Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tăng sức cạnh tranh cho lao động Việt Nam
Hà Trần - 28/11/2019 19:42
 
Đào tạo lao động chất lượng cao đang là yêu cầu bức thiết khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Trong tương lai, Việt Nam cần nhiều lao động có kỹ năng cao để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Trong tương lai, Việt Nam cần nhiều lao động có kỹ năng cao để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Không thể giữ mãi lợi thế lao động giá rẻ

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhắc tới Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) như đòn bẩy cho nền kinh tế, với các chỉ số dự đoán khá tích cực như kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU năm 2020, 2025 và 2030 sẽ tăng lần lượt là 20%, 42,7% và 44,37%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam từ EU sẽ tăng lần lượt là 15,28%, 33,06% và 36,7%.

Song, khi các FTA thế hệ mới như EVFTA có hiệu lực, điều lo ngại nhất lại đến từ chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố ảnh hưởng quyết định tới sự cạnh tranh.  

Trong ngắn hạn, bà Trang cho biết, Việt Nam sẽ thiếu hụt nhân lực trình độ thấp làm ở những ngành như dệt may, da giày, chế biến thủy sản… khi đơn hàng xuất khẩu tăng cao. Nhưng ở tầm dài hạn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động kỹ năng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức cạnh tranh.  

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) khẳng định, quá trình dịch chuyển mô hình sản xuất và chuỗi cung ứng của các tập đoàn trên thế giới sẽ gắn với sự chuyển giao công nghệ, đòi hỏi kỹ năng mới ở người lao động.  

“Lĩnh vực dệt may, da giày, Việt Nam mới chỉ tập trung ở khâu CMT, nghĩa là gia công, nên trước mắt vẫn tận dụng được nguồn lao động kỹ năng thấp, nhưng hiện đã bị cạnh tranh với nguồn lao động giá rẻ ở các quốc gia khác. Cùng với đó là chi phí cho lao động ngày càng tăng, rõ ràng chiến lược lao động kỹ năng thấp không thể bền vững. Chỉ riêng về may mặc, để hưởng được thuế suất giảm, thì Việt Nam phải sản xuất được vải, điều này có nghĩa là phát triển dệt may phải theo hướng toàn diện trên dây chuyền sản xuất hiện đại đi cùng sự phát triển của vận tải, hậu cần… Đáng quan ngại nhất là có tới 60% lao động Việt Nam chưa qua đào tạo và điều này khác xa tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp châu Âu đang đề cập”, ông Minh nói.

Không cần đến khi EVFTA có hiệu lực, cuộc cách mạng 4.0 đã là cảnh báo lớn về nhân lực.

Ông Simon Matthews, Tổng giám đốc Manpower Group Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông khẳng định, sẽ có khoảng 45% công việc bị thay thế một phần bởi máy móc và 5% toàn bộ công việc của người lao động bị thay thế. Chỉ những người có kỹ năng phù hợp mới có thể thích nghi với môi trường làm việc mới. 

Theo ông Simon, hiện doanh nghiệp đã gặp khó khi tuyển những lao động có khả năng giao tiếp, hợp tác và giải quyết vấn đề… với tỷ lệ 43% doanh nghiệp cho rằng, họ gặp khó trong đào tạo kỹ năng mềm cho lao động. 

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân đưa ra con số, có tới 3/4 công việc hiện nay sẽ gặp rủi ro trong cách mạng 4.0, dẫn tới nguy cơ về việc làm sẽ xảy ra trong 5-10 năm tới. Hiện có khoảng 20% số lao động đang có thu nhập bấp bênh và thống kê không chính thức, khoảng 1/2 lao động làm việc không đúng trình độ chuyên môn, hoặc đòi hỏi thấp hơn về bằng cấp mà người lao động hiện có.

Cần áp dụng hợp tác công - tư trong giáo dục nghề

Nhu cầu lao động chất lượng cao cấp thiết tới mức, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kêu gọi một cơ chế hợp tác công - tư để thúc đẩy giáo dục phát triển. Điều này, theo ông Lộc, còn cần thiết hơn cả cơ chế hợp tác công - tư trong xây dựng hạ tầng, khi có tới 85% doanh nghiệp hiện không thể tuyển được lao động chất lượng cao hay nhân sự quản trị. Một số doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của thế giới vào Việt Nam muốn phát triển các trung tâm nghiên cứu nhưng không thể tuyển dụng được lao động.

Trong khi đó, theo ông Lê Quân, cuộc cách mạng 4.0 đang mở ra cho người lao động có trình độ tay nghề cao ở khá nhiều lĩnh vực từ công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, logistics, kinh doanh, chăm sóc sức khỏe y tế... Riêng ngành du lịch và công nghệ thông tin, số lao động thiếu hụt đã lên tới 100.000 - 200.000 lao động/năm. 

Nhìn sang các nước có nền kinh tế phát triển, ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã nhắc tới một số ví dụ, như tại Australia, trong số 4 lao động thì có 1 lao động học nghề. Đức có tới 65-70% lao động qua đào tạo nghề.

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore duy trì tỷ lệ tối đa 25% học sinh phổ thông vào đại học, còn lại là học nghề hoặc tham gia thị trường lao động.

Để khuyến khích nâng cao tay nghề, Singapore cấp cho mỗi công dân ở độ tuổi 25 trở lên thẻ tín dụng để phát triển kỹ năng với khoản tiền có sẵn là 500 đô la Singapore. Nếu người lao động không sử dụng, số tiền này vẫn còn nguyên, nếu được sử dụng, khoản tiền này sẽ được cấp bổ sung để người lao động có điều kiện tiếp tục nâng cao tay nghề.

Quay trở lại câu chuyện Việt Nam, mặc dù chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam đã đặt mục tiêu tới năm 2020, nhân lực qua đào tạo nghề chiếm 85 - 88% tổng lực lượng lao động qua đào tạo. Song, việc thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trực tiếp và tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt hiện nay.

Quyết định 1363/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025” đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận.
Năng suất lao động Việt Nam trong ASEAN chỉ còn hơn duy nhất Campuchia và những câu hỏi phía sau
Thông tin mới nhất về năng suất lao động của Myanmar vượt Việt Nam dường như không khiến nhiều người bất ngờ. Như vậy, tới thời điểm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư