Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngư dân Phú Yên tích cực thu gom rác thải biển bằng tàu đánh cá lưới kéo đáy
Như Loan - 12/01/2022 14:33
 
Chỉ chưa đầy 2 tháng, hơn 150 ngư dân của 30 tàu đánh cá lưới kéo Phú Yên đã thu gom được 1.596 kg rác thải biển, trong đó 19.9% là rác thải có thể tái chế.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, trên địa bàn tỉnh có khoảng 100.000 ngư dân tham gia các hoạt động nuôi trồng thủy - hải sản, gần 2.000 ha ao đầm, 100.000 lồng bè nuôi tôm cá, 4.106 tàu khai thác cùng hàng trăm cơ sở chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, rất nhiều ngư dân chưa có ý thức thu gom mà vẫn giữ thói quen xả rác thải, trong đó có rác thải nhựa ra đầm, vịnh, sông, biển.

“Nếu như mỗi gia đình ngư dân tự giác thu gom rác thải nhựa để xử lý, tái chế hoặc dùng vật liệu thay thế nhựa thì có thể giúp giảm được hàng tấn rác thải nhựa mỗi ngày, góp phần làm giảm ô nhiễm nhựa”, ông Phương nhận định.

Hơn 150 ngư dân và 30 tàu tại cảng cá Dân Phước đã tham gia dự án thí điểm

Dự án thí điểm “Thu gom rác thải bằng tàu cá” tại tỉnh Phú Yên là một trong 4 hoạt động thí điểm nằm trong khuôn khổ dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Đức tài trợ, và Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai tại Việt Nam.

Tại Phú Yên, Expertise France, Hội nghề cá Việt Nam, Hội nghề cá tỉnh Phú Yên, Ban quản lý cảng cá Dân Phước với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên và UBND phường Xuân Thành đã huy động được 30 tàu đánh cá lưới kéo đáy tham gia thu gom rác thải biển.

Mô hình đã được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, với nhận thức của ngư dân, hiện trạng các tàu khai thác hải sản hiện có và cho thấy nhiều lợi ích về mặt kinh tế, xã hội, môi trường và khoa học.

Chia sẻ về lý do lựa chọn cảng cá Dân Phước, ông Nguyễn Long, chuyên gia trưởng dự án thí điểm cho biết, đây là cảng có rất nhiều tàu lưới kéo đáy thường xuyên cập bến và loại lưới này có khả năng thu gom rác thải từ đáy biển hiệu quả nhất.

Dựa trên nguyên lý hoạt động “lọc nước lấy cá”, lưới kéo giống một chiếc túi thon dần từ miệng đến túi chưa cá với độ mở ngang khoảng 20 - 40 m, độ mở cao khoảng 3 - 4 m. Lưới sẽ được tàu kéo di chuyển sát đáy, nhờ đó cá và rác sẽ chui vào túi lưới”, ông Long nói.

Cảng cá Dân Phước là địa điểm phù hợp để thực hiện dự án vì cảng có rất nhiều tàu lưới kéo thường xuyên cập cảng

Đánh giá về hiệu quả của dự án, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Nguyễn Tri Phương nhận định: “Các tàu cá tham gia dự án không chỉ thu gom rác thải nhựa trên tàu mà còn thu gom rác nhựa từ đáy đại dương về bờ để xử lý. Hành động này sẽ giúp thay đổi nhận thức và truyền cảm hứng cho hàng ngàn tàu cá, ngư dân tại các cảng cá ở Phú Yên, góp phần cụ thể hóa và triển khai các hoạt động liên quan đến kinh tế tuần hoàn”.

Ông Nguyễn Tử Cương, Điều phối dự án thí điểm chia sẻ: “Việt Nam hiện có 17.078 tàu khai thác cá bằng lưới kéo đáy (chiếm 18,1% lượng tàu cá của Việt Nam), đây sẽ là lực lượng chủ lực trong thu gom rác thải chìm dưới đáy biển. Bên cạnh các số liệu khoa học mà dự án này thu được như: 1 ngày một ngư dân thải ra bao nhiều kg rác thải nhựa; 1 km2 đáy biển cách bờ 10 đến 20 hải lý của Phú Yên có bao nhiêu kilogam rác thải nhựa và rác thải nguy hại lâu phân hủy; trong số rác thu được từ đáy biển, lưới đánh cá và ngư cụ chiểm bao nhiêu phần trăm; trong tổng số rác thải nhựa và rác thải nguy hại có bao nhiêu phần trăm có thể tái chế. Dự án kỳ vọng sẽ xây dựng quy trình thu gom, kiểm kê, phân loại và xử lý rác thải thu được từ biển để phổ biến cho 28 tỉnh ven biển áp dụng”.

Bà Fanny Quertamp, Chuyên gia tư vấn cao cấp dự án, đại diện cho Expertise France, mong muốn với dự án thí điểm này, các chuyên gia tư vấn có thể xây dựng các đề xuất các cơ chế chính sách để cho công tác thu gom rác thải nhựa và rác thải nguy hại khó phân hủy trở thành một hoạt động bền vững và mô hình này tiếp tục được triển khai tại nhiều địa phương.

Trước khi được thí điểm tại Việt Nam, chương trình “Fishing for Litter - Thu gom rác thải bằng tàu cá” đã được triển khai thành công tại các nước Bắc Âu, Địa Trung Hải, Braxin và Thái Lan. Sáng kiến nhằm mục đích thúc đẩy cộng đồng ngư dân thu gom rác thải biển và nâng cao nhận thức của ngư dân về tác hại của rác thải nhựa đối với hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người.

Dự án thí điểm này là một hoạt động cụ thể hướng tới việc đảm bảo các mục tiêu đã nêu trong các văn bản luật: giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương, 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom đến năm 2025.

Các mục tiêu này đã được nêu tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 4/12/2019 phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và Quyết định 687/QĐ-BNN-TCTS của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 05/02/2021 phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 - 2030.

[Infographic] Các con sông châu Á đổ nhiều rác thải nhựa ra đại dương nhất
Theo nghiên cứu của tổ chức The Ocean Cleanup, các con sông ở châu Á đổ nhiều rác thải nhựa ra đại dương nhất so với các khu vực khác trên thế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư