Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Ngành gỗ: Minh bạch xuất xứ để tránh rủi ro
Thu Phương - 15/07/2020 14:38
 
Để giảm thiểu rủi ro sau khi Mỹ quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với mặt hàng gỗ dán, doanh nghiệp gỗ cần minh bạch về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu.
Mặt hàng gỗ dán của Việt Nam đang bị một số nước như Mỹ, Hàn Quốc điều tra vì nghi ngờ gian lận xuất xứ. Ảnh: Đức Thanh
Mặt hàng gỗ dán của Việt Nam đang bị một số nước như Mỹ, Hàn Quốc điều tra vì nghi ngờ gian lận xuất xứ. Ảnh: Đức Thanh

Đối diện điều tra chống bán phá giá

Báo cáo đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ Việt Nam, do nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) và một số hiệp hội trong nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam tiếp nhận thêm 35 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới trong ngành gỗ, với số vốn đăng ký 173,37 triệu USD, trong đó gỗ dán có 2 dự án với số vốn 14 triệu USD.

Như vậy, tính đến nay, Việt Nam tiếp nhận 53 dự án FDI đầu tư vào mặt hàng gỗ dán, với tổng vốn đầu tư 276,45 triệu USD.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Vifores, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào mặt hàng gỗ dán ở Việt Nam, với 29 dự án, có tổng vốn đầu tư 150,87 triệu USD, chiếm 55% tổng số dự án.

Trung Quốc còn là thị trường cung cấp gỗ dán chính cho Việt Nam, chiếm đến gần 90% về lượng và giá trị nhập trong vài năm gần đây. Năm 2019, quốc gia này cung cấp cho Việt Nam trên 474.400 m3 gỗ dán, đạt hơn 188 triệu USD.

Theo giới phân tích, việc gia tăng đột biến về lượng và giá trị xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc và Mỹ tiềm ẩn nguy cơ gian lận trong xuất xứ hàng hóa, khiến mặt hàng này phải đối mặt các vụ kiện chống lẩn tránh thuế và chống bán phá giá.

Mới đây, ngày 9/6, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức ra quyết định điều tra mặt hàng gỗ dán của Việt Nam. Dù sẽ phải mất một khoảng thời gian là 300 ngày để cơ quan này đưa ra phán quyết cuối cùng, song theo các doanh nghiệp, động thái này đang ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất gỗ dán nói riêng và ngành gỗ trong nước nói chung.

Trước đó, tháng 12/2019, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (KTC) cũng đã chính thức ra quyết định điều tra đối với mặt hàng gỗ dán Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Hay như năm 2015, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng chính thức điều tra mặt hàng này của Việt Nam.

Chuyển đổi nguồn cung nguyên liệu, minh bạch xuất xứ

Trong bối cảnh trên, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Tổ chức Forest Trend nhận định, hiện có ít nhất 4 loại hình rủi ro đang tồn tại trong chuỗi cung gỗ dán của Việt Nam, gồm rủi ro từ khâu nguyên liệu gỗ rừng trồng đầu vào tới khâu sản xuất ván bóc; rủi ro trong khâu từ sản xuất ván bóc tới gỗ dán; rủi ro trong pha trộn giữa nguồn cung trong nước và luồng cung nhập khẩu; rủi ro trong khâu từ gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các mặt hàng khác phục vụ xuất khẩu.

Đáng chú ý, theo ông Phúc, trong tương lai, các rủi ro này có thể lan rộng trên cả 2 phương diện: về thị trường xuất khẩu (thêm số quốc gia quyết định điều tra), về mở rộng điều tra đối với một số mặt hàng mới có sử dụng nguồn gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào (như mặt hàng tủ bếp) được xuất sang một thị trường cụ thể.

Do đó, để giảm thiểu rủi ro trên hai phương diện này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vifores cho rằng, các cơ quan quản lý cần đánh giá tổng thể các loại hình rủi ro trong dự án FDI cũng như các sản phẩm xuất khẩu. Từ đó phối hợp với Hiệp hội rà soát toàn bộ dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ có biến động lớn.

Bên cạnh đó, quy trình cấp phép giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa (C/O) cần phải được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo giấy chứng nhận chỉ cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm đủ điều kiện. Các hiệp hội chú trọng cập nhật thông tin từ đối tác và các cơ quan chức năng để thông báo cho hội viên, tránh các rủi ro không đáng có trong thương mại.

Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi nguồn cung nguyên liệu gỗ dán, từ chối nguồn cung không rõ ràng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, chuyển sang các nguồn cung rõ ràng, với các thông tin về nguyên liệu, đầu ra, đầu vào mà doanh nghiệp hoàn toàn đánh giá và kiểm soát được.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng giám đốc Công ty Kiến trúc AAA, các doanh nghiệp phải chuẩn bị chứng minh cho sự minh bạch qua giấy tờ xuất xứ và đặc biệt là hệ thống quản trị sản xuất bằng công nghệ, cần có một web đầy đủ thông tin cho đối tác.

Ông Điền Quang Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) cũng góp ý, bên cạnh sự tăng cường quản lý, kiểm soát từ phía Nhà nước, các hiệp hội ngành gỗ cũng phải chủ động phát hiện kịp thời những hiện tượng gian lận xuất xứ, thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, có 2 nguy cơ trong việc chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc. Một là, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng tới môi trường, thường tập trung vào giai đoạn đơn giản như sơ chế ván, dăm. Hai là, doanh nghiệp nội dễ mất quyền kiểm soát vào tay khối ngoại.
Nhu cầu thị trường Âu, Mỹ giảm sâu, ngành gỗ càng thêm khó
Dù dịch Covid-19 được khống chế tại Trung Quốc, dòng nguyên liệu dễ thở hơn, nhưng doanh nghiệp ngành gỗ cũng không mấy mặn mà trong việc nhập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư