Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 11 tháng 08 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua:
Ngân hàng Nhà nước tăng hai loại lãi suất điều hành; lợi nhuận ngân hàng phân hóa; nhiều trái phiếu lùi hạn trả nợ
H.T - 11/08/2024 09:22
 
Ngân hàng Nhà nước tăng hai loại lãi suất điều hành; lợi nhuận ngân hàng phân hóa; vàng vẫn được nhiều yếu tố hỗ trợ; hàng chục mã trái phiếu phải lùi thời hạn trả nợ, lãi suất tăng khiến tiền gửi chảy trở lại ngân hàng... là tiêu điểm tuần qua.
TIN LIÊN QUAN

Lãi suất thấp chưa kích được cầu tín dụng mua nhà

Để kích cầu tín dụng mua nhà, các ngân hàng rầm rộ tung ưu đãi lãi suất, song cũng chỉ ở giai đoạn ngắn 3-6 tháng đầu, sau đó cộng biên độ lên đến 3,5-5%/năm.  

Hiện nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ có mức lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất 4-5%/năm, nhưng chỉ áp dụng trong thời gian từ 3 đến 6 tháng. Cụ thể, tại BVBank, lãi suất cho vay mua nhà là 4,9% trong 6 tháng; 7,49% trong 18 tháng, sau đó cộng biên độ 3,5-4%/năm trở lên. PVcomBank có lãi suất cho vay ưu đãi khoảng 3,99% trong 3 tháng đầu; 5,99% trong 6 tháng; 6,2% trong 12 tháng, sau đó cộng biên độ không dưới 3%... Còn tại VietA Bank, lãi suất cho vay mua nhà là 6%/năm trong 3 tháng đầu, sau đó cộng biên độ 4,5-5%/năm.

Tương tự, tại Techcombank, mức lãi suất ưu đãi là 5% trong 3 tháng đầu; 6,3% trong 6 tháng; 6,7% trong 12 tháng; 7% trong 18 tháng. Tại MB, lãi suất cho vay mua nhà 7,5% sẽ được ưu đãi trong 6 tháng đầu; 7,9% trong 12 tháng. HDBank có lãi vay ưu đãi trong 6 tháng đầu là 5%; 12 tháng đầu là 6,5%/năm. Tuy nhiên, đó đều là mức lãi suất ưu đãi chỉ được áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó lãi suất sẽ được đưa về mức thả nổi, khoảng 10-12%/năm.

Các nhà băng có vốn nhà nước cũng cạnh tranh về lãi suất cho vay mua nhà, nhưng sau thời gian ưu đãi, mức lãi cũng không dưới 10%/năm. Cụ thể, tại Agribank, lãi suất cố định trong 12 tháng đầu tiên là 6,5%/năm; tại BIDV là khoảng 5,2%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 5,5%/năm trong 12 tháng. VietinBank áp dụng lãi vay cố định 5,8% trong 12 tháng; 6,2% trong 18 tháng; hoặc 6,7% trong 24 tháng. Vietcombank áp dụng lãi vay mua nhà từ 5,5% trong 6 tháng đầu, từ 6,2% trong 18 tháng, từ 6,5% trong 24 tháng.

Như vậy, so với doanh nghiệp, thì khách hàng cá nhân vẫn chịu thiệt nhiều hơn khi phải trả lãi suất cao hơn, kể cả trong xu hướng mặt bằng lãi suất duy trì ổn định. Đó cũng là chiến lược của ngân hàng trong việc duy trì NIM (biên lãi ròng) ở phân khúc khách hàng này, để đóng góp tích cực vào nguồn thu, lợi nhuận.

Theo PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học kinh tế TP.HCM), trong bối cảnh kinh tế khó khăn tác động lên hoạt động của doanh nghiệp và khiến thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, dù lãi suất cho vay giảm xuống mức hợp lý hơn so với cuối năm 2024, song khách hàng cá nhân vẫn dè dặt trong việc mượn vốn ngân hàng để mua nhà.

TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cũng nhận định, với bối cảnh thị trường bất động sản còn trầm lắng, nhu cầu đầu cơ giảm, những người có nhu cầu thực về nhà ở chưa dám vay vốn để mua nhà. Lý do là kinh tế khó khăn, thu nhập không còn như trước; lãi suất có giảm, nhưng giá bất động sản vẫn ở mức cao khiến người mua nhà phải tính toán kỹ. Khi có nhu cầu vay mua nhà, khách hàng phải có tối thiểu 30% vốn tự có, đồng thời phải tính toán thu nhập để cân đối việc trả nợ.

Đó cũng là lý do tín dụng mua nhà khó tăng, kể cả khi mặt bằng lãi vay có giảm. Ngân hàng Nhà nước cho biết, 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 4,61% so với cuối năm 2023, chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng (khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng bất động sản), nhưng tăng trưởng tín dụng với nhu cầu này chỉ đạt 1,15% so với cuối năm 2023. Còn dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 10,29% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 40% tổng dư nợ.

Bộ Xây dựng cho biết, nửa đầu năm nay, thị trường bất động sản có phản ứng tích cực với các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nguồn cung bất động sản có dấu hiệu phục hồi, thị trường ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt Dự án cũ được tái khởi động và dự án mới mở bán. Theo đó, nửa đầu năm nay, có 18 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới và 984 dự án đang triển khai.

Với phân khúc nhà ở xã hội, trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang xin ý kiến các bộ, ban, ngành để điều chỉnh một số nội dung theo hướng giảm lãi suất cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Khả năng người mua nhà ở xã hội có thể được vay trung, dài hạn với mức lãi suất thấp hơn thị trường 3 - 5%, thay vì chỉ thấp hơn 1,5 - 2% như hiện tại. NHNN cũng đề xuất tăng gói tín dụng này từ 120.000 tỷ đồng lên 140.000 tỷ đồng, với thời hạn cho vay tăng lên, lãi suất giảm xuống. 

Chỉ 7% trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm, thêm hàng chục mã trái phiếu phải gia hạn gốc lãi

Trong tháng 7/2024 có 4 mã trái phiếu công bố chậm trả gốc, lãi với tổng giá trị 3.392 tỷ đồng và 41 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc.

Báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu cho thấy, tính đến ngày công bố thông tin 02/08/2024, có 33 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 31.387 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 395 tỷ đồng trong tháng 7/2024.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, có 175 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 168.433 tỷ đồng và 12 đợt phát hành ra công chúng trị giá 14.586 tỷ đồng. Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 7% giá trị.

Trong tháng 7, các doanh nghiệp đã mua lại 32.094 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong phần còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 121.854 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 51.603 tỷ đồng, tương đương 42%.

Khả năng trả nợ trái phiếu với nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn. Trong tháng 7/2024, có 4 mã trái phiếu công bố chậm trả gốc, lãi mới với tổng giá trị 3.392 tỷ đồng và 41 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc.  

Về cơ cấu, trong 7 tháng đầu năm, nhóm ngân hàng chiếm 67,2% tổng lượng trái phiếu phát hành, nhóm bất động sản chiếm 21,5% lượng trái phiếu phát hành.

Trong báo cáo mới đây, chuyên gia phân tích công ty chứng khoán Vndirect cho rằng, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng trở lại trong tháng 8/2024 (sẽ có khoảng hơn 14.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn) và sẽ duy trì ở mức cao trong các tháng còn lại của năm 2024.

"Hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra sôi động trong tháng 7/2024. Tính từ đầu năm đến ngày 30/7 đã có hơn 90 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn là khoảng hơn 153.000 tỷ đồng”, chuyên gia phân tích Vndirect cho hay.

Vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới trao đổi với báo Đầu tư về xu hướng thị trường vàng thời gian tới.

Theo Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), cầu vàng toàn cầu quý II/2024 tăng kỷ lục, động lực tăng trưởng đến từ đâu, thưa ông?

Tổng nhu cầu vàng toàn cầu quý II/2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.258 tấn, là quý II tăng mạnh nhất từ trước đến nay, chủ yếu là do cầu đầu tư vàng tại châu Á tăng mạnh, nhất là Trung Quốc (tăng 62% so với cùng kỳ) và Ấn Độ (tăng 46%) so với cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân khiến cầu vàng tại châu Á tăng là do thị trường chứng khoán, bất động sản gặp khó khăn nên nhà đầu tư chuyển hướng sang vàng. Trong khi đó, cầu vàng tại châu Âu, Mỹ giảm nhẹ, nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến vàng mà chủ yếu đầu tư vào chứng khoán, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ.

Ngoài ra, cầu mua của của khối ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong quý II/2024, các ngân hàng trung ương và các tổ chức thuộc chính phủ đã nắm giữ thêm 183 tấn vàng trên toàn cầu, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Khảo sát ngân hàng trung ương hàng năm của WGC đã xác nhận rằng các nhà quản lý dự trữ tin tưởng rằng các hoạt động phân bổ vàng sẽ tiếp tục tăng trong 12 tháng tới do nhu cầu bảo vệ và đa dạng hóa danh mục đầu tư trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị diễn biến phức tạp. Tại khu vực ASEAN, nhu vàng tiếp tục tăng so với năm ngoái, một phần là do nội tệ mất giá.    

Ông đánh giá như thế nào về xu hướng giá vàng thế giới thời gian tới? Liệu lực cầu của khối ngân hàng trung ương có còn tiếp diễn như thời gian qua?

Theo tầm nhìn dài hạn của Hội đồng vàng thế giới, cầu vàng của khối bán lẻ và khối ngân hàng trung ương trên toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục tăng thời gian tới. Nhiều khả năng tới đây Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất, điều này sẽ hỗ trợ cho thị trường vàng. Ngoài ra, tâm lý lo ngại trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, các biến động chính trị trên toàn cầu… cũng đang có lợi cho giá vàng. Nếu bất ổn kinh tế, địa chính trị vẫn tiếp diễn, các quỹ ETF sẽ tiếp tục mua vàng nhằm đảm bảo an toàn tài sản.

Tất nhiên, nếu trong trường hợp nội tệ các quốc gia mất giá mạnh, có thể các ngân hàng trung ương không mua vàng nữa mà chuyển sang tập trung bảo vệ sự ổn định đồng nội tệ. Theo đó, cầu mua vàng sẽ giảm, từ đó tác động tiêu cực tới giá vàng.

Tuy vậy, triển vọng của vàng từ nay đến cuối năm sẽ lạc quan. Khảo sát của Hội đồng vàng thế giới cách đây 1 tháng thì có tới 29 ngân hàng trung ương cho biết vẫn có nhu cầu tiếp tục mua thêm vàng. Đây là con số rất cao mà chúng tôi nhận được.    

Năm ngoái, khối ngân hàng trung ương đã mua vào trên 1.000 tấn vàng, nửa đầu năm nay đã mua vào hơn 500 tấn. Riêng Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã dừng mua vàng 3 tháng liên tiếp song tôi nghĩ rằng tương lai sẽ mua trở lại. Hiện dự trữ vàng của Trung Quốc chỉ chiếm 5% dự trữ ngoại hối của nước này, còn rất nhiều dư địa để Trung Quốc tăng nắm giữ vàng, đa dạng hóa danh mục.

Theo ông, cầu vàng tại Việt Nam thời gian tới sẽ ra sao? Ông đánh giá như thế nào về các giải pháp quản lý thị trường vàng gần đây của NHNN?

Trong quý II/2024, cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong quý II/2024, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 lên 12 tấn. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014. Các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng miếng và vàng xu như kênh lưu trữ an toàn nhằm đối phó với sự gia tăng của lạm phát, đồng nội tệ sụt giảm, hiệu suất kém của thị trường cổ phiếu và bất động sản trong nước. Riêng cầu vàng trang sức sụt giảm một phần do giá cao, một phần do kinh tế tăng trưởng chậm đã tác động đến tâm lý người mua.

Các giải pháp quản lý vàng gần đây của NHNN là nhằm bình ổn thị trường vàng nội địa, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Mỗi ngân hàng trung ương đều có lý do riêng của mình trong giải pháp quản lý với thị trường vàng. Theo tôi được biết, các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng đang cân nhắc đến việc nhập khẩu vàng. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ tạo ra được sự minh bạch và đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường vàng.

Thông tin mới về mua vàng miếng: Sau hai ngày mới được nhận, mỗi lần mua tối đa một lượng

Hai ngân hàng Vietcombank và VietinBank vừa có thông báo điều chỉnh thời gian giao vàng miếng SJC cho khách hàng sau 2 ngày kể từ ngày đăng ký mua.

Do thay đổi trong quy trình vận chuyển, giao nhận và quản lý vàng miếng, kể từ ngày 8/8/2024, Vietcombank sẽ thực hiện giao vàng miếng cho khách hàng sau 2 ngày làm việc kể từ ngày khách hàng đăng ký mua vàng miếng thành công và hoàn thành giao dịch mua vàng miếng tại địa điểm giao dịch vàng miếng của Vietcombank.

Tương tự, VietinBank cũng sẽ thực hiện giao vàng miếng SJC cho khách hàng sau 2 ngày làm việc, kể từ ngày khách hàng hoàn thành đăng ký và thanh toán mua vàng miếng SJC thành công tại các điểm bán của VietinBank.

Mỗi khách hàng cũng chỉ được đăng ký mua tối đa 1 lượng vàng miếng SJC tại các ngân hàng.

BIDV và Agribank chưa có thông báo điều chỉnh thời gian giao vàng miếng.

Trước đó, một số ngân hàng đã nâng cấp tiện ích Đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến theo hướng chỉ áp dụng cho các khách hàng cá nhân có tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng đó.

Trường hợp có nhu cầu mua vàng miếng mà chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, người mua có thể mở tài khoản online hoặc đến chi nhánh ngân hàng này gần nhất để được hỗ trợ.

Sáng 8/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm giá bán vàng miếng cho 4 ngân hàng quốc doanh và SJC, về 77,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn nửa triệu đồng so với hôm qua. Tính chung từ đầu tuần, giá mỗi lượng vàng miếng đã giảm 1,3 triệu đồng.

Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024

Dư nợ toàn nền kinh tế tăng mạnh trong tháng 6, nhưng sang tháng 7 lại quay đầu giảm. Trong bối cảnh sức cầu còn yếu, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 vẫn là thách thức.

Báo cáo của ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ mức 3,4% so với đầu năm vào cuối tháng 5/2024, lên 6% vào cuối tháng 6, sau đó giảm còn 5,3% tại ngày 17/7. Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), diễn biến này phù hợp với quy luật về xu hướng tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, mức tăng vào cuối quý II cao kỷ lục, nên xu hướng giảm tốc trong tháng 7 nhiều khả năng sẽ mạnh hơn các năm trước.

Những tháng qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng cũng như các ngành nghề không đồng đều. Theo số liệu công bố của các ngân hàng, tính đến hết tháng 6/2024, các ngân hàng như LPBank, HDBank, ACB có mức tăng trưởng cao so với toàn ngành (lần lượt đạt 15,2%, 13,3% và 12,4%), trong khi nhóm “Big4” và một số ngân hàng khác có mức tăng trưởng thấp hơn.

Đáng mừng là, tín dụng 6 tháng đầu năm tiếp tục chảy vào các lĩnh vực ưu tiên. Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, tín dụng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%; lĩnh vực công nghệ cao tăng 18,16%...

Ngoài ra, theo số liệu của NHNN, tín dụng bất động sản tăng 4,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 10,3%, nhưng tín dụng cho bất động sản tiêu dùng chỉ nhích nhẹ, tăng 1,2%.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm trong nửa đầu năm nay và tín dụng chỉ mới cải thiện trong tháng cuối quý II/2024. Nguyên nhân do tính chất “mùa vụ” trong quý đầu năm và sức cầu thị trường còn yếu, thị trường bất động sản hồi phục, nhưng chưa rõ nét…

Ở một góc nhìn khác, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu (Tập đoàn UOB) phân tích, nhu cầu tín dụng liên quan đến mức độ tự tin của các doanh nghiệp khi đánh giá triển vọng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai và số lượng đơn đặt hàng thực tế mà doanh nghiệp nhận được, cùng nhiều yếu tố khác.

Theo ông Suan Teck Kin, mặc dù tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 còn khá xa so với mục tiêu cả năm, nhưng khi dữ liệu tín dụng được cải thiện dần trong tháng 6/2024 và kỳ vọng về những mức tăng tiếp theo, niềm tin thị trường sẽ quay trở lại. Xét về yếu tố “mùa vụ”, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong nửa cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm. Nếu đơn hàng tiếp tục về với doanh nghiệp Việt Nam, thì tín dụng sẽ tăng và tăng bền vững hơn.

Thời gian qua, NHNN đã đưa ra nhiều chương trình để hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển tín dụng. NHNN dự báo, tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm sẽ khả quan nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường; giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Cùng với đó, NHNN cũng xác định, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành tín dụng 6 tháng cuối năm 2024 là chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Phó thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú cho biết, trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, với những mục tiêu, giải pháp, dự báo được đưa ra cho năm 2024 và kết quả thực hiện trong các tháng đầu năm, có thể thấy, để đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% như mục tiêu mà NHNN đặt ra, trong các tháng còn lại của năm, hệ thống ngân hàng sẽ phải nỗ lực lớn để cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đồng thời vẫn phải kiểm soát được các nguy cơ rủi ro tín dụng.

Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, tín dụng đang dần cải thiện và dù có tăng chậm, thì ngân hàng cũng không “hạ chuẩn”. Theo đó, ngành ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống, tập trung vào động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng xu hướng mới như tín dụng xanh…

Lãi suất tăng, tiền gửi chảy trở lại ngân hàng

Tốc độ tiền gửi vào hệ thống ngân hàng ngày càng tăng cùng tốc độ tăng của lãi suất, trong bối cảnh các kênh đầu tư tài sản rủi ro đang gặp khủng hoảng.

Thị trường chứng khoán giảm sốc phiên đầu tuần này, trong khi kênh đầu tư tài sản rủi ro khác là tiền ảo cũng cắm đầu lao dốc. Trong nước, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa khởi sắc. Ngược lại, tiền gửi ngân hàng liên tục tăng trong 4 tháng qua đã kích thích dòng tiền chảy trở lại vào hệ thống ngân hàng.

Tháng 1/2024, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng âm. Tuy nhiên, tình trạng này dần được cải thiện theo tốc độ tăng của lãi suất huy động. Nếu như trong tháng 2/2024, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng 1,6%, thì tháng 5/2024 đã tăng lên mức 2,8%.

Chỉ trong 6 ngày đầu tháng 8/2024, đã có 6 ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động, gồm Agribank, Eximbank, Sacombank, Saigonbank, HDBank và TPBank. Riêng Sacombank đã có 2 lần tăng lãi suất trong vỏn vẹn chưa đầy một tuần.

Trước đó, trong tháng 7/2024, có 19 ngân hàng tăng lãi suất huy động.

Tính đến đầu tuần này, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã chạm mốc 6%/năm, kỳ hạn 18 tháng chạm mốc 6,1%/năm. Tuần qua (từ ngày 29/7 đến 2/8), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng 48.279,24 tỷ đồng bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 23.965,73 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 77.500 tỷ đồng. Hiện lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao.

Trao đổi với Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù lãi suất tăng là trái với mong muốn của Chính phủ, song là xu hướng tất yếu của thị trường trong bối cảnh tín dụng tăng gấp 3 - 4 lần tốc độ tăng của huy động vốn. Theo chuyên gia này, lãi suất tăng với tốc độ như hiện nay là “có lợi cho nền kinh tế”, giúp cân bằng các kênh đầu tư, hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Được biết, tính đến cuối tháng 6/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 6%, trong khi huy động vốn chỉ tăng 1,5%. Tình trạng này kéo dài sẽ gây rủi ro cho thanh khoản hệ thống. Vì vậy, các chuyên gia nhận định, lãi suất tăng là cần thiết, việc lãi suất tiền gửi bị “ép” giảm quá sâu sẽ khiến “bẫy thanh khoản” cũng như rủi ro bong bóng tài sản xảy ra.

Lãi suất cho vay khó biến động mạnh

Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam, Công ty Chứng khoán Shinhan dự báo, rất có khả năng tỷ giá, lạm phát hạ nhiệt vào cuối năm. Nhờ vậy, NHNN sẽ có nhiều dư địa hơn để nới lỏng, duy trì lãi suất ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đà phục hồi.

Thực tế, trong phiên giao dịch đầu tuần này (5/8), NHNN đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) và lãi suất tín phiếu từ 4,5% xuống 4,25%. Đồng thời, tăng quy mô cho vay trên thị trường mở so với phiên trước đó. Việc điều chỉnh hai loại lãi suất điều hành này cho thấy, NHNN đang hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, qua đó làm dịu bớt áp lực lãi suất trên thị trường dân cư. Tỷ giá bớt căng thẳng là nguyên nhân khiến NHNN dễ quyết định hơn trong việc hạ lãi suất điều hành.

Riêng trần lãi suất huy động và cho vay vẫn được NHNN giữ nguyên. Theo nhận định của các chuyên gia, lãi suất cho vay sẽ khó tăng mạnh, do Chính phủ kiên trì các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

TS. Châu Đình Linh (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) nhìn nhận, lãi suất huy động tăng trong thời gian vừa qua, nhất là giai đoạn gần đây, phản ánh đúng diễn biến thị trường, vì 3 lý do. Thứ nhất, lãi suất tăng phù hợp với tương quan lạm phát kỳ vọng. Thứ hai, cầu tín dụng dự báo phục hồi rõ rệt hơn trong nửa cuối năm, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút vốn đầu vào. Thứ ba, lãi suất huy động tăng để cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản…

Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động tiền đồng thời gian tới không thể hạ nhiệt, một phần vì cầu tín dụng tăng, một phần vì NHNN sẽ duy trì lãi suất liên ngân hàng ở nền cao (4 - 5%) nhằm hạn chế găm giữ, đầu cơ tỷ giá. Lãi suất liên ngân hàng cao sẽ tác động đến thanh khoản hệ thống, làm tăng lãi suất huy động trên thị trường dân cư.

Trước đó, chuyên gia phân tích của hàng loạt công ty chứng khoán như MBS, KBSV… cũng cho rằng, lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2024 với mức tăng khoảng 50 điểm cơ bản. Riêng với lãi suất cho vay, Công ty Chứng khoán MBS nhận định: “Lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn”.

Nhiều chuyên gia dự báo, lãi suất cho vay có thể nhích nhẹ, song trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, đa phần ngân hàng sẽ giữ mặt bằng lãi suất hiện tại để cạnh tranh. Những ngân hàng có CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tốt, chất lượng tín dụng và quản trị rủi ro tốt sẽ giữ được nền lãi vay tốt, ngược lại những ngân hàng nào có nợ xấu lớn, CASA nhỏ sẽ có nguy cơ tăng lãi suất cho vay, cũng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của chính mình. 

Về cơ bản, với khả năng điều tiết của NHNN hiện nay, thanh khoản của hệ thống sẽ không gặp trở ngại nào. Tính tới cuối tháng 5/2024, hơn 13,4 triệu tỷ đồng tiền gửi vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng. Do đó, sẽ không có cú sốc nào trên thị trường lãi suất. Khả năng NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành nửa cuối năm khó xảy ra. Các chuyên gia cũng cho rằng, đà tăng lãi suất sẽ chậm lại trong thời gian tới.

Nhà băng ngậm ngùi thua lỗ khi kinh doanh phái sinh tiền tệ

Nghiệp vụ phái sinh tiền tệ là mảng kinh doanh độc quyền của các ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, không ít ngân hàng lỗ lớn từ hoạt động này.

Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy, dù mảng kinh doanh ngoại hối đa phần vẫn mang về lợi nhuận cho các nhà băng, song chủ yếu nhờ kinh doanh ngoại tệ giao ngay. Ngược lại, nghiệp vụ phái sinh tiền tệ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong mảng kinh doanh ngoại hối của các nhà băng, nhưng đây cũng là nghiệp vụ khiến nhiều ngân hàng lỗ lớn.

Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, khoản lỗ từ nghiệp vụ phái sinh tiền tệ của Ngân hàng MB là 893 tỷ đồng. Nhờ khoản lãi 1.747 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của MB mới tăng trưởng dương, đạt 855 tỷ đồng.

Tương tự, Techcombank cũng lỗ 578 tỷ đồng từ nghiệp vụ phái sinh tiền tệ. Nhờ 1.533 tỷ đồng lãi ròng từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay, Techcombank thu được lãi thuần 955 tỷ đồng từ mảng kinh doanh ngoại hối.

Tại SeABank, mảng kinh doanh công cụ phái sinh tiền tệ chiếm 60% doanh thu mảng ngoại hối của ngân hàng này, song chỉ đóng góp hơn 8% lãi thuần của mảng kinh doanh ngoại hối.

Kinh doanh các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ cũng chiếm 92% doanh thu mảng kinh doanh ngoại hối của MSB, song nghiệp vụ này lại mang về khoản lỗ 213 tỷ đồng cho ngân hàng này. Lũy kế 6 tháng, MSB vẫn lãi 976 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối (tăng 110% so với cùng kỳ), nhờ sự bù đắp của hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng (lãi 1.190 tỷ đồng).

Tương tự, động lực tăng trưởng lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối của VPBank cũng đến từ mua bán ngoại tệ giao ngay, trong khi kinh doanh các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ lỗ tới 359 tỷ đồng.

Nửa đầu năm nay, chỉ có một số ít ngân hàng lãi lớn từ các công cụ phái sinh tiền tệ, trong đó có Agribank. Nửa đầu năm nay, lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối của Agribank đạt tới 2.029 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng lãi từ nghiệp vụ phái sinh tiền tệ là 1.563 tỷ đồng. Trong kỳ, kinh doanh công cụ phái sinh tiền tệ chiếm gần 75% doanh thu và 77% lợi nhuận của mảng kinh doanh ngoại hối của ngân hàng này.

Như vậy, lợi nhuận mảng kinh doanh ngoại hối trong nửa đầu năm nay của các ngân hàng chủ yếu đến từ mua bán ngoại tệ giao ngay. Chênh lệch giá mua - giá bán USD niêm yết tại các ngân hàng trong nửa đầu năm luôn duy trì ở mức cao, có lúc lên tới 400 đồng/USD, trong khi nhu cầu ngoại tệ trên thị trường tăng mạnh, giúp các ngân hàng thu về khoản lãi không nhỏ.

Trong khi đó, lợi nhuận của kinh doanh công cụ phái sinh tiền tệ - vốn phụ thuộc nhiều vào việc dự đoán đúng xu hướng tỷ giá trong tương lai nhằm đưa ra các sản phẩm phái sinh phù hợp - cũng là nguyên nhân làm nên sự khác biệt trong kết quả kinh doanh ngoại hối của các nhà băng.

Từ nay đến cuối năm, tỷ giá có thể không biến động mạnh như trong nửa đầu năm. Tỷ giá lặng sóng không phải là điều kiện lý tưởng cho hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng. Dù vậy, theo nhận định của các ngân hàng thương mại, cầu ngoại tệ trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ xuất khẩu phục hồi. Điều này sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận mảng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng.

Ngoài kinh doanh ngoại tệ giao ngay, nghiệp vụ phái sinh tiền tệ - đặc biệt là nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ (FX Swap) - là hoạt động phổ biến nhất trong lĩnh vực kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng. Được biết, quy mô nghiệp vụ FX Swap của các ngân hàng Việt Nam lên tới hàng tỷ USD.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng cho hay, mặc dù nghiệp vụ FX Swap mang lại khoản lỗ cho nhiều ngân hàng, song thực tế, ngân hàng vẫn lãi từ nguồn vốn ngoại hối. Dù trên báo cáo tài chính, ngân hàng lỗ ở hoạt động kinh doanh ngoại hối, song nguồn vốn ngoại hối lại đang giúp các ngân hàng lãi từ hoạt động cho vay.

Cụ thể, hiện nay, các ngân hàng đều sử dụng nghiệp vụ Swap để hoán đổi USD sang VND, sau đó, dùng VND để cho vay doanh nghiệp. Lãi từ hoạt động cho vay VND (7-8%/năm) bao giờ cũng lớn hơn khả năng giảm của tỷ giá, nên ngay cả khi lỗ từ nghiệp vụ phái sinh tiền tệ, thì thực tế, ngân hàng vẫn đang hưởng lợi lớn từ nguồn vốn ngoại hối.

Trong nửa đầu năm nay, tỷ giá tăng 4,4%. Dù vậy, các chuyên gia nhận định, tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024. Ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp (Khối Nguồn vốn, Ngân hàng Citibank Việt Nam) dự báo, từ giờ đến cuối năm, tỷ giá sẽ quanh mức 25.300 VND/USD và đạt 26.000 VND/USD vào cuối năm sau.

Thủ tướng yêu cầu để doanh nghiệp, người dân tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm lãi suất cho vay

Chiều 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ.

Theo báo cáo của NHNN tại cuộc họp, trong 7 tháng năm 2024, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn cảu nền kinh tế.

Đến ngày 31/7, lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý II/2024 đạt 6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023. Như vậy, tín dụng trong tháng 7 giảm nhẹ 0,34%.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chính sách tiền tệ có vai trò hết sức quan trọng, hoạt động ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ tốt sẽ tạo thuận lợi, nền tảng cho phát triển đất nước nói chung, các ngành kinh tế nói riêng.

Thủ tướng đánh giá, tình hình thực tiễn thời gian qua cho thấy định hướng từ đầu năm của Chính phủ về "chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả" là cơ bản phù hợp và được NHNN tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, kết hợp hài hòa với các chính sách khác về tài khóa, thương mại, đầu tưbất động sản…, góp phần để chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và có thặng dư.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn những khó khăn trước mắt và lâu dài khi áp lực lạm phát còn cao, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu vay vốn tăng cao vào cuối năm, nhu cầu ngoại tệ tăng, rủi ro từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới…

Cùng với đó, số tiền trong dân gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp để nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh.

Xác định thời gian tới tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội, thuận lợi, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục bám sát diễn biến, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước; tìm ra, khai thác thời cơ và thuận lợi, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước; phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với các chính sách khác để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tiền tệ.

 Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán thực hiện theo Kết luận 64 của Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2023-2024; điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách khác.

Cụ thể, điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới. Điều hành tỷ giá linh hoạt bằng các công cụ khác nhau. Tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay với các động lực tăng trưởng, các Dự án hạ tầng; trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong thực hiện "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Đồng thời, điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp diễn biến thị trường. Điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tín dụng phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các chương trình ưu đãi. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngân hàng, giảm chi phí, chống tiêu cực, làm lợi cho người dân.

Cùng với đó, tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ một cách căn cơ, bài bản. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025"; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Làm tốt hơn công tác thông tin, truyền thông, chú trọng truyền thông rõ ràng, minh bạch về các sản phẩm của các tổ chức tín dụng, nâng cao hiểu biết của người dân. Đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, tăng cường công khai, minh bạch.

Thủ tướng hoan nghênh NHNN đề xuất tăng gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lên 140 nghìn tỷ đồng với thời hạn cho vay tăng lên và lãi suất giảm đi; yêu cầu phải nghiên cứu điều kiện tiếp cận phù hợp, tìm cách làm bằng được gói tín dụng này vì đây là chính sách nhân văn, giúp những người khó khăn có chỗ ở.

Ngân hàng Nhà nước giảm 0,25% với 2 loại lãi suất điều hành, lãi suất trên thị trường sẽ chững lại?

Trong bối cảnh làn sóng tăng lãi suất huy động lan rộng, tỷ giá dịu bớt, hôm nay (5/8), Ngân hàng Nhà nước đã đồng loạt giảm lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu.

Thông báo của ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, trong phiên giao dịch hôm nay (5/8), cơ quan này đã giảm đồng thời hai loại lãi suất điều hành là lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) và lãi suất tín phiếu, đưa lãi suất trên hai kênh này về mức 4,25% (giảm 0,25%).

Cụ thể, trong phiên đấu thầu trên thị trường mở hôm nay, NHNN đã cho 7 thành viên thị trường vay gần 13.669 tỷ đồng thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4,25%/năm. Trước đó, Nhà điều hành đã có 2 lần điều chỉnh tăng loại lãi suất này vào trung tuần tháng 4 và tháng 5/2024 (mỗi lần tăng 0,25%), nâng lãi suất trên kênh này tăng từ 4% lên 4,5%.

Cũng trong phiên hôm nay, NHNN đã phát hành 3.250 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất trúng thầu giảm từ 4,5%/năm trong phiên trước đó xuống 4,25%/năm.

Theo giới phân tích, tỷ giá đang hạ nhiệt cộng với sức ép thanh khoản tăng là lý do NHNN hạ hai loại lãi suất điều hành, mục đích là hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Trong báo cáo vừa phát hành, Công ty chứng khoán Shinhan nhận định, tỷ giá, lạm phát sẽ hạ nhiệt vào cuối năm. Nhờ vậy, ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều dư địa hơn để nới lỏng, duy trì lãi suất ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đà phục hồi. 

Từ đầu tháng 8 đến nay, đã có thêm 6 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Trước đó, có 19 ngân hàng tăng lãi suất huy động trong tháng 7/2024. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã chạm mốc 6%/năm, kỳ hạn 18 tháng chạm mốc 6,1%/năm. 

Theo các chuyên gia phân tích, ngoài nguyên nhân sức ép tỷ giá, lãi suất tăng còn do thanh khoản trên thị trường đang có dấu hiệu thiếu hụt trong bối cảnh cầu tín dụng tăng gấp 4 lần tốc độ tăng huy động vốn. Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải tăng lãi suất để cạnh tranh thu hút tiền gửi với các kênh khác.

Trong tháng 7, NHNN đã trở lại bơm ròng trên thị trường mở với quy mô hơn 44.400 tỷ đồng. Khác với tháng trước, NHNN duy trì đều đặn việc cho vay kỳ hạn ngắn (7 ngày) thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trong tháng 7 là 6.200 tỷ đồng.

Đồng thời, việc phát hành tín phiếu NHNN vẫn giữ được tần suất tương tự tháng trước, tuy nhiên quy mô phát hành trung bình mỗi phiên là cao hơn khoảng 2.000 tỷ đồng so với tháng trước. Kỳ hạn phát hành tín phiếu giữ nguyên 14 ngày kể từ 21/6 đến nay. Tháng 7 ghi nhận 189.000 tỷ tín phiếu NHNN đáo hạn, đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho NHNN bơm ròng trở lại.

Lợi nhuận ngân hàng phân hóa mạnh trong nửa đầu năm

Mặc dù báo lãi hàng chục ngàn tỷ đồng, song so với mục tiêu, không phải nhà băng nào cũng hoàn thành. Bên cạnh đó, không ít nhà băng báo lợi nhuận giảm trong nửa đầu năm 2024.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Saigonbank đạt hơn 166 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 9% so với cùng kỳ. So với kế hoạch 368 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2024, trong nửa đầu năm, Saigonbank mới hoàn thành 45% kế hoạch.

Trong khi đó, ngân hàng NCB có lãi trở lại sau 3 quý bị lỗ liên tiếp trước đó. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý II/2024 đạt 49 tỷ đồng, gấp 6 lần mức đạt được cùng kỳ năm 2023. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của NCB đạt hơn 7 tỷ đồng.

VietBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 411 tỷ đồng, bằng 43% kế hoạch năm. Tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng vừa qua đạt 11,3%, trong đó quý II/2024 góp phần lớn vào hiệu quả bán niên, với mức tăng trưởng 96,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II/2024 đạt 151 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,6% so với quý 2/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt gần 268 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ, bằng 48% kế hoạch cả năm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của KienLongBank đạt 552 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và hoàn thành 69% kế hoạch năm.

Lợi nhuận trước thuế quý II/2024 của BVBank đạt 83 tỷ đồng, tăng tới 486% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BVBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 153 tỷ đồng, hoàn thành 76% kế hoạch cả năm.

Thực tế cho thấy, lợi nhuận đem về của các nhà băng lớn trong nửa đầu năm nay lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, song không phải ngân hàng này cũng hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận trong nửa đầu năm.

Giữ vững ngôi vị “quán quân”, Vietcombank ghi nhận lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 20.800 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Nhưng nếu so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế mà nhà băng này đặt ra ở mức hơn 42.000 tỷ đồng, thì nửa đầu năm mới thực hiện được gần 50%. Dẫu vậy, đây là mức lợi nhuận cao nhất trong ngành.

Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ quý II/2024 đạt 8.122 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý II/2024 là 7.827 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Techcombank là 15.628 tỷ đồng, tăng 38,6% so với cùng kỳ.

Techcombank đề ra mục tiêu cả năm 2024 đạt 27.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 18% so với kết quả 2023. Như vậy, nửa đầu năm, nhà băng này hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cho cả năm.

ACB báo lợi nhuận quý II/2024 đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 14% so với quý trước và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao kỷ lục của ACB. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, ACB đạt gần 10.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng với mức tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 22.000 tỷ đồng, thì nửa đầu năm vẫn chưa thực hiện được 50%.

Tương tự, MB báo lợi nhuận trước thuế quý II/2024 đạt 7.633 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, MB đạt hơn 13.400 tỷ đồng trước thuế, tăng 5,4%. Nhưng nếu so với mục tiêu lợi nhuận cả năm 2024 đạt 27.884 - 28.410 tỷ đồng trước thuế, thì kết thúc hai quý đầu năm nay, MB mới thực hiện được non nửa.

HDBank báo lợi nhuận trước thuế 6 tháng ngân hàng đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 48,9% so với cùng kỳ. So với mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm 2024 là 16.000 tỷ đồng, thì nhà băng này đã hoàn thành hơn 50%.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt hơn 6.860 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 61% kế hoạch năm. SHB tiếp tục là ngân hàng có Chỉ số Chi phí trên thu nhập (CIR) thấp, ở mức 22,25%.

PSG-TS Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học kinh tế TP.HCM) nhận định, lợi nhuận ngân hàng năm 2024 có tăng trưởng, nhưng khó có thể kỳ vọng tăng đột biến. Đồng thời, lợi nhuận sẽ phân hóa mạnh với những ngân hàng thuộc tốp đầu. Trong khi đó, những ngân hàng nhỏ hơn phải tập trung khắc phục rủi ro nợ xấu.

Chi phí dự phòng của các ngân hàng trong nửa đầu năm 2024 ra sao?

Xu hướng nợ xấu có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi các nhà băng tăng dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận sụt giảm. Song ngược lại, vẫn có ngân hàng giảm trích dự phòng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của Agribank, dù các hoạt động đầu tư chứng khoán chuyển từ lãi sang lỗ trong nửa đầu năm, nhưng bù lại hoạt động khác tăng lãi 22% so với cùng kỳ với gần 3.112 tỷ đồng nhờ tăng thu từ nợ gốc đã xử lý.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 24.317 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong nửa đầu năm, Agribank tăng 25% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích lập đến 11.048 tỷ đồng, do đó lãi trước thuế chỉ còn 13.269 tỷ đồng, giảm 2% so vời cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV trong quý II/2024 tăng 24% lên 13.517 tỷ đồng. Dù trong quý này, ngân hàng trích 5.358 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 36% so với cùng kỳ, BIDV vẫn lãi trước thuế gần 8.159 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIDV lãi trước thuế gần 15.549 tỷ đồng, tăng 12%.

Kết thúc nửa đầu năm 2024, nguồn thu ngoài lãi của Vietinbank sụt giảm như: lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 88%, lãi từ hoạt động khác giảm 39%, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lỗ.

Nhưng kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietinbank tăng 12%, thu được 14.567 tỷ đồng. Ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 21% lên 7.817 tỷ đồng, do đó chỉ còn 6.750 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 3% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietinbank lãi trước thuế hơn 12.960 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.

Tương tự, chi phí dự phòng của Techcombank ghi nhận ở mức 2.855 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng 112,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc 6 tháng đầu năm, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 15.628 tỷ đồng, tăng 38,6% so cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ ở mức lành mạnh 101% tại cuối quý 2/2024. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới mức 1,3%, và tỷ lệ an toàn vốn tăng lên  mức 14,5%.

Chi phí dự phòng của BacA Bank tăng lên tên 132 tỷ đồng trong quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm phải trích đến gần 542 tỷ đồng, tăng 215% so vời cùng kỳ năm trước.

Dù trích 625 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 25%, MSB vẫn lãi trước thuế gần 2.160 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 7% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ngân hàng thu được gần 3.690 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 4% so với cùng kỳ. Như vậy, MSB đã thực hiện được 54% mục tiêu 6.800 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm sau quý II/2024.

VIS Rating nhận định, tốc độ cơ cấu lại khoản vay (~1,2% tổng dư nợ) được kỳ vọng sẽ ổn định. Rủi ro tín dụng đến từ nhóm ngành bất động sản sẽ dần ổn định khi các vấn đề pháp lý dần được tháo gỡ và tiếp cận được nguồn vốn vay.

Tuy nhiên, VIS Rating cũng cho rằng, các chủ đầu tư sử dụng đòn bẩy cao với dòng tiền kinh doanh hồi phục chậm và đang vướng vào vấn đề pháp lý hoặc các Dự án mang tính đầu cơ sẽ tiếp tục là rủi ro chính đối với chất lượng tài sản của ngành ngân hàng.

Nhưng theo VIS Rating, bộ đệm rủi ro vẫn sẽ ổn định khi khả năng tạo vốn nội bộ cải thiện và hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh. Mặc dù lợi nhuận cải thiện sẽ hỗ trợ trích lập dự phòng và bổ sung vốn, mức vốn của ngành nhìn chung sẽ đi ngang trong năm 2024.

VIS Rating dự báo tỷ lệ an toàn vốn của ngành ngân hàng vẫn sẽ ở mức thấp khoảng 11 - 12%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng tư nhân thấp hơn trung bình ngành do phải mất nhiều thời gian hơn để cải thiện tỷ lệ dự phòng sau khi chất lượng tài sản sụt giảm mạnh vào năm 2023. 

Tuy đã tăng trích dự phòng, song đến cuối tháng 6/2024, số dư nợ xấu của BIDV tăng 28,3% so với cuối năm trước đạt 18.687 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,26% lên 1,52%. Tổng nợ xấu của ngân hàng Vietinbank tính đến 30/6 là 24.645 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 1,13% đầu năm lên 1,57%.

Chất lượng nợ vay là điểm tối trong bức tranh kinh doanh nửa đầu năm của BacA Bank. Tổng nợ xấu tính đến 30/6 tăng 65% so với đầu năm, lên mức 1,513 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 0,92% đầu năm lên 1,48%.

Tại MSB, tổng nợ xấu tính đến 30/6 ghi nhận 5.132 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ theo Thông tư 11 được kiểm soát ở mức 2,13%.

Tính đến cuối quý II/2024, số dư nợ xấu của Techcombank ở mức 7.287 tỷ đồng, tăng 21,5% so với đầu năm, đưa tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng nhích nhẹ lên 1,23%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ ở mức 1,08%.

Còn tại Agribank nhờ tăng dự phòng, tổng nợ xấu tính đến 30/6 của nhà băng này là 29.276 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay giảm nhẹ từ 1,85% đầu năm xuống còn 1,84%, một phần do mạnh tay trích dự phòng rủi ro.

Trong khi đó, tại BaoVietBank dù đã giảm đến 35% chi phí dự phòng, chỉ còn trích gần 210 tỷ đồng trong quý II/2024, BaoVietBank chỉ lãi trước thuế đạt 18 tỷ đồng, giảm 2% so cùng kỳ, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm, nhà băng này chỉ thu được gần 620 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 78% so với cùng kỳ.

Do ngân hàng trích đến 594 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 83% so vời cùng kỳ, do vậy chỉ còn lãi trước thuế gần 26 tỷ đồng, tăng 4%. Song chất lượng nợ vay của BaoVietBank tiếp tục đi lùi khi tổng nợ xấu tính đến 30/6 là 2.165 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 4% đầu năm lên 4,79%.

Ngược lại, nhiều ngân hàng cắt giảm mạnh dự phòng, dù nợ xấu không đi xuống. Cụ thể, tại Vietcombank (VCB) nhờ cắt giảm 40% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ cón trích 1.513 tỷ đồng nên nhà băng này báo lãi trước thuế 10.116 tỷ đồng trong quý II, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, VCB báo lãi trước thuế gần 20.835 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước nhờ cắt giảm 34% chi phí dự phòng chỉ còn trích 3.021 tỷ đồng. Tuy nhiên, chất lượng nợ vay của VCB cũng đi lùi so với đầu năm 2024. Tổng nợ xấu tính đến 30/6 tăng 32% lên 16.446 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 0,98% đầu năm lên 1,2%.

Chi phí dự phòng ABBank giảm 33,7% so với cùng kỳ, xuống 463 tỷ đồng là nguyên nhân chính hỗ trợ cho lợi nhuận quý II/2024. Nhưng số dư nợ xấu của ABBank vào cuối quý II/2024 đạt 3.228 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2023, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,91% lên 3,55%, nhưng giảm khoảng 0,37% so với cuối quý I/2024.

Nhờ chi phí dự phòng giảm 64,6% so với cùng kỳ nên Sacombank đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.688 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong những quý gần đây, chi phí dự phòng rủi ro của Sacombank đã cải thiện đáng kể do ngân hàng đã hoàn thành trích lập toàn bộ trái phiếu VAMC từ cuối năm 2023.

Tuy nhiên, số dư nợ xấu của Sacombank vào cuối tháng 6/2024 ở mức 12.548 tỷ đồng, tăng 14,2%, chủ yếu do nợ nhóm 5 và nợ nhóm 4 đi lên. Tỷ lệ nợ xấu lên 2,43%, cao hơn kết quả cuối quý I/2024 và cuối năm 2023.

Tại Saigobank, nhờ mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 59%, chỉ  trích gần 22 tỷ đồng quý II/2024. Nhưng chất lượng nợ vay của Saigonbank đi lùi so với đầu năm. Tổng nợ xấu đến 30/6 là 518 tỷ đồng, tăng 28%. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng bằng lần. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 2,03% đầu năm lên 2,55%.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết, nợ xấu tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024, hoạt động cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ vẫn mạnh mẽ. Theo ước tính của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 5/2024 ở mức 4,94%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu gồm cả nợ tiềm ẩn và cơ cấu lại không thay đổi nhiều so với cuối năm 2023, duy trì mức 6,9%.

Xét về số tuyệt đối, VDSC ước tính nợ xấu nội bảng tăng thêm khoảng 75,9 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 06/2024 và Thông tư 02/2023 tăng khá mạnh, với tổng giá trị nợ gốc và lãi đã tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023 lên 230,4 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188 nghìn lượt lên 282 nghìn lượt tính đến cuối tháng 6/2024.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư