Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo bong bóng tài chính và bất động sản
Lê Quân - 18/11/2021 08:00
 
Ngân hàng Trung ương châu Âu đưa ra cảnh báo về tình trạng "định giá thăng hoa" trên các thị trường tài sản sau khi khu vực này phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19.
Dãy nhà ở đang hoàn thiện bên trong khu đô thị Valdemoro, thành phố Madrid (Tây Ban Nha). Ảnh: AFP
Dãy nhà ở đang được hoàn thiện bên trong khu đô thị Valdemoro, thành phố Madrid (Tây Ban Nha). Ảnh: AFP

Trong báo cáo ổn định tài chính được công bố hôm 17/11, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chỉ ra các lỗ hổng của thị trường tài chính và bất động sản, đồng thời cho biết rằng "mức độ chấp nhận rủi ro của các tổ chức tài chính phi ngân hàng cũng như nợ công và nợ doanh nghiệp đều đang tăng lên".

Đối với bất động sản, Ngân hàng Trung ương châu Âu nhận định, rủi ro điều chỉnh giá trong trung hạn đã tăng lên đáng kể bởi đã xuất hiện nhiều dự đoán giá nhà tăng cao.

"Đặc biệt, những gia đình có các khoản lãi suất thế chấp linh hoạt hoặc cố định trong thời hạn ngắn có nguy cơ phải chịu lãi suất tăng bất ngờ, điều này đồng nghĩa ảnh hưởng xấu đến khả năng trả nợ của họ", báo cáo của Ngân hàng Trung ương châu Âu nêu.

Ông Luis de Guindos, Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu lưu ý, "sức bật rõ rệt" của các thị trường vốn chủ sở hữu và tài sản rủi ro khiến chúng dễ bị điều chỉnh hơn.

Trong báo cáo ổn định tài chính công bố lần này, ông Luis de Guindos nhấn mạnh: "Đã có minh chứng rằng những 'tay chơi' lâu năm trên thị trường đang khám phá các khoản đầu tư mới hơn, lạ lẫm hơn. Song song với đó, thị trường nhà ở của Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) đã tăng trưởng nhanh chóng trong khi có rất ít dấu hiệu cho thấy các tiêu chuẩn cho vay đang được siết chặt".

Trong tháng 9, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã thông báo rằng cơ quan này sẽ giảm lượng mua vào trái phiếu do chỉ số giá tiêu dùng đã tăng cao. Động thái này kích hoạt quá trình thu hẹp gói kích thích tài khóa khổng lồ mà cơ quan này áp dụng thời đại dịch.

Lạm phát của Eurozone trong tháng 9 đạt mức 3,4%, cao nhất trong 13 năm trở lại đây. Trong tháng 10, lạm phát vẫn neo ở mức cao nhất trong 13 năm, với mức tăng tới 4,1%, do giá cả năng lượng tại khu vực này tăng vọt.

Mặc đù vậy, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, bà Christine Lagarde vẫn khẳng định rõ rằng các động thái của cơ quan này là hành động điều chỉnh mà không phải là động thái thu hẹp, bởi lẽ cơ quan này cho rằng lạm phát tăng cao là vấn đề tạm thời và sẽ lắng dần trong năm 2022.

Một số nhà đầu tư nhận định, Ngân hàng Trung ương châu Âu đang đánh giá thấp áp lực lạm phát. Cho nên, nhiều khả năng cơ quan này sẽ phải tiến hành tăng lãi suất trước thềm năm 2023. Nhận định này là có cơ sở bởi lãi suất tiền gửi của khu vực này ước tăng 20 điểm cơ bản vào tháng 12/2022.

Trong Dự báo kinh tế mùa thu vừa công bố, Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá rằng tăng trưởng kinh tế EU đã trở lại vào mùa xuân và được duy trì trong suốt mùa hè nhờ các chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 được thúc đẩy và các biện pháp hạn chế dần được dỡ bỏ.

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, nhưng với lãi suất cực thấp và các biện pháp kích thích quy mô lớn, nền kinh tế EU đã và đang phục hồi nhanh hơn dự báo và ước đạt tăng trưởng lần lượt 5% và 4,3% trong năm 2021 và 2022. Sang năm 2023, nền kinh tế này ước đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5%.

Còn Eurozone sẽ tăng trưởng cùng nhịp với nền kinh tế EU ở mức 5% và 4,3% lần lượt trong các năm 2021 và 2022. Trong năm 2023, tăng trưởng của Eurozone sẽ đạt khoảng 2,4%.

[Infographic] ECB nâng dự báo tăng trưởng của Eurozone
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên 5%, cao hơn mức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư