Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu
Vân Linh - 25/08/2024 15:56
 
Để chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng cầu trước kỳ vọng tín dụng cải thiện trong các tháng cuối năm, bên cạnh đẩy mạnh huy động vốn, các nhà băng tăng cường phát hành trái phiếu lãi suất cao.

Theo thống kê từ ngày 18 - 20/8 của MBS Research, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt hơn 32.000 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ, đa số là trái phiếu do ngân hàng phát hành, chiếm hơn 90%. Trong đó, các đợt phát hành đáng chú ý trong tháng 8/2024, gồm: Agribank (10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 120 tháng, lãi suất 6,7%); OCB (5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 24-36 tháng, lãi suất 5,6%), MB (4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5,5%).

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành đạt hơn 220.800 tỷ đồng, tăng 50,4% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong 8 tháng đầu năm ước khoảng 7%, thấp hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023. Nhưng ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 159.200 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 72%, lãi suất bình quân 5,5%/năm, kỳ hạn bình quân 4,3 năm. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm có: ACB (23.800 tỷ đồng), MBBank (23.300 tỷ đồng), Techcombank (17.000 tỷ đồng).

Còn tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản đạt 38.200 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 là 60.000 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 17%. Lãi suất bình quân của trái phiếu bất động sản vẫn ở mức 12%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,5 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Vinhomes (12.500 tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup (10.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Hải Đăng (5.400 tỷ đồng).

Ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu. 

Cũng theo dự báo của MBS Research, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi nổi hơn trong quý IV/2024 khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi, thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần, cũng như nhu cầu mở rộng sản xuất kinh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế.

Đồng thời, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành vốn cấp 2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay. Tính từ đầu năm tới giữa tháng 7/2024, tín dụng tăng 5,3%, cao hơn so với mức 4,5% cùng kỳ năm ngoái, tín dụng dự báo sẽ tăng tốc trong nhưng tháng cuối năm theo sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.

Trong khi đó, theo báo cáo của công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, các ngân hàng thương mại áp đảo thị trường sơ cấp với giá trị phát hành trong tháng 7/2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng. Mức này chiếm tới 87% tổng giá trị thị trường, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà băng có lượng phát hành trái phiếu lớn như MB với 10.000 tỷ đồng, Vietinbank là 5.000 tỷ và SHB 3.000 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng cũng tiếp tục đóng vai trò chính trong hoạt động mua lại trái phiếu tháng qua, chiếm 90% giá trị của tổng quy mô gần 32.100 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 7/2024, các ngân hàng đã phát hành khoảng 168.680 tỷ đồng trái phiếu, theo dữ liệu của FiinRatings và đơn vị xếp hạng tín nhiệm VIS Rating. Các nhà băng phát hành trái phiếu tăng trở lại thời gian qua để bổ sung vốn cấp 2 (vốn bổ sung), đáp ứng các quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước, theo công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating.

Cụ thể, từ cuối năm ngoái, các nhà băng phải giảm tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn về 30%, thay vì 34% như trước; cho vay trên tổng vốn huy động dưới 85%... Trong khi đó, huy động tiền gửi của các nhà băng chậm lại do mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp. Vì thế, nhiều ngân hàng buộc xoay qua kênh trái phiếu để bổ sung cơ cấu vốn trung, dài hạn và dùng nguồn lực này tài trợ các dự án.

FiinRatings cũng dự báo khối ngân hàng tiếp tục tăng phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm nay, nhằm có thêm vốn trung, dài hạn trên 3 năm khi tăng trưởng tín dụng dần khởi sắc. Theo cập nhật của công ty xếp hạng tín nhiệm này, nhiều nhà băng đã đăng ký hoặc dự kiến phát hành trái phiếu từ nay tới cuối năm. Cụ thể, Vietinbank 8.000 tỷ đồng, LPBank khoảng 6.000 tỷ, ACB 15.000 tỷ, còn SHB và BIDV lần lượt 5.000 tỷ và 4.000 tỷ đồng. Dự báo của VIS Rating cho thấy trong 1-3 năm tới, khối ngân hàng sẽ cần khoảng 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2. Nguồn lực này sẽ hỗ trợ các nhà băng vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn.

Theo Báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày công bố thông tin 12/7/2024, có 5 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7 năm 2024 được ghi nhận với tổng giá trị đạt 6.420 đồng. Trong đó, có tới 6.400 tỷ đồng trái phiếu phát hành đến từ các ngân hàng (chiếm 99,6% tổng giá trị), còn lại 20 tỷ đồng trái phiếu đến từ mảng chứng khoán (Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí).

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 149.677 tỷ đồng. Trong đó, có 10 đợt phát hành ra công chúng, trị giá 11.378 tỷ đồng (chiếm 7,6% tổng giá trị phát hành) và 140 đợt phát hành riêng lẻ, trị giá 138.300 tỷ đồng (chiếm 92,4%tổng số). Các doanh nghiệp đã mua lại 8.708 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 7/2024. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 85.742 tỷ đồng, giảm 32,1% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 64,5% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 55.278 tỷ đồng).

Các chuyên gia VIS Rating cũng đưa ra dự báo, khối ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh phát hành trái phiếu trong năm 2024. Quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn. Đồng thời, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn.

Theo giới phân tích tài chính, các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trở lại là nhằm tăng vốn cấp hai để đáp ứng chuẩn Basel II và Basel III. Đồng thời, việc phát hành trái phiếu được đẩy mạnh trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi ở mức thấp và tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng tốc. Số liệu NHNN đưa ra, tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ mức 3,4% so với đầu năm vào cuối tháng 5 lên 6,0% vào cuối tháng 6 trước khi giảm trở lại còn 5,3% tại ngày 17/7. Mặc dù có chậm lại trong tháng 7/2024, song tín dụng được dự báo cải thiện dần trong những tháng tới ở mùa kinh doanh cao điểm.

Ngoài ra, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng cũng có động lực để phát hành trái phiếu mới nhằm cơ cấu lại các lô trái phiếu có lãi suất cao đã phát hành trong các năm trước. Điều này lý giải vì sao ngân hàng vừa là nhóm dẫn đầu phát hành mới, đồng thời cũng là đơn vị chủ yếu mua lại trái phiếu đã phát hành.

Ngân hàng phát hành trái phiếu riêng lẻ: Kiểm toán "bó tay" xác định "đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương"
Big 4 công ty kiểm toán cho biết, không thể kiểm toán được tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của ngân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư