Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân sách eo hẹp, dừng tăng lương là cần thiết
An Nguyên - 25/05/2020 08:54
 
Đồng tình với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ là trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, cần cân đối lại ngân sách một cách tổng thể.
.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Thưa ông, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này, để ứng phó với tình hình mới, Thủ tướng đã đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có việc chưa tăng lương. Quan điểm của ông thế nào?

Theo kế hoạch chung, tháng 7 năm nay sẽ tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu, nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, phải chi ngân sách cho nhiều việc cấp bách, trong khi nguồn ngân sách dự phòng rất hạn chế. Vì vậy, nếu dành tiền chi tăng lương, sẽ tác động đến những khoản chi cần thiết hơn, đặc biệt là chi cho an sinh xã hội, như khoản 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động.

Chưa kể, tăng lương có thể tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), vì cứ mỗi lần tăng lương thì giá cả lại biến động theo chiều hướng tăng. Vì thế, tôi đồng tình với đề nghị chưa tăng lương, nhưng Chính phủ dự định điều chỉnh lại chi tiêu thế nào, nguồn dành tăng lương bao nhiêu, bây giờ dự tính chi vào cái gì thì phải rõ.

Theo tôi, cũng nên điều chỉnh ngân sách của bộ, ngành, địa phương. Trong bối cảnh dịch bệnh, Quốc hội họp trực tuyến, tiết kiệm được đáng kể. Rồi chi cho các đoàn đi công tác nước ngoài khá lớn, nhưng tình hình này, có lẽ hết năm chưa đi được... Vậy có những khoản phải chi phát sinh và có những khoản không chi hết, Chính phủ cần chủ động báo cáo Quốc hội, vì dự toán ngân sách năm nay đã được Quốc hội quyết từ cuối năm 2019.

Bên cạnh dừng tăng lương, Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, chuyển đổi phương thức đầu tư Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công - tư sang đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Ông có thấy điều này là cần thiết?

Với Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, ngân sách đã bố trí một phần, nay Chính phủ đề nghị dùng toàn bộ ngân sách nhà nước để đầu tư. Tôi đồng tình, nhưng đề nghị phải đánh giá tác động thật kỹ. Dùng đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ con đường huyết mạch này, hay đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành là việc rất nhiều ý nghĩa, nên thực hiện càng sớm càng tốt. Nhưng Chính phủ cần chủ động hơn.

Với các đề xuất về thuế, phí, như giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết quý IV/2020, giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân, theo tôi cũng cần thiết để giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Nhưng tôi vẫn nhấn mạnh là, việc thực hiện phải rõ ràng, công khai, minh bạch.

Để ứng phó với tình hình mới, Chính phủ xây dựng hai kịch bản phát triển với dự báo tăng trưởng GDP thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần có kịch bản theo phương án xấu nhất với khả năng dịch bệnh bùng phát trở lại vào mùa thu, mùa đông; dịch bệnh trên thế giới còn kéo dài, chưa thể khống chế trong năm 2020; chưa có vắc-xin phòng bệnh. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Theo tôi, điều này là rất cần, thiên tai thì nhất thời, nhưng dịch bệnh thì chưa biết, có dự báo là Covid-19 sẽ tái diễn. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, nên cần phải tính tới các kịch bản phát triển để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là an ninh chính trị khi đại hội Đảng các cấp đang diễn ra.

Không chỉ là kịch bản, mà các điều kiện để thực hiện các kịch bản đó cũng cần được tính toán thật kỹ. Những gì thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội thì trình Quốc hội xem xét, trong đó có cả việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng.

Năm nay, nhiều nền kinh tế lớn cũng dự báo tăng tưởng âm, mà nước ta, dù khống chế được dịch hay có chính sách tốt thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì cũng không quá lạc quan về tăng trưởng khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh này, điều chỉnh chỉ tiêu là đương nhiên, tôi tin cử tri sẽ đồng tình.

Lộ trình tăng lương năm 2021 cũng có thể chậm lại

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc chưa tăng lương sẽ có tác động, làm giảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhưng không đáng kể so với những người gặp khó khăn do Covid-19 gây ra. Thời điểm thực hiện tăng lương cơ sở sẽ phụ thuộc vào tình hình ngân sách.

“Đến thời điểm ngân sách cho phép thì chúng tôi tiếp tục đề nghị tăng lương. Kể cả lộ trình tăng lương theo Đề án Cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương 7 khóa XII, chúng tôi cũng sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương để xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh lộ trình tăng lương năm 2021 có thể chậm lại. Thời gian cụ thể sẽ do Ban chỉ đạo quyết định”, ông Lê Vĩnh Tân nói.
9 đối tượng cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương, phụ cấp từ 1/7/2020
Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định về mức lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư