Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bảo vệ nhân phẩm, danh dự lao động Việt Nam ở nước ngoài
Mạnh Bôn - 21/05/2020 15:38
 
Luật Đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải bảo đảm danh dự, nhân phẩm và các quyền tự do cơ bản của người đi lao động ở nước ngoài góp phần xây dựng hình ảnh của người lao động nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình Dự án Luật Đưa người VIệt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình Dự án Luật Đưa người VIệt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội, ông Đào Ngọc Dung cho biết, trong hơn 10 năm trở lại đây, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động - XKLĐ) hàng năm tăng đáng kể, trung bình có hơn 80.000 người/năm, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người. 

Năng lực tài chính của doanh nghiệp XKLĐ chưa bảo đảm

Theo ông Dung, hoạt động XKLĐ góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã bộ lộ nhiều hạn chế, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, chính vì vậy cần phải sớm sửa đổi toàn diện luật này.

Cụ thể như điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ XKLĐ chưa chặt chẽ, chưa phù hợp về điều kiện doanh nghiệp đáp ứng phương án, cán bộ, cơ sở vật chất khi cấp giấy phép, điều kiện về tài chính (vốn pháp định là 5 tỷ đồng, tiền ký quỹ là 1 tỷ đồng); chưa đảm bảo năng lực tài chính của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vụ việc phát sinh, điều kiện về người lãnh đạo điều hành còn mở và không hoàn toàn phù hợp; quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế...

Ngoài ra, theo ông Dung, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa cao, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của người sử dụng lao động nước ngoài là do hiện hành quy định doanh nghiệp chỉ được phép tuyển chọn lao động sau khi hợp đồng cung ứng lao động được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận.

“Do đó, doanh nghiệp không có nhiều thời gian để tuyển chọn và đào tạo lao động theo yêu cầu về chất lượng và tiến độ của đối tác. Từ đó dẫn đến tình trạng chất lượng lao động không đảm bảo hoặc mất cơ hội ký hợp đồng cung ứng lao động, mất đối tác, giảm tính cạnh tranh với doanh nghiệp cung ứng của các quốc gia khác”, ông Dung cho biết.

Và cuối cùng, theo ông Dung cần phải sửa đổi Luật XKLĐ hiện hành là do tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và vấn đề số hóa đối với lao động di cư đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới một cách căn bản phương thức quản lý hoạt động XKLĐ nói riêng và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế vì mục đích việc làm nói chung để phù hợp với những tiến bộ mới về khoa học công nghệ, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

Lường trước việc thiếu hụt lao động trong nước

Mục đích của việc sửa đổi Luật XKLĐ lần này, theo Tờ trình vừa được trình Quốc hội vào chiều nay là hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu nhưng phải kịp thời bảo vệ, hỗ trợ lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài  trong xu thế dịch chuyển lao động quốc tế, lao động di cư và  rủi ro phức tạp khó lường như chiến tranh, suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, trong đó dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

“Luật phải bảo đảm danh dự, nhân phẩm và các quyền tự do cơ bản của người đi lao động ở nước ngoài góp phần xây dựng hình ảnh của người lao động nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế; cung cấp các biện pháp cần thiết bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trước khi đi làm việc, khi làm việc ở nước ngoài và sau khi trở về nước”, ông Dung nhấn mạnh.

Trình bày Thẩm tra Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi) trước Quốc hội vào chiều nay, bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án luật và đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa trong việc quy định tăng cường quản lý nhà nước với việc thúc đẩy, phát triển hoạt động XKLĐ trên cơ sở nguyên tắc thị trường.

Theo bà Thuý Anh, luật cần phải định hướng rõ việc phát triển hoạt động XKLĐ trong bối cảnh lực lượng lao động gia nhập thị trường lao động có xu hướng ngày càng giảm vì theo dự báo, đến năm 2035, Việt Nam có số người bước vào tuổi lao động là 1,5 triệu, và nhưng có đến 1,26 triệu người bước vào độ tuổi nghỉ hưu… Từ năm 2040, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thanh tra, xử phạt nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Trong năm 2016 và 2017, Bộ LĐTB&XH đã tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi xuất cảnh với hơn 60 doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư