Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Ngừng cấp phép sản xuất hộp đen trong năm 2013
- 17/09/2013 12:07
 
Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải vừa kiểm tra đợt 4 các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen GPS), qua đó, hàng loạt vi phạm của các đơn vị vận tải và nhà cung cấp hộp đen được phát hiện. 15 lưu ý khi lái xe trong mùa mưa bão

Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho biết, qua 4 đợt thanh kiểm tra, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã rút giấy phép hoạt động của 9 doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thiết bị hộp đen ra thị trường.

“Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã ký quyết định không cấp phép thêm bất cứ doanh nghiệp sản xuất thiết bị hộp đen trong năm nay để quản lý, theo dõi. Nếu trên thị trường thiếu sản phẩm thì mới cho mở rộng thêm các đơn vị này,” Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Huyện khẳng định.

"Lật tẩy" hàng loạt vi phạm

Theo ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, trong tháng 9 và đầu tháng 10/2013, đoàn Thanh tra sẽ kiểm tra nốt 24 nhà sản xuất hộp đen. Như vậy, trong năm nay, 52 đơn vị sản xuất thiết bị giám sát hành trình đã được Thanh tra Bộ Giao thông thanh kiểm tra.

Sử dụng hộp đen nặng tính đối phó là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tai nạn giao thông không giảm (ảnh minh họa)
Đánh giá về việc sản xuất thiết bị giám sát hành trình của các đơn vị, ông Sỹ cho rằng, hầu hết, các doanh nghiệp vận tải đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định lắp đặt thiết bị hộp đen, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã cố tình vi phạm các quy định đề ra về chất lượng hộp đen.


Cụ thể, chỉ trong thời gian 1 tiếng đồng hồ tại Bến xe Giáp Bát, đoàn thanh tra kiểm tra ngẫu nhiên hiện trường 3 xe thì 2 xe của Công ty Cổ phần phát triển công nghệ điện tử MID Việt Nam (MID) không trích xuất được bất cứ thông tin nào, 1 xe có thông tin nhưng không đầy đủ; máy chủ xử lý báo cáo theo các tiêu chí của Bộ Giao thông Vận tải gần như bị tê liệt, mất hàng chục phút cũng không thể trích xuất được thông tin…

Dẫn chứng, kiểm tra hộp đen trên xe khách biển kiểm soát 18N-1266 do lái xe Triệu Văn Hòa của Công ty Cổ phần Vận tải Đức Lượng, không niêm yết hướng dẫn sử dụng trên xe, không trích xuất được thông tin tại thời điểm hiện tại, kết quả in chỉ ra dòng chữ duy nhất “không có dữ liệu”; xe khách biển kiểm soát 18B-00162 có thiết bị hộp đen cũng không trích xuất được thông in, thậm chí, kỹ thuật viên của Công ty MID lên thao tác nhưng cũng không trích xuất được ra kết quả...

“Đoàn kiểm tra chỉ cần nếu phát hiện thêm 1 vi phạm nữa thì sẽ thu hồi giấy phép hoạt động của MID,” ông Sỹ cho biết.

Tiếp tục kiểm tra xe 35N-8177, 35N-8671 của Công ty Cổ phần vận tải ôtô Ninh Bình có lắp thiết bị hộp đen của đơn vị sản xuất Công ty Cổ phần HC-Phát triển công nghệ Smart Parking, đoàn kiểm tra đã phát hiện thiết bị giám sát hành trình lắp trên 2 phương tiện này dù trích xuất được các thông tin nhưng lại không có dữ liệu trong 30 ngày.

Cũng qua đợt “sờ gáy” đơn vị cung cấp, lắp đặt hộp đen, theo ông Sỹ, lực lượng Thanh tra Bộ Giao thông đã “lật tẩy” hàng loạt vi phạm của các nhà sản xuất bằng cách “phù phép” tem chứng nhận hợp quy, có dấu hiệu lừa đảo và không trung thực với khách hàng.

Dẫn chứng, đoàn thanh tra Bộ đã phát hiện thiết bị của Liên danh sản xuất lắp ráp thiết bị giám sát hành trình Công ty Cổ phần GPS Track Việt Nam và Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ Hà An có hệ thống dây chuyền sản xuất bị đình trệ, phần cứng không đúng với quy chuẩn đăng ký với Bộ Giao thông Vận tải, trích xuất thiếu dữ liệu, không có dịch vụ duy trì chăm sóc sản phẩm sau bán hàng… Ngay sau đó, Thanh tra Bộ đã quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của đơn vị trên.

Khẳng định trên thị trường có quá nhiều đơn vị sản xuất, cung cấp thiết bị chỉ chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Huyện bày tỏ quan điểm, cần loại bỏ bớt những nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình không tốt đồng thời loại bớt "cò" trung gian (các đại lý bán hàng) để nâng cao chất lượng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

“Trong tổng số 52 đơn vị đăng ký sản xuất thiết bị giám sát hành trình với Bộ Giao thông Vận tải thì đoàn kiểm tra đã thu hồi giấy phép hoạt động của 9 doanh nghiệp sản xuất do vi phạm các quy định,” ông Huyện cho biết.

Đối với các đơn vị sản xuất, cung ứng hộp đen còn vướng các lỗi nhỏ, ông Huyện cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải cho thời hạn 3 tháng để khắc phục, nếu không hoàn thành bộ sẽ thu hồi giấy phép.

Dừng cấp phép DN sản xuất hộp đen

Theo ông Huyện, các doanh nghiệp vận tải lắp đặt đã nhận thức được tầm quan trọng của hộp đen và đòi hỏi nhà cung cấp được lắp đặt thiết bị theo đúng quy chuẩn. Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất hộp đen như: Bình Anh, Vinh Hiển… đã có dây chuyền sản xuất và cung cấp ra thị trường những sản phẩm đạt chất lượng cao.

Ngoài ra, vị Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, thanh tra bộ đã kiến nghị công khai danh tính các nhà cung cấp uy tín để doanh nghiệp vận tải biết đồng thời phân loại các đơn vị sản xuất hộp đen.

“Đơn vị sản xuất cung cấp chưa chuẩn thì doanh nhiệp vận tải nên báo cáo thông tin lên Bộ Giao thông để có hướng xử lý,” ông Huyện nêu rõ.

Đề cập đến việc trên thị trường có quá nhiều doanh nghiệp sản xuất hộp đen, ông Huyện cho rằng, mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã ký văn bản quyết định dừng cấp phép đơn vị sản xuất hộp đen để quản lý, theo dõi các nhà sản xuất.

“Chỉ khi nào trên thị trường thiếu sản phẩm hộp đen lắp đặt cho các đơn vị vận tải thì bộ mới cấp phép mở rộng thêm,” ông Huyện khẳng định.


Liên quan đến việc hậu kiểm, theo dõi các nhà sản xuất thiết bị giám sát hành trình sau khi lắp đặt cho đơn vị vận tải, theo ông Huyện, đến ngày 15/10 tới, các nhà xe lắp đặt hộp đen phải có trách nhiệm gửi thông tin dữ liệu báo về trung tâm dữ liệu của Tổng cục Đường bộ với tần suất 1 phút/lần.

“Hiện tại, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu tất cả các Sở Giao thông Vận tải địa phương phải báo cáo có bao nhiêu nhà cung cấp thiết bị hộp đen và giao cho Sở theo dõi chính những nhà sản xuất này nhằm phân cấp quản lý, theo dõi,” vị Chánh Thanh tra Bộ cho biết.

Cũng theo ông Huyện, qua đợt thanh kiểm tra hoạt động vận tải tại 18/21 tỉnh thành vừa qua, đoàn kiểm tra đã phát hiện 80% nhà xe vi phạm chạy quá tốc độ.

“Theo quy định, cứ 20% vi phạm tốc độ trong vòng 3 tháng thì sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh của đơn vị vận tải. Nếu kiên quyết làm thì cả nước sẽ không có đơn vị vận tải nào chạy xe,” ông Huyện tiết lộ./.

Sau đợt kiểm tra an toàn giao thông tại 21 tỉnh vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa có văn bản yêu cầu, chỉ thị 7 thứ trưởng tiếp tục kiểm tra tại 42 địa phương từ nay đến cuối năm.


Sau đợt kiểm tra lần 1, các đoàn kiểm tra của Bộ Giao thông đã phát hiện phần lớn đơn vị vận tải chưa quan tâm đến bộ phận quản lý, theo dõi an toàn giao thông; trong đó nhiều hợp tác xã vận tải không có bộ phận theo dõi an toàn giao thông hoặc có nhưng không hoạt động. Nhiều hợp tác xã chỉ đứng ra thực hiện các thủ tục pháp lý cho xe được hoạt động còn việc điều hành xe do các cá nhân (lái xe, chủ xe) thực hiện, các cá nhân này tự chịu trách nhiệm kết quả kinh doanh.

Việt Hùng

Vận tải đường bộ: quản chiếu lệ, sinh hung thần
Công tác quản lý hoạt động vận tải  làm theo kiểu chiếu lệ tại nhiều tỉnh, thành phố lớn là một trong lý do khiến nhiều “hung thần”...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư