Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Ngân sách tăng thu, lương cơ sở… không chịu tăng
Mạnh Bôn - 15/10/2015 13:31
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, dự toán và phương án phân bố Ngân sách Trung ương năm 2016.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Mức lương cơ sở 1,150 triệu đồng/tháng được giữ nguyên trong 3 năm qua

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nhiều khả năng, tổng thu NSNN năm 2015 vượt dự toán 16.400 tỷ đồng và tăng 7,4% so với 2014. Trong đó, thu nội địa ước vượt dự toán 48.400 tỷ đồng và tăng 17,7% so với 2014. Thu từ dầu, khí hụt 63.000 tỷ đồng do giá dấu thế giới sụt giảm sâu (ước cả năm chỉ đạt 56,7 USD/thùng, giảm trên 43USD/thùng so với dự toán). Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 100% dự toán và hoàn đủ số thuế giá trị gia tăng trong năm 2015.

“Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực, cố gắng hoàn thành vượt dự toán được giao của các bộ, ngành trung ương và địa phương”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển đánh giá sơ bộ.

Dưới góc nhìn của người đứng đầu ngành tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, kết quả thu ngân sách năm 2015 đáng khích lệ, vì riêng hệ thống ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro để giảm nợ xấu khoảng 100.000 tỷ đồng đã làm ngân sách giảm thu 22.000-23.000 tỷ đồng. Đạt được kết quả này là nhờ… giá dầu thô giảm.

Đúng là giá dầu giảm khiến ngân sách hụt thu 63.000 tỷ đồng. “Nhưng bù lại, các doanh nghiệp được mua nhiên liệu với giá rẻ, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, là điểm tựa để GDP tăng trưởng dự kiến 6,5% (cao hơn mục tiêu 6,2%). Đây là cơ sở quan trọng để ngân sách tăng thu”, ông Dũng nhấn mạnh.

Về chi NSNN, Bộ Tài chính dự kiến, năm 2015 giữ được mức bội chi 5% GDP (226.000 tỷ đồng); mức dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP, vẫn trong giới hạn an toàn cho phép (65% GDP).

Tuy nhiên, theo ông Hiển, thực tế sẽ khó giữ mức bội chi NSNN tương đương 5% GDP, vì mức giải ngân vốn ODA trong năm 2015 nhiều khả năng vượt mức dự toán đã được Quốc hội quyết định. Ngoài ra, còn một số khoản đã chi mà chưa có nguồn bù đắp như nợ cấp bù chênh lệch lãi suất đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam...

“Đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo cụ thể các số liệu giải ngân vốn ODA và các khoản nợ của Nhà nước để phản ánh sát số bội chi và nợ công, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Hiển đặt vấn đề.

Trước tình hình cân đối NSNN năm 2015 được dự báo là khá khả quan, Bộ Tài chính dự kiến, năm 2016 tổng thu 984.500 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với ước thực hiện năm 2015. “Mặc dù đây là mức tăng dự kiến thấp, nhưng với tình hình thu từ dầu thô đạt thấp do giá giảm mạnh; thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế, một số chính sách thuế đến thời điểm điều chỉnh giảm thuế suất, để bảo đảm tính chủ động, an toàn trong điều hành ngân sách, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, mức tăng như vậy là hợp lý”, ông Hiển bày tỏ quan điểm đồng tình.

Thu ngân sách năm 2016 chỉ tăng hơn 6%, nhưng chi ngân sách, theo tính toán của Bộ Tài chính sẽ tăng 8,6%, trong đó chi thường xuyên vẫn tăng khoảng 6%, mặc dù Bộ Tài chính khẳng định tiếp tục mạnh dạn cắt giảm các khoản chi không cần thiết, phô trương hình thức, lãng phí, đặc biệt là các khoản chi khánh tiết, hội nghị, lễ hội, chi công tác nước ngoài...

Năm 2016, ngân sách tăng chi và Bộ Tài chính vẫn đề nghị Quốc hội duy trì mức bội chi là 5% GDP, tương đương 257.000 tỷ đồng, tăng 31.000 tỷ đồng so với năm 2015, nhưng mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa được Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh tăng. Điều này khiến Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân vân.

“Nếu năm 2016 không điều chỉnh lương cơ sở thì đây là năm thứ 4 mức lương cơ sở 1,150 triệu đồng/tháng áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức được giữ nguyên, trong khi đó lương của khu vực doanh nghiệp năm nào cũng được điều chỉnh tăng”, bà Ngân phát biểu.

Năm 2015, trước sức ép của Quốc hội, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng lương cơ sở cho một số đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống. Vì vậy, theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cần phải cơ cấu lại các khoản chi, dành một khoản để tăng lương, trợ cấp cho những người đang hưởng mức lương thấp hơn mức lương cơ sở hiện hành (1,15 triệu đồng/tháng).

Lương cơ bản của Chủ tịch Tập đoàn là 36 triệu đồng/tháng
Theo Nghị định 51/2013/NĐ-CP, quỹ tiền lương, thù lao của viên chức quản lý được xác định theo năm, tách riêng với quỹ tiền lương của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư