Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng thừa vốn, nhưng hợp tác xã vẫn khó với
Nguyễn Ngân - 28/07/2022 20:03
 
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã chưa thể phát huy hết tiềm năng do thiếu nguồn lực, nhưng cánh cửa tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng vẫn rất hẹp.

Hợp tác xã khó tiếp cận vốn

Tại Diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hợp tác xã” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực tuyến ngày 28/7/2022, ông Nguyễn Tiến Định, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển (Bộ ông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tổng dư nợ đến năm 2021 của hợp tác xã nông nghiệp đạt 6.000 tỷ đồng và chỉ khoảng 7.000 hợp tác xã được hỗ trợ quỹ tín dụng; 3,7% hợp tác xã  tiếp cận được tín dụng hàng năm.

“Đây là con số rất khiêm tốn. Mỗi năm chỉ khoảng 45 hợp tác xã nông nghiệp được ưu đãi tín dụng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Việc khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, như không khuyến khích hợp tác xã đầu tư chế biến sâu mà chủ yếu thu gom nguyên liệu; năng suất, hiệu quả sản xuất - kinh doanh thấp... Tình trạng này một mặt tạo áp lực cho doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của chuỗi liên kết nhưng mặt khác là điều kiện để bẫy tín dụng hay tín dụng đen hành hoành ở khu vực nông thôn”, ông Định phân tích.

Minh chứng cho thực trạng trên, ông Đặng Vinh Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Số Bình Phước cho hay, hiện tại các ngân hàng chính sách định giá đất nông nghiệp trên khung giá do UBND tỉnh cấp, không phù hợp với thực tế. Ví dụ, một số ngân hàng chính sách đang định giá đất nông nghiệp ở mức 30.000 - 50.000 đồng/m2, vì vậy, nhiều nông dân và hợp tác xã không có đủ tài sản thế chấp để tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng..

Còn nhiều khó khăn để doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX tiếp cận nguồn vốn ngân hàng
Còn nhiều khó khăn để doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX tiếp cận nguồn vốn ngân hàng

Vấn đề này được bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói rõ thêm: “Qua theo dõi, chúng tôi cũng chỉ ghi nhận khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn tài chính chính thống, còn lại là các nguồn khác như huy động từ người thân, vay, mượn tại các nguồn không chính thống. Nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp không có nguồn lực thay đổi công nghệ để bứt phá được”.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, dù ngân hàng thừa vốn, nhưngngân hàng cũng là doanh nghiệp và phải đảm bảo hoạt động hiệu quả, nên không thể cho vay nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ độ tin cậy, không đưa ra được phương hướng phát triển, không tính toán được lợi nhuận, phương án trả nợ hợp lý…

Một số ngân hàng cũng đã có quỹ tín dụng riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng số doanh nghiệp đủ tín chấp để tiếp cận vốn từ quỹ này không nhiều.

Ngân hàng sẵn sàng nhưng cần… điều kiện  

Trước những vấn đề trên, ông Hà Huy Cường, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á chi nhánh TP. HCM cho rằng, việc cho vay đối với ngành nông nghiệp phải đi theo chuỗi, cùng với đó chất lượng hoạt động của các hợp tác xã cũng phải được nâng cao, cả tính chuyên nghiệp, chỉn chu.

Theo ông Cường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Đề án 970 có thể là đầu mối lựa chọn và phân loại các hợp tác xã theo một số tiêu chí nhất định, trên cơ sở đó, ngân hàng có thể có các phương án cho vay với mức tài sản đảm bảo hoàn toàn hoặc tài sản và tín chấp một phần, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

"Ngân hàng có thể tham gia xây dựng tiêu chí phân loại này", ông Cường nói.

Diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và HTX
Diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và HTX

Ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, ngân hàng xác định các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã là một trong những đối tượng được ưu tiên. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trình ban hành, ban hành các văn bản giúp tăng khả năng tiếp cận vốn cho các đối tượng này cũng như các hướng dẫn lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng cho các đối tượng này tối đa là 4,5%/năm.

Ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, ngân hàng sẵn sàng phối hợp hợp tác xã về việc sẽ mở các lớp đào tạo, tập huấn về tài chính, kế toán để có phương án xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Ngoài ra, thời gian tới ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các bộ ngành sớm triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đi vào thực tiễn.

[Infographic] Khu vực kinh tế hợp tác xã đóng góp 4% GDP cả nước
Từ năm 1988, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Hợp tác xã Quốc tế (CoopsDay), ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 7, nhằm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư