Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng vẫn mạnh tay “ôm” trái phiếu doanh nghiệp
Thùy Liên - 23/02/2021 09:20
 
Việc tăng gấp đôi, gấp ba lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ đã giúp nhiều ngân hàng giữ phong độ lợi nhuận năm 2020, bất chấp tín dụng tăng trưởng chậm.

Năm 2021, dự kiến ngân hàng vẫn là “tay chơi” lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

SHB là ngân hàng có mức tăng trưởng cao nhất về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2020. Ảnh: Đ.T

Ngân hàng đầu tư trái phiếu tăng hàng chục lần

Một trong những điểm chung của những ngân hàng tăng trưởng mạnh về tín dụng và lợi nhuận năm 2020 là số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tăng đột biến. Báo cáo tài chính năm 2020 của nhiều ngân hàng cho thấy, giá trị trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí tăng vài chục lần.

Quán quân về đầu tư trái phiếu là Techcombank. Tại thời điểm 31/12/2020, lượng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng này nắm giữ là 46.500 tỷ đồng, tăng 53% so với năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh nhất về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phải kể đến SHB. Nếu như năm 2019, lượng trái phiếu doanh nghiệp mà SHB nắm giữ chỉ 500 tỷ đồng, thì năm 2020 đã tăng lên trên 10.500 tỷ đồng (tăng 21 lần).

Một số ngân hàng khác cũng có lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh như VPBank, TPBank, MB… Tại VPBank, lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ đạt trên 31.800 tỷ đồng, tăng 124% (tăng 2,2 lần so với năm trước). Con số này tại TPBank là 11.200 tỷ đồng, tăng 138% (tăng gần 2,4 lần) và tại MBBank là 24.800 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước đó.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc ngân hàng xoay xở hướng kinh doanh trong bối cảnh tín dụng suy giảm do dịch bệnh Covid-19 cho thấy sự nhanh nhạy, linh hoạt. Thực tế, dù tín dụng chung toàn hệ thống không giảm mạnh so với năm 2019, song nguồn thu từ lãi tăng chậm, do mặt bằng lãi suất cho vay giảm, các ngân hàng tập trung cơ cấu lại nợ. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo, không loại trừ ngân hàng cho vay đảo nợ và né các quy định về tín dụng bất động sản.

Năm 2021: Ngân hàng tiếp tục ào ạt mua trái phiếu?

Năm 2020, ngân hàng vừa là nhà phát hành, vừa là nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất thị trường. Năm 2021, khả năng các ngân hàng sẽ tiếp tục mạnh tay đầu tư trái phiếu.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có hiệu lực đầu năm nay đã “loại” bớt nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ khỏi sân chơi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trong khi chờ đợi thị trường thứ cấp, trái phiếu doanh nghiệp sẽ là lãnh địa riêng của nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là các ngân hàng.

Ngoài ra, theo ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Khối Tư vấn và Dịch vụ nghiên cứu thị trường của FiinResearch, năm 2020, nhiều ngân hàng được hưởng lợi nhờ “mua sỉ” trái phiếu doanh nghiệp và bán lại cho nhà đầu tư cá nhân. Năm 2021, theo chuyên gia này, lượng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của những ngân hàng sở hữu nhiều “doanh nghiệp thân hữu” vẫn sẽ tăng trưởng ổn định. Riêng các ngân hàng có ít doanh nghiệp thân hữu, việc tăng hay giảm trái phiếu phụ thuộc nhiều vào điều kiện thị trường cũng như các chính sách mới ban hành.

Việc ngân hàng đa dạng hóa danh mục trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khó khăn không phải là xấu. Tuy nhiên, những mặt trái tiềm ẩn trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng khiến cơ quan chức năng đang tìm cách siết chặt hơn nữa.

FiinGroup nhận định, năm 2021, tín dụng ngân hàng trung và dài hạn khó có dư địa tăng trưởng mạnh để đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp. Do đó, kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ tăng trưởng mạnh.

Cũng theo FiinGroup, năm 2020, mặc dù thay vì đẩy mạnh cho vay dài hạn, các ngân hàng đã gia tăng danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, song các quy định mới gần đây của Ngân hàng Nhà nước đã làm hạn chế hoạt động này. Do vậy, tỷ trọng danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang có xu hướng giảm những tháng gần đây.

Trái phiếu là kênh huy động vốn dài hạn của doanh nghiệp, góp phần làm giảm lệ thuộc vào dòng vốn tín dụng. Trong năm 2020, giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành có mức tăng đáng kể so với năm trước, trong đó, ngân hàng cũng là một trong các nhà đầu tư trái phiếu lớn trên thị trường.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản cảnh báo các ngân hàng thương mại rà soát, tăng cường kiểm tra đối với hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, với mục đích liên quan đến kinh doanh bất động sản. Trong quá trình thực hiện các ngân hàng thương mại phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, hiệu quả. 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)

Ngân hàng cân nhắc chỉ tiêu lợi nhuận
Trải qua một năm khó khăn do tác động của Covid-19 các ngân hàng đang lo ngại nợ xấu tăng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và dự phòng tăng sẽ ảnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư