Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Người lao động Việt Nam ở nước ngoài sẽ được bảo vệ tốt hơn
Nguyễn Lê - 25/11/2020 14:26
 
Luật Người lao động Việt Nam ở nước ngoài mới được thông qua không chỉ bảo vệ tốt hơn người lao động, mà còn bổ sung nhiều quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 không chỉ bảo vệ tốt hơn cho người lao động, mà còn bổ sung nhiều quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

.
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Bị ngược đãi, được đơn phương chấm dứt hợp đồng

Một trong 7 đạo luật được thông qua tại kỳ họp kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với nhiều điểm mới trong chính sách của Nhà nước. 

Đáng chú ý, Luật đã bổ sung 7 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong số này có, cấm phân biệt đối xử; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật...

Luật mới cũng đã thêm nhiều quy định mới có lợi và bảo vệ tốt hơn cho người lao động. Theo đó, người lao động không phải đóng tiền môi giới, có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong quá trình thực hiện công việc. Luật cũng bổ sung quyền được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện,  đồng thời, bổ sung trách nhiệm về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đào tạo nghề theo quy định của nước tiếp nhận lao động; sau khi nhập cảnh về nước, phải thông báo với cơ quan đăng ký cư trú theo quy định của Luật Cư trú (Điều 6).

Trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ khi thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ cho doanh nghiệp dịch vụ khác không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ trong Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được bổ sung tại Điều 28, Điều 29 của Luật.

Đáng chú ý, Điều 23 đã bổ sung quy định cụ thể về các nguyên tắc xác định mức trần tiền dịch vụ doanh nghiệp được phép thu của người lao động, đặc biệt trường hợp bên nước ngoài đã trả tiền dịch vụ thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu của người lao động phần còn thiếu theo thỏa thuận.

Thêm ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, luật mới cũng bổ sung nhiều quy định nhằm bảo đảm việc hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi tốt hơn đối với người lao động. Những quy định cụ thể vốn điều lệ, tư cách của người đại diện, số năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài... 

Một số nghĩa vụ cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ đối với người lao động cũng được bổ sung. Như, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại cho người lao động do chính doanh nghiệp và chi nhánh của doanh nghiệp gây ra. Doanh nghiệp dịch vụ phải đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp dịch vụ thông tin về người đại diện theo pháp luật; danh sách nhân viên nghiệp vụ; địa chỉ trụ sở chính, địa điểm kinh doanh, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; quyết định giao nhiệm vụ cho chi nhánh và cập nhật khi có sự thay đổi về những nội dung này; văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận về việc chuẩn bị nguồn lao động. Doanh nghiệp còn phải thông tin đầy đủ, chính xác về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động theo nội dung hợp đồng cung ứng lao động; danh sách người lao động tham gia chuẩn bị nguồn và được tuyển chọn. Ngoài ra, doanh nghiệp phải cam kết bằng văn bản việc ưu tiên tuyển chọn người lao động đã tham gia hoạt động chuẩn bị nguồn của doanh nghiệp (nếu có); trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết ưu tiên tuyển chọn người lao động sau khi đã tham gia chuẩn bị nguồn do doanh nghiệp tổ chức thì phải bồi thường theo thỏa thuận...

Quy định mới còn là, trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày người lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài và hằng tháng phải cập nhật thông tin về người lao động do doanh nghiệp đưa đi trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho đến khi thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Luật mới tiếp tục duy trì Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, nhưng quy định rõ là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (do người lao động và doanh nghiệp đóng góp, không sử dụng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước). Các nhiệm vụ chi của Quỹ chỉ tập trung vào hỗ trợ, giải quyết những vấn đề rủi ro của người lao động, doanh nghiệp; bảo đảm không trùng lặp nhiệm vụ chi của hoạt động quản lý nhà nước, nhiệm vụ chi thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp.
Cơ hội nào cho lao động Việt Nam tại Thụy Sỹ?
Một trong những mong muốn của Việt Nam trong đàm phán FTA với Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA) là mở ra triển vọng đưa lao động tay nghề...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư