Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản kiên trì áp dụng chính sách siêu nới lỏng
Đông Phong - 20/12/2023 08:17
 
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoK) đã giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo trong cuộc họp cuối cùng của năm 2023.
ngân hàng Trung ương Nhật Bản luôn thận trọng trong việc dỡ bỏ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã áp dụng lâu nay. Ảnh: AFP
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản luôn thận trọng trong việc dỡ bỏ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã áp dụng lâu nay. Ảnh: AFP

Triển vọng không chắc chắn

Theo một tuyên bố chính sách được công bố ngày 19/12, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết cơ quan này đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức -0,1%; đồng thời áp dụng chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, giữ giới hạn trên cho lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 1% làm tham chiếu.

"Sự không chắc chắn về triển vọng là cực kỳ cao và chúng tôi vẫn chưa dự đoán được lạm phát sẽ đạt được mục tiêu một cách bền vững và ổn định. Do đó, hiện tại thật khó để chứng minh với mức độ chắc chắn cao về cách chúng ta có thể thoát khỏi [chính sách siêu lỏng lẻo]", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Kazuo Ueda, nói tại buổi cuộc họp báo chiều ngày 19/12.

"Nếu chúng ta thoát khỏi mức âm, lãi suất sẽ tăng nhẹ. Tuy nhiên, chi phí đi vay thực tế được điều chỉnh theo lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp, do đó các điều kiện tiền tệ phù hợp sẽ được duy trì", Thống đốc Kazuo Ueda nói thêm.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống 0,622% và đồng yên suy yếu sau quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Cụ thể, đồng yên Nhật giao trượt giá hơn 1% xuông còn mức 144,33 JPY đổi 1 USD vào cuối buổi chiều ngày 19/12. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã bật tăng 1,4% và đóng cửa ở mức cao nhất trong gần hai tuần.

Quan điểm mà Thống đốc Ueda đưa ra vào đầu tháng 12 đã làm tăng kỳ vọng về một sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản, đó đó khiến đồng yên tăng giá.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã luôn thận trọng trong việc dỡ bỏ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã áp dụng lâu nay, đồng thời cảnh giác rằng bất kỳ động thái sớm nào cũng có thể gây nguy hiểm cho những cải thiện mong manh gần đây.

Trong một năm qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã dần dần nới lỏng kiểm soát lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ba lần, lần lượt vào tháng 12 năm ngoái, tháng 7 và tháng 10 năm nay.

Đợi dữ liệu tăng trưởng tiền lương

Với động thái giữ nguyên lãi suất, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho thấy họ đang quyết định đợi những dấu hiệu cụ thể hơn về tăng trưởng tiền lương.

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang gặp phải thách thức do nền kinh tế chậm lại và lạm phát hạ nhiệt. Theo đài CNBC, hầu hết các nhà kinh tế đều kỳ vọng Thống đốc Kazuo Ueda sẽ chỉ thực hiện thay đổi chính sách tiền tệ vào năm tới, khi các cuộc đàm phán lương mùa xuân hàng năm xác định được xu hướng tăng lương đáng kể.

Thống đốc Ueda cho biết: "Ngay cả khi tiền lương thực tế giảm hàng năm, nếu chúng tôi kỳ vọng tiền lương sẽ tăng trước và lạm phát tiêu dùng tiếp tục chậm lại, điều đó có thể khiến tiền lương thực tế trở nên tích cực".

"Nếu có triển vọng rằng tiền lương thực tế sẽ chuyển biến tích cực do những yếu tố này, thì sự sụt giảm cơ bản của tiền lương thực tế sẽ không phải là trở ngại cho việc bình thường hóa chính sách", ông Ueda lý giải.

Tổng công đoàn Nhật Bản (Rengo) cho biết vào tháng 10 rằng họ sẽ yêu cầu tăng lương ít nhất 5% trong các cuộc đàm phán lương mùa xuân năm tới. Trước đó, Tổng công đoàn Nhật Bản đã đạt được mức tăng lương lớn nhất trong ba thập kỷ tại cuộc đàm phán năm nay vào tháng 3.

Thống đốc Ueda cho biết: "Các nhà điều hành của một số công ty lớn đang bình luận về triển vọng mức lương cao hơn". "Tuy nhiên, các phiên điều trần của chúng tôi cho thấy nhiều công ty vẫn chưa quyết định chính sách lương năm tới do tình hình kinh tế bất ổn cao".

"Một số công ty nhỏ hơn dường như đang gặp khó khăn trong việc sang tay chi phí nguyên liệu thô và lao động tăng cao. Khả năng lạm phát có xu hướng tăng tốc hướng tới mục tiêu của chúng tôi đang dần tăng lên. Nhưng chúng tôi vẫn cần xem xét kỹ lưỡng liệu chu kỳ lạm phát tiền lương tích cực có xảy ra hay không", Thống đốc Ueda nói thêm.

Không bị ảnh hưởng bởi các quyết định của Fed

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết họ dự kiến lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm) sẽ ở mức trên 2% cho đến năm tài chính 2024. Mặc dù lạm phát lõi vượt quá mục tiêu 2% trong 19 tháng liên tiếp, nhưng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn "kiên nhẫn tiếp tục" với chính sách tiền tệ siêu thích ứng.

Theo nhận định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, lạm phát được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, bền vững và ổn định hơn. Cơ quan này cho rằng việc tăng lương sẽ phát huy hiệu quả hơn, khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu.

Tuy nhiên, lạm phát cao đang bắt đầu tác động tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng ở Nhật Bản. Điều này phần nào khiến nền kinh tế Nhật Bản suy giảm 2,9% trong quý III/2023, đánh dấu quý đầu tiên suy giảm trong hơn ba năm qua, theo dữ liệu điều chỉnh được chính phủ Nhật Bản công bố ngày 8/12.

Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản rất phức tạp và nhiều khía cạnh, do cơ quan này sử dụng nhiều công cụ nới lỏng định lượng khác nhau để phục hồi nền kinh tế trong ba thập kỷ qua.

Chính sách siêu nới lỏng hiện nay cũng khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trở thành một ngoại lệ vào thời điểm mà các ngân hàng trung ương lớn khác đã tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng cao kéo dài. Sự khác biệt về chính sách này phần nào đã gây áp lực lên đồng yên và trái phiếu chính phủ Nhật Bản.

Tuy nhiên, Thống đốc Ueda cho biết bất kỳ quyết định nào của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc bắt đầu nới lỏng sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

"Nếu Fed chuyển sang chu kỳ cắt giảm lãi suất, bối cảnh đưa ra quyết định như vậy sẽ có tác động đến nền kinh tế Nhật Bản, chẳng hạn như thông qua các biến động tiền tệ và khả năng Mỹ hạ cánh mềm. Nhưng chúng tôi sẽ không quyết định chính sách theo lối nghĩ rằng chúng tôi cần phải vội vàng chỉ vì Fed có thể tiến hành trước 3 hoặc 6 tháng", Thống đốc Ueda khẳng định.

Kinh tế Nhật Bản chặn đà suy thoái, nhưng hồi phục chậm
Nền kinh tế Nhật Bản đã ngăn chặn được suy thoái trong quý IV/2022 nhưng tốc độ hồi phục chậm hơn nhiều so với dự báo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư