Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngập trong thua lỗ, vận tải biển “bẻ lái”
Anh Minh - 05/07/2013 13:18
 
Để tái cơ cấu có hiệu quả, thay vì đầu tư nâng tổng trọng tải, đội tàu biển Việt Nam cần khai thác tối đa lợi thế trên tuyến vận tải trong nước và tuyến biển gần. >>> 

“Đội tàu biển Việt Nam đang xa dần mục tiêu kép quan trọng nhất cần phải đạt được sau 8 năm tới: vận chuyển được 200 – 292 triệu tấn hàng, chiếm 9 – 10% tổng lượng hàng vận tải cả nước và nâng thị phần vận chuyển hàng xuất nhập khẩu lên 25 -30%”, ông Nguyễn Mạnh Ứng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển (Portcoast) đánh giá.

Đội tàu biển Việt Nam cần khai thác tốt lợi thế trên tuyến trong nước
và tuyến biển gần

Cần phải nói thêm rằng, Portcoast là đơn vị được Cục Hàng hải Việt Nam giao thực hiện Đề án lập điều chỉnh Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trước đó, Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1601/QĐ – TTg vào tháng 10/2009.

Theo Portcoast, mục tiêu định hướng phát triển vận tải biển, đặc biệt là các mục tiêu cụ thể về sản lượng vận tải cho giai đoạn đến năm 2020 chỉ khả thi nếu hội tụ hai điều kiện: đội tàu Việt Nam đủ mạnh để cạnh tranh “giật” lại thị phần vận tải cả trên tuyến quốc tế và ven biển nội địa; hoạt động kinh doanh của đội tàu có hiệu quả (chí ít là không lỗ).

Tuy nhiên, theo của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến cuối năm 2012, do những khó khăn khách quan và chủ quan, thị phần vận tải hàng xuất nhập khẩu của đội tàu Việt Nam gồm 1.755 chiếc với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT chỉ đạt 12%, chủ yếu trên các tuyến biển gần (dưới 2.000 km).

Đối với vận tải trong nước, đặc biệt là hàng container, thị phần đảm nhận của đội tàu Việt Nam liên tục sụt giảm: từ 80,1% (năm 2010) còn 61,7% (năm 2011) và khoảng 58,7% vào năm 2012.

“Áp lực cạnh tranh từ các hãng tàu ngoại trong việc thu gom hàng container xuất nhập khẩu đang làm teo thị phần vận tải của đội tàu Việt Nam. Trong khi để khắc phục vấn nạn này cần phải có lộ trình và điều kiện phù hợp”, đại diện tư vấn Portcoast cho biết.

Porcoast cũng cho rằng, với điều kiện các doanh nghiệp vận tải biển trong nước đang ngập trong thua lỗ, không thể cùng lúc thực hiện vừa tái cơ cấu, vừa đầu tư nâng tổng trọng tải đội tàu đạt quy mô 8,4 – 9,6 triệu DWT vào năm 2015 được đề cập tại Quyết định số 1601/QĐ – TTg.

Chia sẻ quan điểm với Portcoast, ông Vũ Xuân Quỳnh, Chủ tịch Hiệp hội chủ tàu Việt Nam cho rằng, mục tiêu chính của các hãng tàu trong nước từ nay đến năm 2015 là, tái cơ cấu đội tàu, bán, thanh lý các tàu cũ, hiệu quả khai thác kém.

Dự kiến, số tàu bán, thanh lý theo chủ trương trên chiếm khoảng 40% tổng trọng tải (riêng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines bán khoảng 1,4 triệu DWT). Điều trớ trêu là, ngay cả khi đã bán tới 59 tàu, Vinalines vẫn còn tồn nợ khoảng 8.640 tỷ đồng, chưa tính đến số lỗ lũy kế mà đơn vị chủ lực này “lên kế hoạch” cho giai đoạn từ năm 2012 đến 2017 là 8.640 tỷ đồng. “Kinh doanh hiệu quả, nhiều rủi to mà cứ tiếp tục mở rộng quy mô đội tàu, trong khi nguồn lực có hạn là không hợp lý”, đơn vị tư vấn khuyến nghị.

Được biết, dựa trên việc cập nhật dự báo nhu cầu hàng hóa vận tải biển, các thông lệ, điều ước thỏa thuận về vận tải, Portcoast đề nghị, giảm áp lực ngành vận tải biển thông qua việc “kéo” giảm chỉ tiêu liên quan tỷ trọng đảm nhận hàng xuất nhập khẩu của đội tàu Việt Nam đến năm 2020 xuống còn 16,4% – 17%, trong đó, tuyến biển xa là từ 3,84% đến 4,39%.

“Trước mắt, đội tàu biển Việt Nam cần tập trung khai thác tối đa lợi thế trên tuyến vận tải trong nước và tuyến biển gần đối với loại hàng truyền thống, lấy mục tiêu tái cơ cấu đội tàu làm trọng tâm, nâng dần hiệu quả hoạt động trong giai đoạn sau”, ông Ứng đề xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư