì mới.

Trên thực tế, hơn 3 năm qua, Saigonbank chưa thể hoàn thành kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, áp lực thoái vốn của các cổ đông lớn tại Saigonbank gia tăng theo lộ trình quy định của Thông tư 36/2015/TT-NHNN quy định việc tổ chức lại các tổ chức tín dụng. Mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) đã thoái 5,48% vốn cổ phần tại Saigonbank, nhưng vẫn còn cổ đông lớn (Ngân hàng TMCP Ngoại thương - Vietcombank) cũng đang đứng trước áp lực thoái vốn tại đây.

Các ngân hàng có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng vẫn nỗ lực để nâng cao năng lực tài chính, đối phó với những rủi ro trong hoạt động và áp lực thực hiện các chuẩn mực quốc tế. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ đợt 1 thêm 111 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ 4.400 tỷ đồng lên 4.511 tỷ đồng thông qua việc phát hành 11.099.948 cổ phiếu để trả cổ tức năm 2014. Hiện Bac A Bank đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 4.400 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội cổ đông thường niên thông qua và dự kiến triển khai trong năm nay. Tuy nhiên, gần hết 3 quý đầu năm, Ngân hàng vẫn chưa phát hành tăng vốn.

Dự kiến trong năm 2016, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) sẽ tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng sau khi hoàn tất quá trình tăng vốn năm 2015 thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc bên ngoài và cổ đông hiện hữu là 500 tỷ đồng. OCB cho biết, thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2016, nhưng đến nay, OCB vẫn chưa triển khai. Thậm chí, OCB cho biết, đợt phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc bên ngoài và cổ đông hiện hữu trong đợt tăng vốn lên 4.500 tỷ đồng tiếp tục được hoàn tất.

Ngoài những ngân hàng trên, hầu hết các ngân hàng đang đứng trước áp lực tăng vốn điều lệ để sử dụng công cụ Basel hiệu quả. Vì thế, 10 ngân hàng Việt được chỉ định thí điểm theo tiêu chuẩn Basel II (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank, VIB) cũng lần lượt tăng vốn từ việc chia cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu mới. Việc áp dụng Basel II sẽ khiến hệ số an toàn vốn CAR của các ngân hàng giảm, yêu cầu vốn tăng lên, do ngoài rủi ro tín dụng, Basel II tính đến yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Do đó, những ngân hàng có CAR xung quanh 9% sẽ phải tính đến phương án tăng vốn cấp 1 hoặc cấp 2 để cải thiện CAR.

Hệ thống ngân hàng "đua" tăng vốn đáp ứng Basel II
Một trong những áp lực lớn đối với các ngân hàng trong việc áp dụng Basel II là tăng vốn, đảm bảo an toàn rủi ro. Những ngân hàng có hệ số an...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư