Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Nghệ nhân sinh vật cảnh Nguyễn Thế Cường hiến kế "cứu" cây xanh gãy, đổ do bão lũ
Hạnh Phúc (ghi) - 18/09/2024 18:04
 
Với tri thức về cây xanh và kinh nghiệm trồng cây gần 5 thập kỷ, nghệ nhân sinh vật cảnh Nguyễn Thế Cường, Giám đốc Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang đã “hiến kế” về việc xử lý cây xanh gãy, đổ do bão lũ.
Ông Nguyễn Thế Cường, nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Gạch ngói và Sinh Thái Thạch Môn Trang. Ảnh: Hồ Hạ.

Là người yêu cây xanh, ông Nguyễn Thế Cường, nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Gạch ngói và Sinh Thái Thạch Môn Trang bày tỏ đau đớn trước cảnh hàng loạt cây xanh lớn nhỏ ở các khu đô thị, làng xóm bị ngã đổ, gãy cành do bão lũ, gây nhiều thiệt hại về tài sản và cả sinh mạng của người dân. 

Theo ông, lẽ thường, phần lớn số cây xanh này được cắt bỏ để tránh sụp đổ tiếp theo và giải phóng giao thông đi lại cho người dân. Việc cắt bỏ này chưa hợp lý còn gây lãng phí, vì vậy, ông đã trăn trở nhiều ngày và quyết định tổng kết tri thức hiểu biết về cây xanh cùng kinh nghiệm trồng cây suốt mấy chục năm nay ở Trang trại Thạch Môn Trang để đề xuất những giải pháp liên quan đến việc xử lý số cây xanh gãy, đổ do bão lũ.

Nghệ nhân Nguyễn Thế Cường chăm sóc cây tại Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang. Ảnh: Hồ Hạ.

Theo nghệ nhân sinh vật cảnh Nguyễn Thế Cường, việc đầu tiên là lập ngay Bảng thống kê số lượng cây ngã đổ theo các tiêu chí: Số lượng cây nhỏ có đường kính dưới 25 cm; Số lượng cây có đường kính trên 25 cm; Số lượng cây cổ thụ; Số lượng cây quý hiếm; Số lượng cây cho từng chủng loại cây; Số lượng cây cắt bỏ hoàn toàn; Số lượng cây có thể bảo dưỡng phục hồi trồng lại.

Các số liệu thống kê này sẽ giúp ngay cho việc tổ chức xử lý dọn dẹp sau bão lũ và lập lại kế hoạch trồng cây sau này, chọn các cây xanh phù hợp với môi trường của từng địa phương, từng khu vực; phân bổ trồng các cây cổ thụ, cây quý hiếm cho từng vị trí, từng khu vực thích hợp.

Công tác xử lý cây ngã đổ nên chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, chỉ cắt cành, chuyển cây, giải phóng các nguy cơ gãy đổ nhà cửa, công trình kiến trúc. Cắt tỉa cành lá, thân cây vừa đủ để cho giao thông đi lại xử lý hậu quả bão lũ và giao thông sinh hoạt của người dân.

Cây đa hơn 200 năm tuổi, là 1 trong 9 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam tại Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang. Ảnh: Hồ Hạ.

Giai đoạn 2, phân loại một số cây có khả năng bảo dưỡng và trồng lại cần cắt tỉa cành hợp lý, cắt bỏ các rễ cây gãy, xơ tước để có thể bó bầu gốc để vận chuyển cây sau này.

Những cây không thể có khả năng bảo dưỡng trồng lại thì cần cắt bỏ cả thân cành gốc rễ và tổ chức thu dọn, vệ sinh mặt bằng.

Những cây không ngã đổ chỉ gãy cành, cần cắt bỏ các đầu cành xơ gãy và cắt tỉa các cành không phù hợp với mô hình lùm tán của cây.

Những cây bị nghiêng cần cắt bỏ bớt cành, lá cho gọn và giảm độ thoát nước của lá cây sau đó cần tổ chức kích, kéo, chống cho cây thẳng lại và vun đất cho gốc chặt và thoát nước.

Đặc biệt, cần lập bộ giằng chống cây chắc chắn lâu dài cho cây.

Một số góc vườn tại Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang.

Nghệ nhân Nguyễn Thế Cường nhấn mạnh, phương pháp trồng lại cây ngã đổ cũng cần được thực hiện khoa học. Với cây nhỏ, đường kính thân cây dưới 25 cm chỉ cần cắt cành gãy, thu gọn tán lá và cắt bỏ các rễ cây gãy xơ xước. Dựng thẳng cây và giằng chống giữ cây, lèn đất chặt và thoát nước. Nếu trời nắng nóng có thể dùng lưới nilon đen che phủ cho cây. Chú ý tưới nước cho gốc và cả thân, lá cây thời gian đầu.

Trồng lại cây ngã đổ có kích thước lớn, cây cổ thụ, các cây này có khả năng trồng lại sau bão lũ cần được cắt tỉa, bó bầu và chuyển đến khu vực vườn ươm thì phải xác định các cây này đã ốm yếu cần phải được đưa đi chăm sóc, bảo dưỡng để cây hồi phục sau đó mới đưa đi trồng lại ở các vị trí phù hợp với kế hoạch trồng cây mới.

Cần xây dựng vườn ươm đủ rộng và có đường giao thông cho xe cẩu, xe chở cây, có đủ các thiết bị xe nâng, xe xúc, hệ thống bơm nước và đường ống nước tưới cây.

Không nên cắt tỉa và trồng cây to ngay tại chỗ vì sẽ khó có điều kiện chăm sóc bảo dưỡng cây sau khi trồng lại, khả năng cây chết là rất cao.

Cùng với đó, cần trồng cây mới thay cho các cây không thể “cứu” được cần lựa chọn trồng các chủng loại cây xanh phù hợp với khí hậu môi trường, địa chất ở từng khu vực khác nhau. Khi trồng cây cần lắp dựng bộ giằng chống đỡ cây khi mới trồng và có chế độ tưới nước, chăm sóc cây từ 6 tháng đến 1 năm tùy từng loại cây.

“Tôi rất mong mọi người mạnh dạn tham gia nhiều ý kiến đóng góp để sớm phục hồi hệ thống cây xanh ngã đổ sau lũ lụt và xây dựng một môi trường cây xanh đẹp và bền vững cho mai sau”, nghệ nhân Nguyễn Thế Cường bày tỏ.

[Phóng sự ảnh] Thưởng ngoạn Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang
Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang là một viên ngọc quý, tinh túy gửi trao truyền thống tự hào, một địa chỉ không thể bỏ qua khi du...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư